Điểm tựa để thoát nghèo bền vững
Những cuộc sống mới
Xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân là địa danh nổi tiếng ở Phú Yên. Nơi đây, từng chứng kiến những trận đánh ác liệt trong kháng chiến chống Mỹ. Sau cuộc chiến, đời sống của bà con dân tộc Chăm Hroi vẫn còn nhiều khó khăn…
Thế nhưng, những năm gần đây cuộc sống của nhiều hộ dân đã đổi thay. Dọc theo tuyến quốc lộ 19C vừa mới nâng cấp, thấp thoáng nhiều mái ngói đỏ xen lẫn giữa những rẫy mía, sắn bạt ngàn xanh mướt.
Gia đình ông La Lan Hảo đã thoát nghèo từ mô hình chăn nuôi và trồng trọt |
Giới thiệu với khách những đổi thay của quê hương, ông Nguyễn Xuân Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Phước cho biết, từ năm 2003 trở đi đồng bào dân tộc thiểu số Chăm Hroi ở đây mới bắt đầu biết vay vốn làm ăn. Đến nay, hầu hết các hộ đồng bào thiểu số đã được vay vốn ưu đãi từ VBSP thông qua ủy thác của Hội Nông dân. Sử dụng vốn hiệu quả, nhiều hộ đã có cuộc sống no đủ. Tình trạng đốt rừng làm rẫy không còn, thay vào đó bà con chỉ canh tác trên diện tích đất nông, lâm nghiệp đã quy hoạch.
Theo chân cán bộ tín dụng VBSP Phú Yên, chúng tôi đến thăm gia đình ông La Lan Hảo ở thôn Suối Mây. Đây là một trong những hộ sử dụng vốn vay ưu đãi có hiệu quả cao. Ông Hảo chất phác tâm sự, trước đây gia đình thuộc hộ nghèo, thiếu trước hụt sau. Nhà có 5 miệng ăn, nhưng chỉ trông chờ vài sào lúa rẫy nên cái nghèo, cái đói đeo bám quanh năm, vào ngày giáp hạt phải rau, sắn qua bữa…
Thế nhưng, từ năm 2003 cũng như nhiều gia đình khác trong thôn, bắt đầu tính chuyện vay vốn thoát nghèo. Từ món vay 10 triệu đồng theo chương trình hộ nghèo, rồi 30 triệu đồng từ chương trình vay vốn sản xuất kinh doanh vùng khó khăn… gia đình đã tập trung vào chăn nuôi bò.
Đến nay, sau thời gian dài gây dựng, gia đình đã có 8 con bò lớn nhỏ, 5ha đất trồng mía, sắn... Mỗi năm, thu nhập từ chăn nuôi, trồng trọt lên đến hàng trăm triệu đồng. Thu nhập ổn định, cái nghèo, cái đói đã được đẩy lùi. Không những thế, gia đình người Chăm Hroi này còn xây được ngôi nhà cấp bốn khang trang, cùng nhiều tiện nghi sinh hoạt như tivi, tủ lạnh, xe máy....
Ông La Lan Hảo tâm sự, cuộc sống mới đã no đủ hơn trước. Nhưng, vui hơn cả là con cái được học hành đầy đủ, có đứa đã vào được ngành công an…“Thật sự, nếu không có vốn ngân hàng thì không biết bao giờ mới được như hôm nay”, ông Hảo bộc bạch.
Cũng vươn lên thoát nghèo từ vốn vay VBSP Phú Yên, trong thôn Suối Mây còn có gia đình ông La Mo Vãnh. Chỉ cách đây một vài năm, đây còn là hộ nghèo “đội sổ” ở Xuân Phước. Thế nhưng, từ vốn vay theo chương trình hộ nghèo 15 triệu đồng, 30 triệu đồng chương trình vay vốn sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, gia đình đã tập trung vào chăn nuôi bò, trồng sắn, mía…
Như nhiều hộ khác trong thôn, đến nay ông La Mo Vãnh cũng đã thoát nghèo, khi gia đình đang có đàn bò sinh sản 6 con và 3 ha trồng mía, sắn… mỗi năm cho thu nhập xấp xỉ cả trăm triệu đồng. Ông La Mo Vãnh chia sẻ: “Muốn thoát nghèo thì phải chăm chỉ. Ngân hàng đã cho vay vốn rồi thì phải có cái quyết tâm làm ăn sao cho hiệu quả…”.
Ở huyện miền núi Đồng Xuân, những hộ thoát nghèo như La Lan Hảo hay La Mo Vãnh không phải hiếm. Thành tích chung đó, có sự góp sức của nguồn vốn chính sách. Theo đó, Phòng Giao dịch VBSP huyện luôn tích cực phối hợp với hội đoàn thể lựa chọn đúng đối tượng, giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích...
