Sinh viên trước rủi ro "tín dụng đen" trước thềm năm học mới
Tuyên truyền về các sản phẩm cho vay để giảm 'tín dụng đen' Đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi “tín dụng đen” Tận dụng dữ liệu “sạch” thúc đẩy vay tiêu dùng |
Sinh viên dễ trở thành nạn nhân của "tín dụng đen" |
Thêm nhiều nạn nhân mới
Những ngày này, trên khắp tuyến đường, ngõ phố dường như rộn ràng hơn vì nhiều phụ huynh, sinh viên đang tất bật tìm kiếm nhà ở, nhà trọ trước khi bước vào năm học mới. Đây cũng là lúc các tờ rơi, quảng cáo về cho vay tiêu dùng... xuất hiện dày đặc hơn với những nội dung đầy hấp dẫn như tục vay tiền đơn giản, giải ngân vốn nhanh chỉ cần cung cấp thông tin căn cước công dân, thẻ sinh viên... Chưa biết lợi hay hại nhưng đây cũng là những chiêu thức được "tín dụng đen" lợi dụng để tìm kiếm những nạn nhân mới.
Chia sẻ về lần không may vướng vào "tín dụng đen", bạn Minh Trí - sinh viên một trường đại học Top đầu của Hà Nội cho biết, chỉ cần photo chứng minh thư và sổ hộ khẩu gửi cho chủ nợ, em đã được giải ngân sau chưa đầy 2 tiếng đồng hồ. Tuy số tiền vay là 10 triệu đồng nhưng em chỉ được nhận về 8 triệu đồng và mỗi ngày trả 200.000 đồng trong vòng 50 ngày. Cũng từ đây, mọi biến cố làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống. Những cuộc điện thoại đe dọa, chửi bới của chủ nợ khi em chậm trả một vài ngày liên tục gọi đến, bất kể giờ giấc khiến em lo lắng và sợ hãi. Mãi cho đến khi bản thân cảm thấy không có giải pháp và em đã chủ động chia sẻ với gia đình về hành động lầm lỡ của mình để được hỗ trợ giải quyết.
Trước đó cũng có trường hợp của một nữ sinh tại TP. Hồ Chí Minh do đánh mất tiền học phí nên đã tự xoay xở bằng cách vay tiền qua app “tín dụng đen” với lãi suất cao. Khi đến hạn trả, không có tiền, bị nhân viên của app khủng bố tinh thần, nữ sinh này đã phải vay của hàng chục app khác để trả nợ, cuối cùng số tiền nợ lên đến khoảng 300 triệu đồng.
Một chuyên gia nhận định, "tín dụng đen" đánh vào tâm lý thiếu hiểu biết và áp lực tài chính của sinh viên. Thực tế, không ít sinh viên đang ở “ngưỡng” mới lớn, lần đầu xa gia đình, phải tự quyết định mọi việc từ việc học, tự lo các vấn đề cuộc sống nên không tránh khỏi những “cạm bẫy” nơi thành phố. Với số tiền hạn chế từ gia đình gửi lên, cộng với cuộc sống đắt đỏ nơi thành phố, nếu không biết chi tiêu, nhiều sinh viên sẽ dễ rơi vào tình trạng thiếu nợ, phải đi vay mượn. Với lãi suất thường xuyên vượt quá 100%/năm, "tín dụng đen" không chỉ đe dọa tài chính mà còn gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe tâm lý của các em".
Chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa
Lực lượng chức năng đã có nhiều khuyến cáo sinh viên cũng như mọi người dân cần hiểu rõ những phương thức, thủ đoạn của tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” và hậu quả của nó gây ra cho bản thân, gia đình nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa đối với tội phạm cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, không tiếp tay hoặc để các đối tượng lợi dụng hoạt động; tích cực tham gia lên án, tố giác tội phạm liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, siết nợ, đòi nợ thuê “tín dụng đen”, khi phát hiện dấu hiệu của tổ chức tín dụng đen hoặc những nhóm thanh niên thuê nhà tạm trú trên địa bàn nghi là tay chân của những tổ chức tín dụng đen, người dân cần điện báo ngay cho cơ quan Công an địa phương để có biện pháp theo dõi, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý. Khi thấy có các tờ rơi quảng cáo cho vay dán ở khu vực công cộng, xung quanh các hộ dân sinh sống, dán trên cột điện, góc tường, tường rào… người dân cần xé bỏ hoặc bôi xóa số điện thoại nhằm phòng ngừa không để người khác sập “bẫy” của tín dụng đen.
Để tránh những rủi ro từ "tín dụng đen" cho sinh viên, theo TS. Dương Thị Thanh Mai (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp lý, Bộ Tư pháp), mỗi sinh viên phải chủ động học hỏi và rèn luyện kỹ năng sống để không bị rơi vào bẫy tín dụng đen. Trong trường hợp không may vướng vào thì tuyệt đối không giấu giếm vì càng để lâu, sự việc càng phức tạp; thậm chí, nếu tình hình xấu phải chủ động đến cơ quan công an để trình báo. Các cơ quan chức năng, nhà trường cần đẩy mạnh việc tuyên truyền để các em sinh viên vừa nắm được rủi ro khi tiếp cận tín dụng đen; đồng thời cung cấp thông tin để các em và gia đình (nếu có nhu cầu) có thể tiếp cận những nguồn tín dụng tiêu dùng từ các tổ chức được phép cung cấp sản phẩm cho vay này.
Dưới góc nhìn của một ngân hàng ông Lê Hồng Phúc, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) nhận định, vay vốn tín dụng tiêu dùng đã dễ dàng hơn rất nhiều khi mạng lưới chi nhánh ngân hàng phủ sóng rộng khắp cả nước. Đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa không có phòng giao dịch hay chi nhánh, Agribank đã cung cấp những ô tô lưu động thực hiện các hoạt động tín dụng hằng tuần như cho vay, thu nợ, huy động tiết kiệm...
Cùng với đó, nhiều ngân hàng khác như Vietcombank, BIDV, SHB, VPBank… cũng đã nghiên cứu và xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực tiêu dùng; triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến; đơn giản hóa thủ tục vay vốn, vay tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Để tín dụng tiêu dùng tiếp cận nhiều hơn với những đối tượng yếu thế như sinh viên, người nghèo, khu vực vùng sâu, vùng xa... Phó thống đốc NHNN Việt Nam Đoàn Thái Sơn cho biết, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống của các tổ chức tín dụng, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đối với người cho vay. Về phía các tổ chức tín dụng, cũng cần rà soát, đổi mới phương thức cung cấp thông tin, cách thức tiếp cận khách hàng vay để người dân hiểu đúng, đủ về các sản phẩm, dịch vụ; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị Bộ Công an trong việc kết nối khai thác dữ liệu thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng dữ liệu này trong hoạt động tín dụng tiêu dùng.