Ưu đãi tài chính cho DN FDI quá lớn
Thu hút được hơn 10,1 tỷ USD vốn FDI trong 5 tháng đầu năm | |
Đổi hướng thu hút đầu tư vào khu công nghiệp | |
Khi vốn Nhật bớt “mặn mà” |
Thời gian gần đây, những vụ chuyển giá, trốn thuế của các DN FDI như Metro, Big C… sau hàng chục năm báo lỗ khiến ngân sách thất thu nặng và dư luận bức xúc. Nhiều chuyên gia kinh tế bắt đầu cảnh báo rằng sau giai đoạn “trải thảm đỏ” đã đến lúc cần siết chặt quản lý hoạt động đầu tư của các DN FDI.
Cẩn trọng “lấy mỡ mình rán mình”
Hiện nay đa số các DN nước ngoài khi đến đầu tư tại Việt Nam đều được miễn 4 năm thuế thu nhập DN, sau đó giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Nhiều dự án lớn thậm chí chỉ áp dụng mức thuế 10% trong suốt 30 năm đầu. Điều này có nghĩa rằng, so với các DN nội cùng ngành nghề, sức ép về tài chính của khối DN FDI nhẹ hơn hẳn. Và mặc dù kim ngạch xuất khẩu của khối DN nước ngoài luôn chiếm tỷ lệ áp đảo nhưng đóng góp thực cho ngân sách là không lớn.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng đóng góp thực cho ngân sách của khối DN FDI không nhiều |
Ngoài việc nhận được các ưu đãi về thuế và phí, trong các năm gần đây khối DN FDI còn được các NHTM trong nước khá “chiều chuộng”. Thống kê chưa đầy đủ của NHNN cho thấy, hiện nay dư nợ cho vay đối với các DN FDI ước khoảng 100.000 tỷ đồng. Trong các năm 2015 – 2016 hàng loạt các NHTM đã ký cam kết tài trợ vốn cho các dự án FDI.
Đơn cử có thể kể ra một số thương vụ lớn mới đây như: VietinBank ký hợp đồng tín dụng tài trợ 7,6 triệu USD cho Nhà máy sản xuất thuốc tiêm của Công ty Medochemie Viễn Đông tại Bình Dương; VIB và Vietcombank chấp nhận tài trợ 540 tỷ đồng cho Tập đoàn TexHong (Hong Kong) để DN này xây dựng nhà máy sản xuất sợi tại Quảng Ninh và đầu tư dự án chuỗi dây chuyền công nghiệp dệt may tại TP.HCM.
Theo VietinBank, trong năm 2015 dư nợ cho vay khối DN FDI của NH này có sự tăng trưởng bứt phá ở mức 37,5% so với năm 2014. Con số này sẽ còn lớn hơn nữa vì thời gian qua VietinBank đã đưa ra một gói tín dụng riêng phục vụ các DN FDI với tổng giá trị 20 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, Vietcombank cũng dành ra khoảng hơn 10 ngàn tỷ đồng để cho vay vào khối DN FDI, bởi chỉ trong năm 2015 số khách hàng DN FDI có quan hệ tín dụng với NH này đã tăng thêm hơn 600 đơn vị, đạt mức gần 10.000 công ty.
Theo quan sát, hiện nay việc vay vốn trong nước để đầu tư của các DN FDI là khá phổ biến. Ở các địa phương có những tập đoàn nước ngoài lớn đến đầu tư như Bắc Ninh, Bình Dương, TP.HCM hầu như các DN FDI đều sử dụng vốn vay từ các NHTM trong nước.
