TP.HCM: Khởi nghiệp cần cơ chế để bứt phá
Đề án 844: Thúc đẩy startup bước tiến dài | |
Cơ hội cho các Start-up Việt tiến vào thị trường châu Á | |
Chờ bước đột phá từ khởi nghiệp sáng tạo |
Nằm trong vùng Đông Nam bộ, được xem là trung tâm kinh tế của cả nước, nơi mọi sự đổi mới đều có thể được thử thách và chấp nhận, vì thế TP.HCM trở thành thành phố khởi nghiệp tiên phong tạo ra môi trường kinh doanh gắn kết, chia sẻ và lành mạnh. Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có sự tham gia mạnh mẽ của chính quyền TP.HCM trong khoảng 3 năm trở lại đây, thể hiện qua việc ra đời Không gian sáng tạo khởi nghiệp TP. HCM (SIHUB – trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM). Trong mấy năm trước, TP.HCM có sự phát triển mạnh mẽ về thị trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với việc thu hút khoảng 297 triệu USD vào lĩnh vực này năm 2017, đến năm 2018 lên đến 889 triệu USD (gấp 3 lần năm 2017). Tuy nhiên, từ cuối năm 2018 đến đầu 2019, hoạt động này có dấu hiệu chững lại...
Tạo ra một vườn ươm mang tính chuẩn mực để ươm tạo hàng hóa, tạo mô hình cho các vườn ươm khác thực hiện |
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành SIHUB cho biết sau 3 năm thành lập, tất cả các tiêu chí để đánh giá đều có sự cải thiện tốt, từ tinh thần khởi nghiệp đến sự tham gia của hệ thống trường đại học, DN, sự phát triển của các tổ chức tài chính đầu tư, khả năng thu hút nguồn vốn, các tổ chức trung gian… SIHUB hiện vẫn duy trì mô hình hỗ trợ cộng đồng có sự hợp tác giữa nhà nước với cộng đồng. Năm 2018, SIHUB đã tổ chức gần 1.000 sự kiện, tiếp đón hơn 30 tỉnh, thành trong nước và 4 quốc gia tới học tập mô hình.
Giải thích về hoạt động khởi nghiệp có dấu hiệu chững lại vào thời điểm này, ông Tước cho rằng là do đã giảm bớt về số lượng và nâng cao chất lượng của những cuộc thi… Những năm trước, khởi nghiệp còn nặng tính phong trào, thiếu sự định hướng, thiếu hụt về đào tạo trong hệ thống các trường học cùng những điều kiện khác để tạo dựng kiến thức cơ bản cho người khởi nghiệp. Nhiều bạn trẻ chưa được trang bị chu đáo đã bước vào khởi nghiệp để rồi nhanh chóng chán nản, bỏ cuộc; thậm chí có bạn đem dự án tham gia nhiều cuộc thi, đoạt giải nhưng mãi không mở được công ty.
Để tạo bứt phá trong lĩnh vực này, năm 2019, SIHUB đặt mục tiêu đẩy mạnh kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu, trọng tâm là khu vực châu Âu, Mỹ và Đông Bắc Á. Việc kết nối được thực hiện bằng nhiều cách để đưa cộng đồng khởi nghiệp Việt ra nước ngoài học hỏi, cọ xát, tìm cơ hội... cùng với đó là đưa hệ sinh thái khởi nghiệp thế giới vào Việt Nam. SIHUB đã ký kết hợp tác trao đổi start-up với 8 quốc gia. Trong năm 2018 đã tổ chức cho 15 start-up đi Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Phần Lan; đồng thời tiếp khoảng 40 start-up các nước sang theo chương trình hợp tác này. Trong năm 2019, SIHUB cũng sẽ tập trung kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp khu vực miền Nam; Hình thành 1 vườn ươm tiêu chuẩn quốc tế thông qua việc liên kết với các đối tác nước ngoài; Tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất của trung tâm để đáp ứng ngày càng tốt hơn cho cộng đồng khởi nghiệp thông qua các studio lab, phòng làm mẫu, trung tâm thiết kế và đặc biệt là hợp tác với Hàn Quốc hình thành Global RD Center…
Thực tế là các nhà đầu tư thế giới đặc biệt quan tâm đến hoạt động khởi nghiệp tại khu vực Đông Nam Á, nhất là TP.HCM của Việt Nam bởi họ đánh giá đó là nơi giàu có về ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Hiện đã có hơn 60 tổ chức tài chính, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư… tham gia vào các hoạt động đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam, trong đó có một số quỹ trong nước. Nhiều start-up đã qua khỏi giai đoạn mạo hiểm, tiến vào mở rộng thị trường và tăng trưởng nhanh. Cụ thể như Tiki, Foody ngày càng thu hút được nhiều vốn đầu tư; VNG có tên trong danh sách 10 "kỳ lân công nghệ" của Đông Nam Á…
Theo thống kê của SIHUB, tại TP.HCM, tỷ lệ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp là rất cao, kế đến là IoT (internet vạn vật) và thương mại điện tử. Các dự án khởi nghiệp công nghệ cao còn ít, chưa tới 5%. Hiện chúng ta vẫn đang quen với công thức chung: khởi nghiệp = vườn ươm + start-up. Tuy nhiên, ngày nay trên thế giới, chức năng và nhiệm vụ của vườn ươm đã thay đổi rất nhiều theo hướng tinh gọn, đa năng và ngày càng đi sâu vào đầu tư phát triển, chuyển giao công nghệ… có sự kết nối với các tổ chức "mẹ". Điều đó đặt ra yêu cầu phải tạo ra 1 vườn ươm mang tính chuẩn mực để ươm tạo hàng hóa, tạo mô hình cho các vườn ươm khác thực hiện.
Ông Nguyễn Kỳ Phùng - Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết, trong hai năm 2017-2018 TP.HCM đã có nhiều hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp như chi khoảng 90 triệu USD ngân sách cho khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, khởi nghiệp cần rất nhiều sự hỗ trợ không chỉ về tài chính, mà còn là vấn đề về kiến thức, kinh nghiệm và lực lượng trí thức ở nước ngoài. “Khó khăn mà cộng đồng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo TP.HCM đang phải đối mặt đó là việc điều chỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa theo kịp sự chuyển biến quá nhanh của cộng đồng khởi nghiệp. Giải pháp đặt ra chính là cơ chế phối hợp giữa doanh nhân, nhà quản lý và lực lượng chuyên môn”, ông Phùng nói.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trong đó có nhiều chính sách ưu đãi đối với các startup công nghệ. Đối tượng được áp dụng Nghị định mới này bao gồm các doanh nghiệp được thành lập và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ từ kết quả khoa học và công nghệ. Nghị định có hiệu lực bắt đầu từ ngày 20 tháng 3 năm 2019. Bên cạnh đó, các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ cũng sẽ được hỗ trợ và hưởng rất nhiều ưu đãi. Với Nghị định mới được ban hành, các startup công nghệ Việt Nam và các doanh nghiệp nghiên cứu khoa học sẽ có nhiều cơ hội hơn để phát triển. |