Trung Quốc trước rủi ro chiến tranh thương mại
Trung Quốc “hành động” khi căng thẳng thương mại leo thang | |
Cuộc chiến thương mại Mỹ Trung liệu có kết thúc? |
Các chuyên gia kinh tế đang kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc sẽ nới lỏng mức thâm hụt ngân sách trong năm tới khi nền kinh tế của quốc gia này đang tăng trưởng chậm lại và trước tình trạng gia tăng thoái vốn của giới đầu tư nước ngoài trong những tháng qua.
Bắc Kinh đang tích cực tìm nhiều biện pháp hỗ trợ nền kinh tế |
Đặc biệt, cuộc chiến thương mại với Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt càng làm tăng áp lực đối với chính phủ trong việc thực hiện một chính sách tài khóa tích cực hơn.
Cụ thể, theo khảo sát của Bloomberg, 21 trong số 28 các chuyên gia kinh tế được phỏng vấn đưa ra dự báo các nhà chức trách sẽ tăng mục tiêu thâm hụt ngân sách lên khoảng 2,6% và 3% GDP trong năm 2019, cao hơn mức 2,6% GDP trong năm nay. Những người còn lại dự báo thâm hụt cao hơn 3% tổng sản phẩm quốc nội.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy hạn ngạch cho trái phiếu chính phủ ngoài ngân sách - được sử dụng đặc biệt để tài trợ cho kích thích thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng – dự báo sẽ đạt ở mức thấp nhất là 1,35 nghìn tỷ NDT trong năm 2019 (tương đương 194 tỷ USD, bằng hoặc cao hơn mức đầu tư trong năm 2018). Điều này cho thấy nhu cầu kích thích kinh tế thông qua việc đầu tư cơ bản vẫn rất cao ở Trung Quốc.
Trên thực tế hiện nay, kinh tế Trung Quốc đang diễn biến chậm lại nhiều hơn dự kiến, cụ thể tăng trưởng kinh tế quý III chỉ ước đạt mức tăng 6,5% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 6,7% của quý II và cũng thấp hơn mức tăng trưởng được dự báo là 6,6%. Phần lớn các diễn biến kinh tế vĩ mô của Trung Quốc tiếp tục xấu đi.
Theo đó, khu vực sản xuất không có nhiều cải thiện, chỉ số PMI khu vực sản xuất đạt 50,1 điểm trong tháng 10, hầu như không thay đổi so với mức 50 điểm của tháng trước và tiếp tục nằm trong nguy cơ rơi vào ngưỡng thu hẹp trong những tháng tới.
Ngoài ra, số liệu thống kê về sản lượng công nghiệp tháng 9/2018 chỉ đạt mức tăng trưởng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái, không đạt kỳ vọng tăng trưởng 6%. Áp lực lạm phát vẫn đang gia tăng, tỷ lệ lạm phát hiện đạt 2,5%, gần bằng với mức tăng mạnh nhất là 2,9% vào tháng 2 năm 2018.
Trong thời gian tới, việc gia tăng căng thẳng thương mại với Mỹ sẽ tiếp tục tạo áp lực lên nền kinh tế Trung Quốc. Trong số 28 nhà kinh tế được khảo sát bởi Bloomberg, 19 người ước tính rằng mức thuế 25% mà Mỹ áp dụng với 200 tỷ USD trị giá hàng hóa từ Trung Quốc (có hiệu lực từ tháng 1/2019) sẽ làm GDP tại Trung Quốc trong năm tới mất đi 0,2 điểm phần trăm. Các nhà kinh tế dự báo ước tính mức tăng GDP trung bình cho năm 2019 tại Trung Quốc sẽ chỉ đạt 6,2 phần trăm – mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây.
Trong bối cảnh đó, các nhà hoạch định chính sách đã thực hiện một loạt các giải pháp về tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng, từ việc thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt hơn tới nhiều lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng. Về phía chính sách tài khóa, mức nợ cao đã tạo ra những cản trở nhất định khiến Trung Quốc ít khả năng thực hiện các chính sách mở rộng để kích thích kinh tế cho đến thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, để giữ ổn định cho hệ thống tài chính ngân hàng, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc trong thời gian tới sẽ kiềm chế các biện pháp kích thích từ phía tiền tệ như cắt giảm lãi suất cho vay tiêu chuẩn hoặc nới lỏng các quy tắc mua tài sản.
Do đó, giới đầu tư đang kỳ vọng nhiều hơn về việc chính phủ Trung Quốc sẽ thực hiện thêm các biện pháp nới lỏng tài khóa, thông qua các giải pháp như cắt giảm thuế và bơm tiền vào nền kinh tế qua các chương trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Trên thực tế, trong một số tháng gần đây, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một gói chính sách mới với các giải pháp tập trung về phía tài khóa nhằm kích thích nhu cầu nội địa. Nội dung gói chính sách bao gồm một số điểm chính sau: Giảm thuế khoảng 65 tỷ nhân dân tệ (tương đương 9,6 tỷ USD) cho các doanh nghiệp có ngân sách nghiên cứu và phát triển (R&D); Phát hành trái phiếu đặc biệt cho hoạt động cấp vốn phát triển cơ sở hạ tầng; Nới lỏng hạn chế với việc phát hành trái phiếu tài chính của doanh nghiệp nhỏ;
Khởi động đầu tư tư nhân bằng cách đưa vào triển khai dự án trong lĩnh vực vận tải, khí đốt và viễn thông; Tiếp tục mở cửa và cải thiện chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp nước ngoài tái đầu tư; Hướng dẫn các tổ chức tài chính đảm bảo nguồn tài chính cho chính quyền các tỉnh để các dự án cần thiết không bị đình trệ; Điều phối hoạt động xây dựng và lên kế hoạch cho nhiều dự án lớn nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển và nhu cầu của công chúng.
Để khẳng định lại định hướng điều hành thiên về kích thích tài khóa, Bộ Chính trị Trung Quốc trong cuộc họp vào đầu tháng 11 đã nhắc lại rằng Bắc Kinh sẽ duy trì một chính sách tài khóa chủ động và một chính sách tiền tệ thận trọng trong khi cố gắng tìm ra giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân. Trên cơ sở đó, Hội đồng Nhà nước đã ban hành hướng dẫn chi tiết về thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, nêu bật một số dự án trọng điểm và chỉ định các cơ quan chính phủ cụ thể chịu trách nhiệm đảm bảo hiệu quả thực hiện các dự án trên.
Bên cạnh các biện pháp kích thích tài khóa từ trung ương, tốc độ phát hành trái phiếu đặc biệt của các chính quyền địa phương cũng sẽ được đẩy mạnh nhằm phát triển cơ sở hạ tầng. Như vậy, theo các chuyên gia, những động thái gần đây cho thấy Bắc Kinh đang chuyển sang hỗ trợ nền kinh tế bằng chính sách tài khóa nhiều hơn trong bối cảnh đối đầu thương mại với Mỹ ngày một căng thẳng.