Tín dụng tiêu dùng tăng nhanh
Góp sức kích cầu tín dụng tiêu dùng | |
Tín dụng tiêu dùng: Cửa sẽ còn thêm rộng | |
Nhiều ngân hàng tập trung tín dụng tiêu dùng |
Có lẽ, chưa có dịch vụ tài chính nào tiếp cận được thị trường nhanh như cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính. Gia nhập thị trường với hình thức ban đầu phổ biến là cho vay trả góp tại các điểm bán lẻ điện máy, xe máy, giờ đây dịch vụ này còn vươn ra cả chợ truyền thống ở nông thôn. Giữa lúc các NHTM đang tập trung vào các khoản vay có giá trị lớn theo chuẩn tài sản đảm bảo nợ vay thì mô hình cho vay tín chấp món nhỏ của công ty tài chính phát triển như vũ bão.
Duyệt nhanh, trả chậm
Thị trường cho vay tiêu dùng thực sự bùng nổ ở thời điểm năm 2015, khi lĩnh vực cho vay tiêu dùng của các NHTM chuẩn bị thực hiện quy định tách phần cho vay tiêu dùng ra cho vay theo chuẩn có tài sản đảm bảo. Cùng lúc đó, các tập đoàn kinh tế phải thực hiện lộ trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành, các công ty tài chính cao su, than khoáng sản, tài chính dầu khí được các NHTM mua lại đón đầu cho vay tiêu dùng theo quy định mới.
Ngay lập tức, năm 2015 Công ty tài chính tiêu dùng FE Credit (VPBank) mới ra đời nhưng vượt lên vị trí số một, thị phần chiếm 53%. Ở các vị trí còn lại, Home Credit chiếm 16%, HD Saison Finance (HDBank) chiếm 12%, Prudential Finance chiếm 11%. Điển hình, Home Credit sau hơn 8 năm hoạt động đến nay đã có trên 1 triệu xe máy sử dụng dịch vụ vay trả góp…
Cho vay tiêu dùng tràn về nông thôn và khu công nghiệp, tiếp cận người có thu nhập thấp |
Các khoản vay tiêu dùng hiện có lãi suất trung bình khoảng 30-40%/năm, nếu trả nợ không đúng hạn cộng lãi phạt sẽ cao hơn. Tuy nhiên, gần đây các sản phẩm trả góp lãi suất 0% xuất hiện ngày càng nhiều. Trong khi đó, với hình thức xét duyệt một khoản vay tiêu dùng tại các điểm bán lẻ khoảng 30 phút, người tiêu dùng chỉ cần có chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân, hoặc bằng lái xe là có thể đáp ứng được yêu cầu. Điều này đang thu hút một lượng lớn người tiêu dùng, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên, hộ thu nhập thấp...
Chẳng hạn, tại chuỗi cửa hàng Thế giới Di động, chiếc điện thoại Samsung Galaxy J7 Pro với giá gốc bán ra 6,99 triệu đồng. Trong khi đó, Home Credit đang cho vay trả góp lãi suất 0%, người vay trả trước khoảng 2,1 triệu đồng (30%), sau đó trả góp 4 tháng, mỗi tháng 1,26 triệu đồng cộng với phí hàng tháng 11,5 nghìn đồng/lần. Tổng cộng lại, chi phí người vay phải trả là gần 7,14 triệu đồng. Như vậy, mua một chiếc điện thoại Samsung Galaxy J7 Pro trả góp chỉ cao hơn xấp xỉ 150 nghìn đồng so với “mua đứt bán đoạn” - khoản chi phí không quá lớn với người tiêu dùng mà lại có hàng xài ngay, thay vì chờ đợi đến tháng lương, hoặc gom đủ tiền mới mua.
Cẩn trọng với tăng trưởng
Theo thống kê của NHNN, trong 5 tháng đầu năm 2017, dư nợ cho vay tiêu dùng của các TCTD chiếm 15,17% tổng dư nợ toàn hệ thống, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh là địa bàn có tốc độ cho vay tiêu dùng thuộc hàng nhanh nhất nước. Nếu năm 2015, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng trên địa bàn mới chỉ khoảng 80.000 tỷ đồng thì đến tháng 6/2017 con số này đã tăng gấp ba lần, dư nợ chạm mức trên 250 nghìn tỷ đồng.
Các công ty tài chính cho biết, thời gian qua tín dụng tiêu dùng tiếp tục xu hướng tăng cả về quy mô và tốc độ. Lĩnh vực cho vay tập trung chủ yếu vào các nhu cầu cho vay mua nhà ở, phương tiện đi lại, học tập, chữa bệnh, du lịch… Qua đó, về cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân và góp phần kích thích tiêu dùng trong nước.
Cùng quan điểm, một chuyên gia tài chính ở TP. Hồ Chí Minh cho rằng thời điểm tín dụng tiêu dùng tăng nhanh cũng trùng hợp với thời điểm Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình. Các quốc gia đạt đến ngưỡng thu nhập này thì tầng lớp lao động trung lưu trở lên bắt đầu có tiền và chi tiêu mua sắm nhiều hơn. Tuy nhiên, với trường hợp của Việt Nam, thu nhập bình quân đầu người chỉ hơn 2.000 USD/năm thì khả năng tích lũy là chưa nhiều. Kỳ vọng ở tăng thu nhập, trong bối cảnh chi tiêu xã hội nhiều hơn là những yếu tố thúc đẩy tín dụng tiêu dùng, như trường hợp của Việt Nam thời gian qua.
Tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế, trong một nền kinh tế nếu tiêu dùng tăng cao quá mức cũng đi kèm nguy cơ làm thui chột nền sản xuất trong nước. Nhất là với Việt Nam, chúng ta đã ký nhiều hiệp định thương mại với cam kết đưa thuế nhập khẩu về mức 0%. Điều này khiến cho các DN sản xuất sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn, một số DN chọn làm thương mại có lợi ngay, thay vì sản xuất ra hàng hóa. Xu hướng này có thể ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Đây là rủi ro cho thị trường tài chính tiêu dùng.
Một nguồn tin từ NHNN nói với phóng viên Thời báo Ngân hàng, nợ xấu của nhóm công ty tài chính hiện đã ở mức khá cao và một số công ty đang nằm trong kế hoạch tái cơ cấu của NHNN…
Theo các chuyên gia kinh tế, trong một nền kinh tế nếu tiêu dùng tăng cao quá mức cũng đi kèm nguy cơ làm thui chột nền sản xuất trong nước. Nhất là với Việt Nam, chúng ta đã ký nhiều hiệp định thương mại với cam kết đưa thuế nhập khẩu về mức 0%. Điều này khiến cho các DN sản xuất sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn, một số DN chọn làm thương mại có lợi ngay, thay vì sản xuất ra hàng hóa. Xu hướng này có thể ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Đây là rủi ro cho thị trường tài chính tiêu dùng.