Định hướng dòng vốn tín dụng ngân hàng vào các dự án xanh
Vẫn là nhận thức
“Tăng trưởng xanh, bền vững sẽ là con đường tất yếu của nền kinh tế Việt Nam… Cần xác định vai trò Chính phủ, các bộ ngành, địa phương rõ hơn để làm sao tích cực hơn trong việc thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh”. Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại Hội thảo "Các giải pháp tăng trưởng xanh". Hội thảo do Báo Nhân Dân phối hợp Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng phát triển bền vững quốc gia thuộc VCCI tổ chức sáng ngày 15/9/2015 tại Hà Nội.
Tháng 9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh, trong đó đề ra ba nhiệm vụ quan trọng là: 1. Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. 2. Xanh hóa sản xuất; thực hiện chiến lược "công nghiệp hóa sạch" thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên; tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm. 3. Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Cũng trong 3 năm qua, là 3 năm thực hiện việc chuyển đổi từ nền kinh tế tăng trưởng theo chiều rộng chủ yếu thông qua vốn đầu tư, khai thác tài nguyên sang phát triển theo chiều sâu, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, đổi mới khoa học công nghệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo các nguyên tắc phát triển bền vững. Đó chính là những bước đi cụ thể thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 03/CT-NHNN về “Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động tín dụng” hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện hoạt động tín dụng hỗ trợ các doanh nghiệp đấy mạnh đầu tư bảo vệ môi trường, đầu tư xanh.
Tuy nhiên, 3 năm qua hầu như việc thực hiện chưa được bao nhiêu. Cộng đồng doanh nghiệp đang có những thay đổi nhận thức, về xu hướng đầu tư để sản xuất xanh, sạch, thể hiện trách nhiệm xã hội. Một trào lưu đầu tư vào nông nghiệp, ứng dụng sản xuất xanh đã và đang hình thành. Nhưng số DN đầu tư theo xu hướng này còn rất ít.
Mới có 16 địa phương ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh. Trước con số này, Phó Thủ tướng cho rằng “như thế là quá ít, chứng tỏ nhận thức kém”. Ông chỉ đạo “người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý phải nhận định đúng, đồng thuận cao, lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền phải tích cực để đảm bảo triền khai Chiến lược bằng các hành động thiết thực, hiệu quả. Ưu tiên giai đoạn hiện nay là tuyên truyền nâng cao nhận thức.
Tín dụng đã sẵn sàng
Với vai trò là trung gian tài chính, hệ thống ngân hàng là một mắt xích quan trọng trong việc quyết định nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước, khẳng định ngành Ngân hàng đã, đang và sẽ triển khai các giải pháp góp phần định hướng dòng vốn tín dụng ngân hàng “chảy” vào các dự án xanh, dự án thân thiện với môi trường,
NHNN đã điều hành hoạt động tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng với trọng tâm xác định 05 lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn trong đó có các lĩnh vực/dự án hỗ trợ tăng trưởng xanh như: các nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.
NHNN ban hành Chỉ thị về thúc đẩy tăng trưởng xanh, yêu cầu hệ thống ngân hàng tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội, góp phần hỗ trợ các DN thực hiện tăng trưởng xanh.
Hệ thống ngân hàng đã triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đặc thù góp phần thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh.
Để ngành Ngân hàng phục vụ thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, ông Đông đưa ra 3 kiến nghị quan trọng.
Đó là Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan đầu mối về tăng trưởng xanh, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện bộ tiêu chí để xác định chương trình, dự án tăng trưởng xanh. Đến nay, do chưa có bộ tiêu chí này nên các ngân hang thiếu cơ sở phân định đâu là dự án xanh một cách thống nhất. Bộ tiêu chí này còn quan trọng là để các tổ chức tín dụng có thể rà soát, thống kê chính xác tỷ lệ đầu tư xanh, cũng như đưa ra các mục tiêu về tỷ trọng tín dụng xanh trong danh mục đầu tư và có kế hoạch mở rộng các khoản đầu tư xanh trong trung và dài hạn.
Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương và các Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ để có chính sách ưu đãi về thuế và ổn định giá đầu ra đối với các dự án đầu tư xanh để khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tăng cường đầu tư vào các dự án xanh và là cơ sở để các tổ chức tín dụng tập trung đầu tư tín dụng đối với các dự án xanh.
Ông Đông nhấn mạnh việc hoàn thiện bộ tiêu chí để xác định các dự án ưu tiên thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả, quy trình, thủ tục thẩm định phê duyệt và giám sát đánh giá các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng xây dựng quy trình thẩm định, phân loại rủi ro, nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng đối với các dự án xanh.
Để triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới, Phó Thủ tướng chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, phải đề xuất giải pháp đột phá trình Chính phủ để thu hút tốt hơn các nguồn lực, thực hiện áp dụng hình thức hợp tác công-tư trong lĩnh vực đầu tư xanh, cũng như xây dựng các cơ chế, giải pháp tranh thủ nguồn lực trong nước và quốc tế cho tăng trưởng xanh.