Tuyên truyền chính sách BHTG: Gia tăng uy tín cho các QTDND
Thủ tướng chỉ thị củng cố vững chắc hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân | |
Vai trò của chính sách BHTG |
Trong điều kiện nền kinh tế có nhiều biến động, hoạt động ngân hàng nói chung gặp nhiều khó khăn, thì hệ thống QTDND với quy mô, tiềm lực nhỏ luôn chịu nhiều thách thức.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, với những ưu thế của một loại hình tín dụng đặc thù, cộng với sự hỗ trợ tích cực từ các hoạt động của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) trong việc tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) tới người dân đã góp phần củng cố niềm tin, xóa bỏ định kiến về sự đổ vỡ của các hợp tác xã tín dụng trước đây, tiếp tục khẳng định QTDND là một trong những kênh tín dụng quan trọng đáp ứng kịp thời, hiệu quả nguồn vốn cho nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hướng tới người gửi tiền ở nông thôn
Trong những năm gần đây, BHTGVN xác định đối tượng công chúng mục tiêu để tuyên truyền chính sách BHTG là người gửi tiền tại khu vực nông thôn, miền núi. Đây là một trong những chủ trương đúng đắn và đã được triển khai một cách có hiệu quả.
Theo thống kê, dân cư ở khu vực nông thôn, miền núi có thu nhập trung bình thấp hơn so với dân cư ở thành thị. Thu nhập trung bình 1 nhân khẩu ở nông thôn là khoảng gần 1.600USD/năm, trong khi thu nhập trung bình 1 nhân khẩu ở thành thị là khoảng gần 3.000USD/năm (số liệu thống kê năm 2012 - Tổng cục Thống kê).
Với thu nhập này, người gửi tiền tại khu vực nông thôn đa phần là đối tượng được bảo hiểm toàn bộ xét trên hạn mức trả tiền bảo hiểm hiện hành. Theo thông lệ quốc tế, đối tượng tuyên truyền trọng tâm của các tổ chức BHTG là người gửi tiền với số tiền gửi nằm trong phạm vi bảo vệ của hạn mức BHTG, nhằm phát huy hiệu quả chính sách BHTG, ổn định tâm lý người gửi tiền cũng như hạn chế hiện tượng rút tiền hàng loạt.
Khu vực nông thôn, miền núi cũng là địa bàn thường có sự phân bố của các QTDND, dân cư ở đây cũng thường là khách hàng của các QTDND. Trong quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (giai đoạn 2), BHTGVN đã được giao nhiệm vụ tham gia sâu hơn vào hoạt động tái cơ cấu các tổ chức tham gia BHTG quy mô nhỏ, trong đó có QTDND. Do đó, việc tuyên truyền chính sách tới người gửi tiền ở các quỹ này không chỉ là yêu cầu nghiệp vụ thông thường, mà còn là trọng tâm cần được quan tâm thực hiện trong thời gian tới.
Đẩy mạnh tuyên truyền qua nhiều kênh truyền thông
Để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chính sách BHTG, BHTGVN đã sử dụng đồng bộ nhiều kênh truyền thông khác nhau. Truyền thông trên báo chí, phát thanh, truyền hình là một trong những kênh truyền thông gián tiếp được BHTGVN sử dụng hiệu quả nhằm xây dựng nhận thức chung về chính sách BHTG đối với công chúng, trong đó có đối tượng người gửi tiền tại các QTDND. Năm 2018, BHTGVN đã phối hợp truyền thông một cách chủ động với nhiều báo kịp thời tuyên truyền chính sách BHTG, góp phần tạo nên sự đồng thuận chung.
Ngoài phương thức tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, BHTGVN đã tích cực tìm ra hướng tiếp cận phù hợp với người gửi tiền khu vực nông thôn, miền núi và vùng sâu vùng xa thông qua các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương.
Cụ thể, BHTGVN phối hợp với cấp chính quyền tại địa phương cùng các nhóm, hội, hiệp hội như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hiệp hội ngành nghề... để lồng ghép tuyên truyền chính sách. Điều này giúp tiếp cận dễ dàng tới đối tượng mục tiêu là người gửi tiền. Việc BHTGVN chủ động phối hợp tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt cộng đồng tại địa phương hoặc QTDND tại những sự kiện thường niên của QTDND để chia sẻ thông tin cho người gửi tiền đã và đang đem lại hiệu quả tích cực về nhận thức của người dân đối với chính sách BHTG.
Hàng năm, BHTGVN tổ chức chuỗi sự kiện tuyên truyền chính sách BHTG trên cả nước với các nội dung được tích cực đổi mới, với mục tiêu thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của các TCTD và QTDND tại từng địa phương.
Đặc biệt, tại nhiều tỉnh, thành, sự kiện tuyên truyền tại các trường đại học, học viện đã được triển khai một cách linh hoạt, sáng tạo. Các sự kiện này đã thu hút sự tham gia chủ động của sinh viên – người gửi tiền tiềm năng, đồng thời tạo điều kiện giao lưu, chia sẻ thông tin một cách tích cực giữa BHTGVN với đối tượng này.
Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, với mục tiêu đẩy mạnh tuyên truyền chính sách BHTG trực tiếp tới người gửi tiền tại khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, công tác truyền thông được mở rộng trên một kênh truyền thông mới là độc quyền của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPOST) như: Tuyên truyền chính sách BHTG qua phong bì chi trả lương hưu tại các điểm Bưu điện văn hóa xã; Tuyên truyền chính sách BHTG tại các điểm giao dịch bưu điện, bưu cục thuộc hệ thống VNPOST (Qua standee và poster), với phạm vi tiếp cận rộng, truyền thông tới những khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, các địa bàn có địa hình phức tạp.
Như vậy, qua từng sự kiện tuyên truyền chính sách BHTG, các vấn đề chính sách đã được truyền tải một cách hợp lý tới các nhóm công chúng mục tiêu. Bên cạnh đó, các phản hồi từ cơ sở cũng là kênh thông tin có giá trị để góp phần từng bước hoàn thiện chính sách BHTG theo thông lệ quốc tế, phù hợp với thực tế hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Thông qua các sự kiện tuyên truyền chính sách, sự gắn kết giữa tổ chức BHTG và người gửi tiền ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực vào hiệu quả thực thi chính sách BHTG.