Năm 2015, dư nợ của đơn vị đạt gần 220 tỷ đồng, tăng 21,2% so với năm 2014; nợ quá hạn chỉ chiếm 0,18%. Với con số này, Đồng Xuân cùng với Tây Hoà, Sông Hinh là những huyện có tỷ lệ nợ quá hạn thấp trong hệ thống VBSP Phú Yên.
Vai trò của vốn chính sách
Phú Yên là tỉnh thuần nông với hơn 80% dân số sống ở nông thôn, và trên 70% lao động hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, qua 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, toàn tỉnh có hơn 37.600 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,72% vào cuối năm 2015 (so với kế hoạch 9,5%), đạt 118% kế hoạch…
Những thành công trong công tác giảm nghèo, bên cạnh nỗ lực của cả hệ thống chính trị trên địa bàn, phải kể đến những đóng góp quan trọng của VBSP Phú Yên, với nhiều nỗ lực từ các cấp lãnh đạo xuống tận từng cán bộ tín dụng. Trong năm 2015, đã có 50.880 lượt hộ vay vốn tại chi nhánh, nguồn vốn chính sách ưu đãi đã tạo cho 2.495 lao động có việc làm; hơn 14.000 học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn.
Tổng dư nợ trong quý I/2016 của chi nhánh đạt 2.022.306 triệu đồng, tăng 8.208 triệu đồng so với đầu năm, với 92.519 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Trong đó, chương trình có dư nợ tăng là cho vay hộ mới thoát nghèo…
Để góp phần đẩy nhanh quá trình xoá đói, giảm nghèo ở địa phương, VBSP Phú Yên chú trọng việc mở rộng mạng lưới đến từng xã, phường, thị trấn trên địa bàn, giúp các đối tượng chính sách dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi, góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đời sống.
Đến nay, chi nhánh đã “phủ sóng” bằng 112 điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn, giúp những người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn dễ dàng tiếp cận với vốn vay ưu đãi để sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng...
Ông Hồ Văn Thục, Phó giám đốc phụ trách VBSP Phú Yên cho biết, ngoài việc chú trọng mở rộng mạng lưới hoạt động, chi nhánh luôn phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể lựa chọn đúng đối tượng, giải ngân kịp thời, giám sát việc sử dụng vốn của bà con đúng mục đích, có hiệu quả.
Đồng thời, còn chủ động xây dựng Đề cương kiểm tra, giám sát để các hội đoàn thể nhận ủy thác căn cứ xây dựng nội dung kiểm tra, giám sát thực hiện. Ngoài ra, đơn vị còn thực hiện tốt công tác thu hồi nợ đến hạn, nợ phân kỳ, tạo nguồn vốn cho vay quay vòng để nhiều đối tượng thụ hưởng được vay vốn ưu đãi…
Bên cạnh những chương trình cho vay “chủ lực” như hộ nghèo, hộ cận nghèo, VBSP Phú Yên còn đẩy mạnh các chương trình cho vay khác như cho vay học sinh, sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giải quyết việc làm, cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn…, giúp cho nhiều hộ bà con dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa có vốn sản xuất kinh doanh.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con, việc tổ chức thực hiện giao dịch lưu động được nghiêm túc, giao dịch đúng giờ, nội dung công khai đầy đủ, kịp thời…
Tuy nhiên trong thực tế, bên cạnh những kết quả đã đạt được đến nay, công tác giảm nghèo ở Phú Yên vẫn còn những vướng mắc. Theo đó, vẫn còn một bộ phận hộ nghèo và cận nghèo ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không tự lực vươn lên thoát nghèo.
Số hộ nghèo có giảm, song thu nhập của người dân còn thấp; đời sống còn nhiều khó khăn, nhất là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nguy cơ tái nghèo cao. Tốc độ giảm nghèo không đồng đều ngay trong từng xã, huyện và giữa các huyện với nhau…
Do vậy, để đạt mục tiêu trong giai đoạn 2016 - 2020, Phú Yên phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2 đến 2,2%/năm, đến cuối năm 2020 cơ bản xóa xong nhà ở tạm cho hộ nghèo...
Cùng với nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ VBSP, thì các cơ quan chức năng, hội đoàn thể ở địa phương cần tăng cường lồng ghép các chương trình khuyến nông, lâm, ngư, chuyển giao kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chế biến hàng nông sản đạt chất lượng cao; định hướng cho người dân trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, tìm được đầu ra ổn định, nâng cao giá trị sản phẩm.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, để hoạt động của VBSP trên địa bàn ngày càng phát triển ổn định… Có như vậy, việc giảm nghèo mới bền vững, đời sống của người dân Phú Yên mới thực sự được cải thiện một cách vững chắc…