Đề án 844: Thúc đẩy startup bước tiến dài
Là một trong những Đề án đầu tiên được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) triển khai liên quan đến khởi nghiệp, Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Đề án 844) đang tạo được sức lan tỏa khắp cả nước và tạo được sự kết nối cộng đồng. Đến nay đã có 34 địa phương có kế hoạch ban hành triển khai Đề án 844, trong đó ngoài Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng là những địa phương có hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển thì một số nơi khác có cách tiếp cận sáng tạo và hiệu quả như Quảng Nam, Vũng Tàu, Nghệ An…
Theo Văn phòng Đề án 844, trong năm 2019, các nhiệm vụ thuộc Đề án 844 sẽ được hàng chục tổ chức khác trên khắp ba miền triển khai, nhằm mục tiêu xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam phát triển đồng đều và phong phú. Không chỉ phân bổ phù hợp về mặt địa lý, loại hình tổ chức tham gia Đề án 844 trong giai đoạn tới cũng rất đa dạng.
Nhiều DN khởi nghiệp sáng tạo lớn trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam như Grab |
Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp (Bộ KH&CN) cho biết, Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cũng đã được hình thành tương đối toàn diện, nâng cao nền tảng kiến thức về khởi nghiệp sáng tạo. Theo các nguồn thống kê chưa đầy đủ, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp có sự gia tăng về số lượng và chất lượng, so với năm 2016, hiện nay số lượng các không gian làm việc tăng hơn 50% với khoảng 70 khu. Có khoảng 40 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh đang hoạt động trên cả nước, cũng như gần 40 quỹ đầu tư có hoạt động tại Việt Nam.
Về chất lượng DN khởi nghiệp sáng tạo thì đang có sự cải thiện rõ rệt, mà cụ thể được minh chứng bằng số lượng vốn đầu tư liên tục tăng từ năm 2016 tới nay, đặc biệt năm 2018 đã thu hút tới 890 triệu USD, cao gấp hơn 3 lần so với năm 2017. Không chỉ vậy, các DN khởi nghiệp sáng tạo lớn trên thế giới đều lần lượt tham gia hoặc đang nghiên cứu để tham gia vào thị trường Việt Nam như Uber, Grab, Amazon, Go-jek... dẫn đến đổi mới về dịch vụ của các DN truyền thống, sự ra đời của các sản phẩm nội địa cạnh tranh, thậm chí, sinh ra những sản phẩm, dịch vụ hoàn toàn mới phù hợp với văn hóa bản địa. Cùng với đó, làn sóng đầu tư vào thị trường khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đang có xu hướng tăng, đặc biệt từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ.
Thời gian qua, Đề án 844 đã hỗ trợ kinh phí cho hơn 60 dự án do gần 40 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp tại cả ba miền Bắc, Trung, Nam thực hiện. Các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực đã được triển khai rộng khắp với hầu hết các chủ thể của hệ sinh thái, trong đó đặc biệt là đối với các cá nhân, nhóm cá nhân, DN khởi nghiệp. Năm 2019 sẽ có 34 nhiệm vụ hàng năm, định kỳ thuộc Đề án 844 chính thức được các đơn vị thực hiện. Dự kiến tháng 4/2019 sẽ kêu gọi các tổ chức tham gia thực hiện nhiệm vụ thuộc Đề án triển khai từ năm 2020.
Ông Phạm Tuấn Hiệp - Giám đốc ươm tạo Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển công nghệ Bách khoa Hà Nội (BK-Holdings) cho biết, là đơn vị tham gia Đề án ngay từ đầu, trải qua 3 năm nhận thấy lợi ích từ đề án mang lại cho công ty rất lớn. Qua nhiều chương trình đã triển khai về lĩnh vực ươm tạo sáng tạo công nghệ và thương mại hóa công nghệ, BK-Holdings đã có thêm nhiều kết nối, nhiều đối tác trong hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo cơ hội để hình thành những hợp tác liên trường, liên ngành. Đồng thời thông qua các chương trình thành công của đề án giúp cho công ty tạo dựng được uy tín, hợp tác với nhiều đối tác và tham gia nhiều chương trình về khởi nghiệp sáng tạo.
