Ứng dụng công nghệ trồng rau sạch
Còn với người sản xuất, không ít hộ cá thể, các hợp tác xã đã tham gia sản xuất rau an toàn theo các dự án, nhưng vì những khó khăn về đầu ra cho sản phẩm, được mùa rớt giá khiến họ không thể kiên trì, sản xuất được một vài vụ rồi bỏ cuộc.
Mã số sản phẩm được đánh dấu trên ruộng rau
Trong bối cảnh đó, rau sạch Liên Thảo được đầu tư và quản lý bởi CTCP Đầu tư Giao Long ra đời với mục tiêu trở thành cầu nối vững chắc giữa người sản xuất và người tiêu dùng trong việc sản xuất và tiêu thụ rau sạch, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp xanh thực sự bền vững.
Bước đầu, Liên Thảo hợp tác bao tiêu sản phẩm cho các hộ nông dân tại vùng rau sạch Duyên Hà, Yên Mỹ (huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội), đảm bảo đầu ra vững chắc cho họ, để người dân có thể yên tâm sản xuất rau sạch. Hiện nay, vùng sản xuất của Liên Thảo đang dần mở rộng ra các khu vực rau an toàn khác thuộc ngoại thành Hà Nội và các vùng lân cận.
Mỗi sản phẩm của Liên Thảo trước khi đưa ra thị trường đều được dán tem chứng nhận xuất xứ (C/O) và chứng nhận chất lượng (C/Q) theo tiêu chuẩn của Liên Thảo. Mỗi thửa ruộng đều được Liên Thảo cắm biển mã ruộng và quản lý trên hệ thống, từ đó truy xuất được ruộng nhà ai, sản xuất sản phẩm gì và quy trình sản xuất ra sao. Trên các sản phẩm của Liên Thảo được dán tem, vì thế người tiêu dùng có thể tra cứu mã trên website của Liên Thảo để biết xuất xứ sản phẩm mình đang tiêu dùng.
Về giá cả, người tiêu dùng có thể sử dụng rau sạch Liên Thảo với giá chỉ cao hơn 30 - 50% so với giá rau không rõ nguồn gốc đang được bán tại các chợ. Tại mức giá này, thời gian đầu Liên Thảo chấp nhận bù lỗ để trợ giá cho người dùng. Nhưng đây sẽ là những bước đi vững chắc đầu tiên để Liên Thảo xây dựng lòng tin nơi khách hàng. Được biết, Liên Thảo cũng đánh giá rất cao kênh phân phối là chợ truyền thống và sẽ tập trung phát triển thị trường này, hướng đến phục vụ lượng khách hàng rộng lớn hơn.
Với thế mạnh công nghệ thông tin, Liên Thảo quản lý công việc từ kế hoạch đến triển khai, ghi chép nhật ký ruộng đồng, đánh mã số ruộng, mã số sản phẩm trên hệ thống tập trung được đầu tư bài bản. Hệ thống công nghệ thông tin này cho phép DN quản lý sản lượng hàng, thời điểm thu hoạch phù hợp của từng ruộng, từng hộ một cách khoa học, chính xác.
Các nhóm kỹ sư làm việc độc lập tại các vùng sản xuất khác nhau cũng đã dễ dàng chia sẻ và tổng hợp thông tin nhanh chóng, hiệu quả không chỉ số liệu mà còn cả các hình ảnh thực tế tại từng điểm sản xuất thông qua các thiết bị hiện đại như máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh. Bằng việc đưa công nghệ thông tin vào ứng dụng, Liên Thảo đã có thể quản lý chính xác từng mớ rau, củ quả đưa ra thị trường là được trồng bởi ai, ở thửa ruộng nào, thu hoạch ngày nào và nhiều thông tin chi tiết khác suốt quá trình trồng trọt.
Hàng ngày, kỹ sư Liên Thảo đi thăm ruộng, các thiết bị thông minh được sử dụng để chụp hình, lấy mẫu, gửi thông tin ngay lập tức về hệ thống để quản trị và có thể xử lý kịp thời nếu có vấn đề về sâu bệnh xảy ra. công nghệ thông tin cũng giúp quá trình quản lý từng chân ruộng được cụ thể hóa và hệ thống bài bản, không bị sót thông tin, nâng cao năng suất lao động.
Nhờ công nghệ thông tin, Liên Thảo nắm “rõ như lòng bàn tay” từng chân ruộng. Khi cần thông tin chỉ cần truy cập trên hệ thống dữ liệu đã được số hóa, vừa tiết kiệm thời gian, công sức cho DN, vừa kiết kiệm tiền bạc cho hộ sản xuất. Mọi thông tin giữa DN và người sản xuất luôn được truyền tải chính xác và kịp thời, hiệu quả cao.
Bà Nguyễn Thu Hà, Giám đốc Marketing thương hiệu Liên Thảo tự tin chia sẻ: “Về dài hạn, việc số hóa thông tin toàn bộ các vùng sản xuất rau an toàn sẽ giúp đưa ra được định hướng, tư vấn cho bà con nên trồng cây gì, thời điểm nào, sản lượng bao nhiêu để luôn đảm bảo ổn định nguồn cung cho thị trường mà không gặp phải tình trạng được mùa mất giá hay được giá mất mùa. Liên Thảo mong muốn đem lại việc làm thu nhập ổn định, bền vững cho những người nông dân và những sản phẩm rau an toàn đến người tiêu dùng”.
Bài và ảnh Trần Thái