Dòng tiền đổ mạnh vào nông nghiệp
Ngân hàng hướng mạnh về nông thôn | |
Để nông nghiệp hữu cơ cất cánh | |
Nông nghiệp trước vận hội mới từ các FTA |
Lội ngược dòng, tăng cường M&A
Trái với nhiều dự đoán, ngành nông nghiệp đã có một năm cực kỳ thành công khi hầu hết các DN thủy sản, chăn nuôi, chế biến gạo... đều gặt hái được các kết quả mỹ mãn. Nhiều DN niêm yết trong số đó đã đóng vai trò dẫn dắt, góp phần giữ lửa cho thị trường giữa lúc VN-Index chịu nhiều áp lực giảm giá trong nửa cuối năm.
Dấu ấn số 1 trong năm qua chính là “nữ hoàng cá tra” Trương Thị Lệ Khanh khi đưa Công ty thủy sản Vĩnh Hoàn ghi nhận mức xuất khẩu cá tra kỷ lục. Trong 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu của công ty này đạt tới 348 triệu USD, tăng trưởng 27% so với cùng kỳ. Điều đó đã góp phần đẩy giá cổ phiếu VHC tăng chóng mặt hơn 100% chỉ trong năm qua và được dự đoán sẽ tiếp tục trở thành cổ phiếu đáng quan tâm nhất trong các năm sau.
Nông nghiệp công nghệ cao là một trong những lĩnh vực đang thu hút nhiều đầu tư |
Các DN chứng kiến kết quả kinh doanh khởi sắc còn là Tập đoàn thủy sản Minh Phú (MPC), thủy sản Nam Việt, thủy sản Sao Ta...
Sau một năm 2017 cực kỳ khó khăn, ngành chăn nuôi lợn bất ngờ vụt sáng trở lại trong năm nay khi nhu cầu thị trường tăng vọt, giá bán thịt lợn phục hồi 60%. Nhờ đó, Tập đoàn Dabaco Việt Nam đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm chỉ trong 9 tháng đầu năm và hội đồng quản trị thống nhất trình đại hội cổ đông thông qua kế hoạch điều chỉnh tăng tỷ lệ cổ tức thêm tối đa 10% tiền mặt.
Thấy được tiềm năng của ngành, giới đầu tư trong và ngoài nước cũng tăng cường thực hiện các thương vụ đầu tư hay thực hiện các thương vụ M&A quy mô lớn nhằm nhanh chóng gia nhập và sở hữu được các DN có thương hiệu tốt.
Điển hình như Tập đoàn CJ của Hàn Quốc liên tiếp thực hiện các thương vụ thâu tóm thực phẩm Cầu Tre và Minh Đạt; hay gã khổng lồ ngành bất động sản Vingroup cũng bất ngờ thâu tóm 24% cổ phần của Công ty thức ăn chăn nuôi Việt Thắng.
Còn tập đoàn thực phẩm số 1 Việt Nam CP Food năm 2018 công bố khoản đầu tư trị giá 200 triệu USD vào dự án chế biến gà xuất khẩu ở Bình Phước. Nhà máy dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong 2019-2020 với công suất 50 triệu con mỗi năm, tức có quy mô lớn nhất Đông Nam Á hiện nay. CP cũng vận hành dây chuyền chế biến xúc xích công suất 10.000 tấn/năm tại Củ Chi (TP.HCM).
Theo ông Montri Suwanposri - Tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, đây là một trong những dự án xuất khẩu gà chế biến theo mô hình khép kín đầu tiên của Việt Nam, góp phần thực hiện chính sách của Chính phủ trong việc thúc đẩy Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất thực phẩm đạt tiêu chuẩn của quốc tế. “Dự án sẽ nhanh chóng được thực hiện để có thể xuất khẩu sản phẩm gà chế biến vào đầu năm 2020 và đưa Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia sản xuất thực phẩm quan trọng trong nền công nghiệp thực phẩm thế giới”, ông Montri Suwanposri nhận định.
Miếng bánh tỷ đô
2019 có thể là năm tiếp tục sáng của ngành nông nghiệp. Hàng loạt các hiệp định thương mại chuẩn bị có hiệu lực như CPTPP hay FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu sẽ mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu mới cho các DN xuất khẩu.
Ở trong nước, nền kinh tế tăng trưởng ổn định ở mức cao (6-7%) sẽ gia tăng nhu cầu tiêu dùng, nhất là xu thế sử dụng các loại thực phẩm có chất lượng cao ngày càng tăng của người dân. Theo hãng nghiên cứu StoxPlus, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm tại Việt Nam có giá trị khoảng 4 tỷ USD, trong đó chế biến thịt và thủy sản chiếm khoảng 45,1%. Đó là cơ hội lớn cho ngành nông nghiệp cất cánh.
Bên cạnh đó, một tín hiệu tích cực mới là cấu trúc của ngành đang được bố trí lại theo hướng chuỗi khép kín, trong đó các DN vừa cố gắng gia tăng quy mô sản xuất, vừa hoàn thiện chuỗi giá trị từ chế biến đến bán lẻ tiêu thụ để hạ giá thành sản phẩm, đồng thời cạnh tranh được với hàng nhập khẩu dự kiến sẽ đổ bộ vào Việt Nam ngày càng nhiều.
Điển hình là mới đây, Công ty Masan Nutri – Science đã khánh thành tổ hợp chế biến thịt MNS Meat Hà Nam. Tổ hợp này có công suất thiết kế 1,4 triệu con lợn/năm, tương đương 140.000 tấn/năm với tổng vốn đầu từ hơn 1.000 tỷ đồng. Mục tiêu mà DN này nhắm đến là giành được khoảng 10% thị phần thị trường thịt có giá trị khoảng 10,2 tỷ USD.
Ngay sau khi thâu tóm xong Công ty nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai, dự kiến ngay trong 2019, Thaco sẽ đưa vào hoạt động các nhà máy sản xuất vật tư nông nghiệp với công suất thiết kế hơn 200 nghìn tấn/năm, đồng thời tập đoàn sẽ đưa vào vận hành kho bảo quản để xuất khẩu trái cây tươi, các nhà máy sản xuất chế biến trái cây có công suất thiết kế hơn 120 nghìn tấn/năm để tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào mà Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai đang sở hữu tại Lào và Campuchia. Trong năm nay, xuất khẩu rau quả của Việt Nam dự kiến sẽ đạt tới 4,2 tỷ USD, tăng đáng kể so với 3,5 tỷ USD đạt được năm ngoái.
Theo nhận định của Tập đoàn Nông nghiệp Nhật Sojitz (vừa trở thành cổ đông lớn của Pan Group với tỷ lệ sở hữu 10%), Việt Nam có đất đai màu mỡ, có thể trồng nhiều loại cây trồng khác nhau và đây là cơ hội tốt để tăng trưởng hơn nữa. “Hợp tác với PAN, tôi nghĩ có thể giúp đỡ phần nào, bằng cách cải thiện năng suất, thiết lập chuỗi giá trị thực phẩm, phát triển sản phẩm giá trị gia tăng hay hệ thống phân phối. Chúng tôi có thể giúp đỡ bằng kiến thức và công nghệ từ Nhật Bản, điều đó cũng giúp chúng tôi có nhiều cơ hội tăng trưởng hơn trong ngành nông nghiệp và thực phẩm”, ông Hironori Tateiri, Tổng giám đốc Sojitz Việt Nam nhận định.