Triển vọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Quế Võ
Dòng tiền đổ mạnh vào nông nghiệp | |
Thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp công nghệ cao | |
Công nghệ tạo lực bẩy cho nông sản Việt Nam |
Những năm gần đây, giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ của huyện Quế Võ (Bắc Ninh) luôn đạt mức tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, song Quế Võ xác định phát triển sản xuất nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng, là “trụ đỡ” đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.
Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp luôn được Quế Võ quan tâm đầu tư |
Với diện tích gieo trồng bình quân hàng năm đạt trên 17.800 ha, trong đó 13.500 ha lúa, Quế Võ đã lựa chọn cây khoai tây, cây lúa là cây trồng chủ lực, từ đó huyện chủ động quy hoạch, ban hành nghị quyết và tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Chỉ đạo các địa phương, đơn vị, hộ nông dân lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa và tích cực ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giảm chi phí đầu tư, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất, xây dựng thương hiệu cho hai sản phẩm chủ lực của huyện là khoai tây Quế Võ và gạo tẻ thơm Quế Võ.
Nắm bắt xu thế chung trong phát triển nông nghiệp bền vững, Quế Võ đã chỉ đạo xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản như: Sản xuất rau an toàn trong nhà kính, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, sản xuất khoai tây giống sạch bệnh từ cây nuôi cấy mô, hệ thống tưới phun mưa trong sản xuất rau màu, phun thuốc trừ sâu bằng máy bay không người lái.
Xây dựng và triển khai Dự án ứng dụng công nghệ khí canh sản xuất khoai tây giống sạch bệnh nhằm chủ động nguồn giống và giảm chi phí nhập khẩu, đảm bảo cho việc trồng trên 1.700 ha khoai tây vụ đông mỗi năm; ứng dụng công nghệ chuồng kín, hệ thống máng ăn, máng uống tự động, sử dụng đệm lót sinh học, bể biogas trong chăn nuôi, hệ thống quạt nước, chế phẩm vi sinh trong xử lý môi trường thủy sản...
Đến nay, toàn huyện đã hình thành 30 vùng trồng khoai tây thương phẩm và khoai tây giống an toàn, diện tích trên 1.500 ha được ứng dụng cơ giới hóa các khâu, làm đất, trồng, vun xới và thu hoạch; 69 vùng sản xuất lúa hàng hóa, diện tích 764,7 ha (trong đó có 1 vùng sản xuất lúa tẻ thơm theo tiêu chuẩn VietGap với diện tích 10 ha tại thôn Quế Ổ xã Chi Lăng); 3 vùng trồng cà rốt quy mô 45 ha; 37 mô hình tích tụ ruộng đất, trong đó có 9 mô hình trồng cây ăn quả tập trung với tổng diện tích 26,3 ha, 4 vùng trồng chuối quy mô 69 ha…
Lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản có 5 mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm và lợn nái quy mô trên 1.000 con ứng dụng công nghệ chuồng kín, máng ăn máng uống tự động; 4 mô hình nuôi thỏ và nuôi chim bồ câu với quy mô trên 2.500 con. Hình thành 3 vùng thủy sản thâm canh và vùng nuôi cá lồng trên sông Đuống, quy mô 215 lồng. Việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đã tạo điều kiện thuận lợi để nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, nâng cao giá trị, tăng thu nhập.
Bên cạnh đó, việc tạo dựng các mô hình liên kết sản xuất cũng được Quế Võ chú trọng. Toàn huyện hiện có 48 HTX nông nghiệp (10 HTX dịch vụ nông nghiệp và 38 HTX nông nghiệp chuyên ngành), 97 HTX dịch vụ nông nghiệp chuyển đổi hoạt động theo hình thức tổ hợp tác. Huyện luôn quan tâm chỉ đạo, khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức ký hợp đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Tiêu biểu như mô hình liên kết sản xuất lúa giống giữa các hộ nông dân với Công ty cổ phần Giống cây trồng Bắc Ninh, Công ty cổ phần Giống cây trồng trung ương tại xã Mộ Đạo, Phương Liễu, Hán Quảng; mô hình liên kết chăn nuôi Thỏ giữa các hộ chăn nuôi của Hợp tác xã chăn nuôi thỏ Bắc Ninh với Công ty Nippo Zoki (Nhật Bản) tại xã Châu Phong và Đức Long; mô hình liên kết sản xuất lúa lai thương phẩm chất lượng cao giữa các hộ nông dân với Công ty cổ phần Đại Thành Bắc Ninh tại xã Ngọc Xá, Yên Giả; mô hình liên kết chăn nuôi lợn nái, lợn thương phẩm giữa các hộ chăn nuôi với Công ty cổ phần tập đoàn DABACO Việt Nam tại xã Phương Liễu và Châu Phong.
Các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã bắt đầu hình thành và đang từng bước được mở rộng, góp phần tạo dựng một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa ổn định.