Trong khi đó, tại các tỉnh thành khác như Quảng Nam, Đồng Nai, Vũng Tàu… đều ghi nhận có khoảng 1/3 DN FDI đang vay vốn từ các NHTM trong nước để phát triển sản xuất kinh doanh. Điều này cho thấy việc “giành giật” nguồn vốn tín dụng của các DN FDI đối với các DN khối nội đang ngày càng trở nên gay gắt. Nếu tình trạng này tiếp diễn mạnh thì khả năng chệch hướng kêu gọi đầu tư nước ngoài là hoàn toàn có thể nghĩ đến. Bởi mục tiêu thu hút FDI chủ yếu nhất vẫn là tận dụng công nghệ và nguồn vốn từ nước ngoài. Trong khi đó, nhiều DN FDI lại kéo dài thời gian cấp vốn hoặc xin giảm vốn đầu tư, thay vào đó là vay vốn tín dụng trong nước để sản xuất hàng xuất khẩu.
Cân đo để chọn lọc
Số liệu của Bộ KH&ĐT cho thấy, hiện nay 80% các dự án FDI tại Việt Nam là các dự án nhỏ và vừa. Mức đầu tư trung bình của một dự án FDI Hàn Quốc và Nhật Bản được xếp vào nhóm cao nhất cũng chỉ đạt khoảng 9 -13 triệu USD. Trong khi đó, các dự án FDI đến từ BritishVirginIslands, Thái Lan, Hong Kong, Hoa Kỳ, Malaysia… chỉ có mức vốn đăng ký dao động từ 0,01 – 0,03 triệu USD.
Với quy mô dự án nhỏ như trên, kỳ vọng các DN FDI tạo ra nhiều việc làm cho người lao động Việt Nam thực tế không quá lớn so với khả năng mà các DN nội địa có thể làm được. So sánh tương quan cho thấy, nếu DN FDI nhỏ vừa được nhận các ưu đãi về thuế, phí, vừa được hưởng các ưu đãi tiếp cận tín dụng NH thì các DN nội địa với 90% là các DNNVV gần như mất hẳn lợi thế cạnh tranh.
Theo GS.TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, từ khoảng những năm 2010 trở lại đây, hoạt động vay vốn NHTM trong nước của khối DN FDI diễn ra khá phổ biến. Về nguyên tắc các nhà đầu tư FDI vay vốn trong nước là không có vấn đề gì. Tuy nhiên, khi tỷ lệ cho vay các DN FDI quá lớn, các NHTM còn ít dư địa để đầu tư vào DN nội địa. Vì thế NHNN nên lưu ý các TCTD về một tỷ lệ dư nợ hợp lý đối với các DN FDI.
Đồng quan điểm, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) cho rằng, cần có sự đánh giá thực chất hơn đối với các DN FDI trước khi xem xét chấp nhận đầu tư. Chẳng hạn, nếu họ đăng ký 1 tỷ USD thì các cơ quan chức năng phải xác nhận rõ vốn chủ sở hữu như thế nào, bao nhiêu phần là vốn vay, bao nhiêu phần là vốn tự có. Vay là vay từ nguồn nào? Vay từ nước ngoài đem vào hay đến Việt Nam rồi đi vay các NH trong nước. Khi đó mới có cơ sở để tính toán tỷ lệ đầu tư vốn thích hợp cho nhóm DN FDI, giảm tránh nguy cơ chèn lấn tín dụng dẫn tới mặt bằng lãi suất tăng lên.
Lũy kế từ năm 1988 đến hết quý I/2016, Việt Nam thu hút gần 20.000 dự án FDI, với vốn đăng ký khoảng 280 tỷ USD tuy nhiên vốn thực hiện mới chỉ đạt khoảng gần 150 tỷ USD, như vậy còn khoảng 130 tỷ USD là vốn chưa thực hiện. GS.TS. Nguyễn Mại cho rằng, Bộ KH&ĐT cần chỉ đạo các địa phương rà soát lại các dự án trong số 130 tỷ USD vốn chưa thực hiện. Trên cơ sở đó chia các dự án này thành 3 loại: một là những dự án có thể thực hiện trong năm 2016, hai là những dự án có thể thực hiện trong năm 2017 – 2018 và ba là những dự án chắc chắn không thực hiện được. Dự án nào thuộc vào nhóm 3 thì xem xét thu hồi để kêu gọi nguồn vốn khác đầu tư. |