Có thể thấy, DN khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đang có những bước tiến mạnh mẽ. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng từng nhấn mạnh, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển của mỗi một quốc gia, và điều này đã được xác nhận tại Việt Nam. Việt Nam nếu không có sự đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, không đưa DN công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào phát triển thì khó có thể tiến bước xa và dài, bền vững trong tương lai. Việc phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đang lan tỏa là điều kiện tốt để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.
Theo Bộ KH&CN, trong giai đoạn 2017 - 2018, Đề án 844 đã hỗ trợ bằng nguồn ngân sách nhà nước cho 29 dự án về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Thông qua các chương trình và sự kiện trong khuôn khổ Đề án 844, rất nhiều startups đạt được những thành tựu đáng chú ý, tiêu biểu như: DN tối ưu hóa logistics Abivin – Quán quân TECHFEST 2018 – chiến thắng Asean Rice Bowl Startup Award năm 2019, DN sản xuất chân tay giả Vulcan Augmetics - Top 10 TECHFEST 2018 - chiến thắng Blue Venture Award năm 2019 và trở thành đại diện đầu tiên của Việt Nam tham gia cuộc thi quốc tế The Venture…
Trên thực tế, từ Đề án 844 đã cho ra đời ra những startup có tiềm năng lớn. Tuy nhiên, việc triển khai các hoạt động thuộc Đề án vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc, do những hoạt động hỗ trợ cho khởi nghiệp - đổi mới – sáng tạo mang tính mới, đặc thù cao, nhân sự để triển khai được các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo ở các bộ, ngành, địa phương đòi hỏi phải thường xuyên cập nhật nhiều kiến thức, thông tin mới. Các hoạt động để hiệu quả cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội. Bên cạnh đó, việc này hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt tại nhiều địa phương, do sự khác biệt về nền tảng giữa các vùng miền, khó khăn về nhân lực kết nối, nền tảng văn hóa chưa theo kịp tư duy đổi mới sáng tạo…
Bên cạnh đó cơ chế chính sách, hành lang pháp lý đặc thù cho DN khởi nghiệp sáng tạo hiện nay còn một số vướng mắc. Nhất là trong bối cảnh các công ty, tập đoàn lớn cả trong và ngoài nước đang thu hút nhân tài trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học... việc chúng ta còn hạn chế về nguồn kinh phí hỗ trợ startup, về nội dung và định mức chi cho chuyên gia trong nước và quốc tế, về quy trình đăng ký DN, cơ chế về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo… đang gây khó khăn cho công tác thúc đẩy cá nhân khởi nghiệp, ông Phạm Hồng Quất cho biết thêm.
Để giải quyết những khó khăn vướng mắc hiện tại, thì bên cạnh những nội dung nghiên cứu về cơ chế chính sách chung cho khởi nghiệp sáng tạo, Ban Điều hành Đề án 844 đang phối hợp với Bộ Tài chính để có cơ chế hỗ trợ quy định trong thông tư tài chính cho Đề án 844 tới đây, giúp cho các đơn vị thuận lợi hơn trong quá trình tham gia, từ đó có thể huy động tốt hơn những nguồn lực khác. Qua đó thống nhất các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trên cả nước và tập hợp nguồn lực hiệu quả hơn cho khởi nghiệp sáng tạo nước nhà. Trong thời gian tới, Ban điều hành Đề án 844 dự kiến sẽ mở đợt kêu gọi đề xuất nhiệm vụ thuộc Đề án 844 thực hiện vào năm 2020, tập trung vào hoạt động liên kết, kết nối các thành phần thuộc hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.