Tín dụng tiêu dùng tại nông thôn: Hướng đi mới cho các công ty tài chính
Tín dụng tiêu dùng tăng nhanh | |
Góp sức kích cầu tín dụng tiêu dùng | |
Tín dụng tiêu dùng: Cửa sẽ còn thêm rộng |
Giá trị tín dụng tiêu dùng ước tính đạt khoảng 6,4% tổng GDP của Việt Nam tại cuối năm 2016. Con số này ước tính đạt 10% tổng GDP của Việt Nam tính đến năm 2020, tương đương khoảng 20 tỷ USD. Thực tế là các công ty tài chính đang dồn nguồn lực vào các khu vực thành thị hoặc khu công nghiệp, vốn chỉ chiếm 40% dân số cả nước. Trong khi đó vẫn còn một khoảng trống về các dịch vụ cho vay tiêu dùng tại nông thôn.
Ảnh minh họa |
Đề cập tới vấn đề này ông Phạm Xuân Hòe – Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng thẳng thắn thừa nhận, trong khi có rất nhiều ngân hàng, công ty tài chính tập trung ở thành thị, thì tại các khu vực nông thôn, đang rất thiếu các chi nhánh, phòng giao dịch, cây ATM... và đặc biệt, còn vắng sự tham gia của các khối công ty tài chính. Điều này dẫn tới hệ lụy là nhiều người dân vẫn phải tìm đến tín dụng đen hay các tiệm cầm đồ khi cần vốn.
Thực tế ở thị trường này, thu nhập dân cư thấp, không thường xuyên và khó dự đoán, mật độ dân số thưa thớt, cơ sở hạ tầng giao thông chưa phát triển dẫn đến khó khăn trong việc thiết lập mạng lưới kênh phân phối, cung cấp sản phẩm dịch vụ. Tuy nhiên, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam, Nguyễn Thùy Dương phân tích, bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận dân số được đánh giá là có thu nhập khá và ổn định hơn. Đó là nhóm những tiểu thương kinh doanh buôn bán, các nhân viên làm việc cho các đơn vị hành chính sự nghiệp tại phường, xã, huyện...
Kinh nghiệm ở một số quốc gia trên thế giới cho thấy, để có thể cung cấp sản phẩm dịch vụ này tới các vùng nông thôn, các công ty tài chính đã áp dụng một số sáng kiến mang tính đột phá và đáng ghi nhận. Việc phân nhóm khách hàng nông thôn sẽ hỗ trợ các công ty trong việc quyết định giá trị khoản vay và sản phẩm tương ứng.
Ví như, Công ty Casas Bahia tại Brazil - một công ty chuyên cung cấp các sản phẩm điện tử và các sản phẩm gia dụng khác, đã tiếp cận các khách hàng tại nông thôn bằng những món vay giá trị nhỏ và đã thành công. Một hình thức khác khá hiệu quả, đã được áp dụng rộng rãi tại Bangladesh và Ấn Độ là hình thức cho vay theo nhóm (self-help group).
Ngân hàng Grameen tại Bangladesh là một điển hình về thành công trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính vi mô với số lượng khách hàng lớn và được nhiều quốc gia học tập. Cụ thể, ngân hàng này cho vay theo nhóm, theo đó, mỗi nhóm gồm 5 thành viên được vay một khoản tiền, nhưng cả nhóm sẽ bị từ chối nhận khoản tín dụng tiếp theo nếu một thành viên bị vỡ nợ. Việc này tạo ra áp lực, tạo động lực cho nhóm hoạt động có trách nhiệm và làm tăng tỷ lệ hoàn vốn lên tới 98%. Mặc dù đây là hình thức tiếp cận dịch vụ tài chính vi mô nhưng trong một khía cạnh nào đó, cũng có thể áp dụng cho dịch vụ cho vay tiêu dùng.
Các cách thức đó cũng có thể là giải pháp khả thi cho các công ty tài chính tiêu dùng mở rộng thị trường tại các khu vực nông thôn. Hiện tại, ở Việt Nam, có tới 10.756 HTX nông nghiệp với chất lượng hoạt động ngày càng chuyển biến mạnh. Doanh thu bình quân 1,1 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận bình quân khoảng 200 triệu đồng/HTX, thu nhập của thành viên và người lao động là 1,5 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, tại các vùng nông thôn, các tổ chức và đoàn thể như hội phụ nữ, hội cựu chiến binh… hoạt động rất thường xuyên và có ảnh hưởng tích cực đến đời sống dân cư. Việc hợp tác với HTX hoặc các tổ chức đoàn thể để tiếp cận và mở rộng khách hàng vừa giúp các công ty tài chính tiêu dùng tăng cường khả năng mở rộng thị phần, đồng thời cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của dân cư tại các khu vực nông thôn.
“Mặc dù thu hút khách hàng mới là mục tiêu hàng đầu, việc đảm bảo quản lý hiệu quả rủi ro tín dụng vẫn luôn phải được “khắc cốt ghi tâm”, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam, Nguyễn Thùy Dương, khuyến nghị.