Tín dụng hỗ trợ tiêu dùng
Tín dụng tiêu dùng tại nông thôn: Hướng đi mới cho các công ty tài chính | |
Tín dụng tiêu dùng tăng nhanh | |
Góp sức kích cầu tín dụng tiêu dùng |
Việt Nam hiện có dân số hơn 94 triệu người, trong đó độ tuổi lao động chiếm tới 52%; đặc biệt, người lao động đang có xu hướng chi tiêu vượt mức lương, đồng thời chuyển mạnh từ tiết kiệm sang mua sắm, và từ sử dụng tiền mặt sang tín dụng tiêu dùng. Theo đó, tỷ trọng tiêu dùng trong GDP của Việt Nam liên tục tăng qua các năm. Tỷ trọng tiêu dùng trong GDP của Việt Nam tăng từ 52,5% (năm 2005) lên 77,7% (năm 2009) và đạt 78,34% (năm 2016); dư nợ tín dụng tiêu dùng đạt 646.000 tỷ đồng, chiếm 11,7% tổng dư nợ của nền kinh tế (tính đến cuối năm 2016). Dự báo, quy mô thị trường tài chính tiêu dùng sẽ cán mốc 1 triệu tỷ đồng năm 2019.
Tín dụng tiêu dùng đang được khối NHTM đẩy lên cao |
Tiềm năng lớn, song thực tế thị phần tín dụng tiêu dùng vẫn tập trung chủ yếu ở nhóm ngân hàng thương mại, chiếm 87,6%, nhưng chỉ phục vụ gần 20 triệu khách hàng trong độ tuổi lao động (tương đương gần 40% khách hàng), với các gói tín dụng có giá trị cao. Các dịch vụ tài chính tiêu dùng phần lớn đều tập trung nguồn lực tại khu vực thành thị và các khu công nghiệp, tại các vùng nông thôn rất thấp. Vì vậy, người dân sống ở vùng này đang cần được tập trung hỗ trợ, đặc biệt là tài chính toàn diện.
Nút thắt cơ bản được Phó tổng giám đốc Dịch vụ tài chính ngân hàng Ernst & Young (EY) Việt Nam Nguyễn Thùy Dương chỉ ra là thu nhập của người dân và đặc điểm địa lý vùng miền. Hầu hết dân cư ở khu vực nông thôn đều có thu nhập thấp, không thường xuyên và khó dự đoán. Vì lẽ đó, các định chế tài chính sẽ rất khó để giải ngân cho vay các đối tượng này do khả năng mất vốn cao. Bên cạnh đó, các khu vực nông thôn lại có mật độ dân số thưa thớt, hạ tầng giao thông chưa phát triển, dẫn đến khó khăn trong việc thiết lập mạng lưới kênh phân phối, cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính tới dân cư.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tại buổi tọa đàm "Phát triển tài chính bán lẻ: Cơ hội thúc đẩy tiêu dùng - phục vụ tăng trưởng kinh tế" nhất trí cao rằng, cho vay tiêu dùng sẽ là động lực thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, hợp lý hóa quá trình luân chuyển hàng hóa trên thị trường. Theo đó, cần tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính thức cho người dân, đặc biệt là nhóm khách hàng dưới chuẩn vay ngân hàng, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”… Bên cạnh đó, NHNN, các cơ quan quản lý nhà nước không chỉ cần hoàn hiện hành lang pháp lý, mà còn phải tăng cường giáo dục tài chính, nâng cao nhận thức tài chính tiêu dùng và văn hóa tiêu dùng cho người dân theo xu hướng phát triển chung của thế giới.
Nhu cầu đẩy vốn ra nền kinh tế là có thật, song các doanh nghiệp đang trong quá trình tái cơ cấu, khả năng hấp thụ vốn chưa mạnh. Đây là điều kiện thuận lợi cho tín dụng tiêu dùng phát triển. Tuy nhiên, hiện nhận thức về tín dụng tiêu dùng còn chưa đúng, chưa đủ dẫn đến khái niệm này cũng chưa rõ ràng (sản xuất/phi sản xuất, không/có bao gồm các khoản cho vay mua nhà/xây nhà mới); các vấn đề liên quan đến tài sản đảm bảo (nhà ở, giấy tờ gốc đăng ký xe…) chưa nhất quán; hành lang pháp lý còn nhiều khoảng trống… Những điều này khiến nhiều chuyên gia lo ngại lĩnh vực này sẽ phát triển khó kiểm soát. Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, các định chế tài chính cần “Bảo vệ khách hàng là bảo vệ chính mình”.
Báo cáo về tình hình kinh tế tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2017 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, tín dụng tháng 7 tiếp tục tăng trưởng tích cực. Tính đến hết tháng 7/2017, tín dụng toàn ngành Ngân hàng tăng 9,3% so với cuối năm 2016, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tín dụng trung và dài hạn có xu hướng giảm, ước chiếm 53,9% tổng tín dụng toàn nền kinh tế, thời điểm cuối năm 2016 là 55,1%. Tuy nhiên, do áp lực lạm phát thấp nên sẽ vẫn an toàn nếu đẩy tăng trưởng tín dụng lên, bởi CPI 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,52% so với cùng kỳ, tỷ giá ổn định sau khi tăng 1,2% từ đầu năm.
Đà tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm này khiến nhiều ngân hàng dần cạn chỉ tiêu tín dụng được NHNN giao đầu năm nay (từ 14 -16%). Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN nếu được thông qua trong thời gian tới sẽ kéo dài thêm thời gian áp dụng tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn (vào năm 2019, thay vì 2018), góp phần tạo điều kiện cho các ngân hàng có thể tăng cho vay trong nửa cuối năm 2017 nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng mới là 21% như chỉ đạo của Chính phủ. Tăng trưởng tín dụng từ đầu năm mới chỉ đạt 9,3% nên dư địa tăng trưởng nửa cuối năm sẽ rất lớn.
Cùng đó, nhiều dự báo cho thấy sức khỏe tài chính của các ngân hàng cũng được nâng lên đáng kể, thể hiện qua hàng loạt con số như: tổng tài sản, vốn điều lệ, lợi nhuận… Đồng thời, để đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng, NHNN cũng cam kết sẽ tăng cường công tác giám sát thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng. Đó không chỉ để nâng cao khả năng cảnh báo sớm của NHNN đối với những rủi ro tiềm ẩn mang tính hệ thống và ngăn ngừa nguy cơ vi phạm pháp luật của các tổ chức tín dụng, mà còn đổi mới công tác giám sát theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát an toàn vi mô.
Cơ sở vững chắc cho cam kết này chính là đề án tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020 đã, đang và sẽ được NHNN triển khai quyết liệt theo đúng lộ trình, tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh, hội nhập quốc tế của ngành Ngân hàng. Đây thực sự là thông điệp quan trọng trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.