VAFI hiến kế cải tiến bệnh viện công
Đầu tư bệnh viện tư nhân không “dễ xơi” | |
Cổ phần hóa bệnh viện công: Khó kỳ vọng ở diện rộng | |
Bệnh viện công đầu tiên IPO đã gặt hái thành công mỹ mãn |
Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa đề xuất với Chính phủ, Bộ Y tế một hệ thống giải pháp thực hiện một cuộc cách mạng trong ngành y tế mà theo VAFI, sẽ làm thay đổi sâu sắc chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh của hệ thống bệnh viện công lập (BVCL), với việc thay đổi cơ chế quản trị bệnh viện sang cơ chế minh bạch, tự chủ và chuyên nghiệp.
Có lẽ nhiều nhà hoạch định chính sách và nhiều người nghĩ rằng, duy trì một hệ thống bệnh viện nhà nước mang tính chủ đạo trong ngành y tế là một công cụ hữu hiệu để nhà nước thực hiện tốt chính sách phúc lợi cho toàn dân và nhất là cho người nghèo. Nhưng đi sâu phân tích hoạt động của hệ thống BVCL (hiện chiếm khoảng 90%) thì chưa phải như vậy.
Đưa ra nhìn nhận này, VAFI chỉ ra những “căn bệnh khó chữa” nhất của bệnh viện công như vận hành theo cơ chế quan liêu bao cấp, sự không chuyên nghiệp trong dịch vụ khám chữa bệnh, tình trạng tiêu cực tham nhũng trong xây dựng cơ sở vật chất cho bệnh viện, trong việc mua thuốc… Nguyên nhân được cho là thiếu am hiểu về cơ chế quản trị DN, quản trị tài chính, dẫn đến chưa tìm được mô hình quản trị BVCL thích hợp.
Thiếu am hiểu về cơ chế quản trị DN, quản trị tài chính, dẫn đến chưa tìm được mô hình quản trị BVCL thích hợp |
Từ kinh nghiệm và nghiên cứu của mình, VAFI đề xuất một cuộc cách mạng chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1, cần nhanh chóng chuyển toàn bộ bệnh viện nhà nước từ hình thức đơn vị sự nghiệp công lập sang phương thức DN công ích hoạt động theo Luật DN; Toàn bộ hệ thống BVCL phải công khai tình hình hoạt động, tình hình tài chính như DN niêm yết. Ban lãnh đạo các bệnh viện này sẽ có quyền và nghĩa vụ quản trị bệnh viện như DN công ích, thay vì sự chỉ đạo trực tiếp theo tính sự vụ từ Bộ Y tế và Sở Y tế.
Đây chỉ là bước đệm, bước chuẩn bị để thực hiện giai đoạn 2 với việc cổ phần hóa (CPH) các bệnh viện mạnh và đầu ngành, cũng như các bệnh viện xin tự nguyện CPH. Sau đó thực hiện việc niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) để làm sâu sắc cơ chế công khai minh bạch hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện cho các DN này dễ dàng huy động được vốn.
Để CPH thành công các bệnh viện, VAFI đề xuất một chính sách đặc thù, phù hợp để đảm bảo hệ thống BVCL vẫn là hệ thống y tế của nhà nước, tức là vẫn đảm bảo chính sách an sinh của nhà nước cho toàn thể người dân, cho 100% đối tượng bảo hiểm y tế, cho người nghèo và cho các nhiệm vụ chính trị cấp bách.
Để thực hiện được mục tiêu này, VAFI đề xuất cổ phần chi phối của nhà nước phải nắm trên 65% nhằm kiểm soát tuyệt đối các hoạt động của bệnh viện.
Nỗi lo giá dịch vụ khám chữa bệnh tăng sau CPH cũng được VAFI hóa giải với đề xuất không tính giá trị thương hiệu bệnh viện theo cơ chế thị trường. Đồng thời, việc thuê đất sẽ theo cơ chế của các BVCL hiện nay. “Nếu chúng ta định giá BVCL như một DN nhà nước bình thường thì tiến trình CPH bệnh viện công sẽ thất bại”, Phó chủ tịch VAFI Nguyễn Hoàng Hải nhìn nhận.
Giai đoạn 3, sau khi CPH thành công khoảng 30 bệnh viện lớn nhất của cả nước, thì đây sẽ làm nòng cốt để hình thành lên các tập đoàn bệnh viện nhà nước hoạt động trên phạm vi cả nước hay vùng lãnh thổ. Tiến trình hợp nhất sáp nhập trong toàn bộ hệ thống BVCL chỉ kéo dài trong 10 năm.
Câu hỏi đặt ra là bệnh viện mẹ lấy nguồn vốn ở đâu để mua các bệnh viện con trong khi vẫn phải bảo đảm cổ phần đa số của nhà nước (65%), VAFI đưa ra giải pháp là huy động vốn từ TTCK, từ các nhà đầu tư chiến lược, là các bệnh viện nước ngoài có tên tuổi để vừa đáp ứng nhu cầu về vốn, vừa thu hút kỹ năng quản trị bệnh viện cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Đồng thời, tiến hành hợp nhất sáp nhập các bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện vào bệnh viện lớn.
VAFI cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế cùng các cơ quan hữu quan xây dựng Đề án đổi mới trong hệ thống BVCL.