Tín dụng ngân hàng đang chảy vào đâu?
Tín dụng ngân hàng: Đồng hành và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL | |
Tín dụng ngân hàng về nông thôn mới | |
Định hướng dòng vốn tín dụng ngân hàng vào các dự án xanh |
Theo thống kê của NHNN, đến hết quý I/2017, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 4,03%. So với mục tiêu định hướng tín dụng cả năm nay tăng khoảng 18%, việc đạt được chỉ tiêu này có lẽ không còn đáng lo ngại. Nhưng vấn đề đặt ra hiện nay là nguồn vốn của các TCTD đang được đầu tư vào đâu và vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nào để mang lại hiệu quả cho nền kinh tế?
Tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên
Lãnh đạo vụ chức năng của NHNN cho biết, thời gian qua, NHNN tiếp tục triển khai các giải pháp tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng; chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp tạo điều kiện trong tiếp cận vốn tín dụng, tập trung vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đặc biệt, NHNN đã ban hành Thông tư 39 và Thông tư 43 quy định về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng nhằm tăng tính công khai, minh bạch trong hoạt động cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng vay trong tiếp cận vốn tín dụng.
Lĩnh vực tam nông luôn được các NH ưu tiên cho vay |
Thông tin về tín dụng luôn được NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố cập nhật, báo cáo NHNN, để cơ quan quản lý có hướng điều chỉnh nếu cần thiết. Nhưng tinh thần chung, đã thành “nếp” của các TCTD những năm gần đây là luôn ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ. Kết quả trên thực tế, khác với xu hướng của các năm gần đây, tín dụng tăng trưởng ngay từ đầu năm. Vốn tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh với dư nợ chiếm khoảng 80%.
Số liệu thống kê của nhiều địa phương phản ánh rõ điều này. Đơn cử như tại tỉnh Ninh Thuận, cho vay lĩnh vực nông nghiệp - thủy sản đang đạt dư nợ 3.840 tỷ đồng, tăng 606 tỷ đồng, tương đương 18,74% so với cùng kỳ, tăng 4,07% so với cuối năm 2016. Bóc tách hơn, thì đầu tư tín dụng theo Nghị định 55/2016/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, dư nợ ước đến 31/3/2017 đạt 4.260 tỷ đồng/41.020 khách hàng, tăng 615 tỷ đồng, tương đương 16,87% so với cùng kỳ. Dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới ước đạt 3.225 tỷ đồng/102.400 khách hàng, tăng 9,8% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, Ninh Thuận còn cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với dư nợ 96,8 tỷ đồng; và cho vay hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ. Trong quý I/2017, UBND tỉnh đã phê duyệt thêm 1 đợt danh sách ngư dân đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu cá (đợt 8) cho 4 ngư dân với tổng vốn đầu tư dự kiến là 50 tỷ đồng, vốn vay dự kiến 47,5 tỷ đồng.
Còn thống kê của NHNN Thừa Thiên - Huế cho thấy, dư nợ cho vay các lĩnh vực ưu tiên đến nay đối với nông nghiệp, nông thôn tăng 3,2%; DNNVV tăng 1,1%; tín dụng đối với xuất khẩu tăng 13,4%; công nghiệp hỗ trợ tăng 16,8% so với đầu năm...
Một địa phương khác có thế mạnh trong nông nghiệp là Thái Bình cũng có dư nợ tăng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn khá cao. Nếu như tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn tỉnh Thái Bình đạt 37.517 tỷ đồng, tăng 2,8% so với cuối năm 2016, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2016, thì riêng cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP có dư nợ đạt 13.545 tỷ đồng, chiếm 36,1% tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn, với gần 120 ngàn khách hàng còn dư nợ.
Ngay như địa bàn Hà Nội, các TCTD cũng đẩy mạnh cho vay vào các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất. Bởi hết quý I/2017, mặc dù tổng dư nợ chỉ tăng 2,44% so với cuối năm 2016 nhưng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn tăng 3,83%, cho vay DNNVV tăng 3,19%. Như vậy, hai lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ có tỷ lệ tăng cao hơn tỷ lệ tăng của tổng dư nợ. Trong khi đó, các lĩnh vực cho vay bất động sản, cho vay tiêu dùng chỉ có tỷ lệ tăng trưởng bằng hoặc thấp hơn mức tăng bình quân chung.
Vốn nắn dòng theo chính sách
Theo Tổng giám đốc một NHTMCP, thực tế các lĩnh vực cho vay hấp thụ vốn mạnh và nhu cầu khá cao là cho vay tiêu dùng mua ô tô, sửa chữa nhà cửa. Cho vay tiêu dùng cũng mang lại lợi nhuận cao cho NH, nhưng đây vẫn là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và không được khuyến khích.
“Bên cạnh đó, cho vay lĩnh vực nhà ở, tiêu dùng đa số là món vay trung và dài hạn, từ 5 - 20 năm đối với mua nhà và từ 3 - 8 năm đối với mua xe ô tô, nên các NH còn phải tính tới việc cân đối nguồn, khi cho vay phải tính toán thận trọng. Đặc biệt, với các quy định an toàn của Thông tư 06 thì càng phải cân đối và thận trọng trong cho vay lĩnh vực rủi ro, kỳ hạn dài”, vị Tổng giám đốc trên chia sẻ.
Trong khi đó đánh giá về xu hướng dòng vốn trong thời gian tới, một số chuyên gia Tài chính – NH cho rằng, thời gian tới lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn sẽ có sự đầu tư vốn tín dụng tăng đáng kể, nhất là khi NHNN đã có hướng dẫn cho vay với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để triển khai trong thời gian tới với lãi suất ưu đãi hơn lãi suất cho vay thông thường. Ngoài ra, do năm nay có vẻ sức hấp thụ vốn tốt hơn, khi ngay quý I tín dụng đã tăng 4,03%, nên NHNN sẽ kiểm soát chặt chẽ tín dụng và hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên.
Thực tế trong điều hành, NHNN cũng khẳng định sẽ sử dụng các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Đặc biệt, lãnh đạo NHNN luôn nhấn mạnh việc theo dõi sát tình hình cấp tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng trung, dài hạn, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông.
Đồng thời, NHNN tiếp tục khuyến khích các TCTD cho vay phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; tiếp tục triển khai các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh...
NHNN tiếp tục khuyến khích các TCTD cho vay phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; tiếp tục triển khai các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh. |