Cổ phần hóa bệnh viện công: Khó kỳ vọng ở diện rộng
Ngày 21/10, Bệnh viện Giao thông - Vận tải (GTVT) Trung ương đã được cổ phần hóa (CPH). Theo công bố, toàn bộ hơn 4,95 triệu cổ phần của bệnh viện đã được đấu giá thành công ngay trong lần rao bán đầu tiên với mức giá trung bình gần 23.600 đồng/CP. Điều khá bất ngờ là số NĐT tham dự đấu giá khá đông và giá trị cổ phần cũng được các NĐT trả cao gấp 2,6 lần so với giá chào bán.
Sau CPH, các bệnh viện sẽ chịu áp lực tăng giá viện phí để bù đắp phần thiếu hụt do cắt giảm ngân sách |
Đắt hàng nhưng chưa vội mừng
Việc đấu giá thành công gần 30% cổ phần của Bệnh viện GTVT ngay lập tức được giới quan sát cho rằng đó là một tín hiệu mừng, vì rất có thể đây sẽ là “phát súng” đầu tiên cho việc chuyển dần từ mô hình Nhà nước “bao cấp” sang xã hội hoá dịch vụ y tế với sự tham gia nhiều hơn của khối kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, phân tích cụ thể sự kiện trên thì chưa thể khẳng định quan điểm trên, càng chưa thể kỳ vọng sẽ có một sự thay đổi mạnh mẽ ở Bệnh viện GTVT sau CPH.
Trước hết, xem xét phương án CPH cho thấy, khi chào bán đợt đầu, Bệnh viện GTVT được xác định vốn điều lệ là 168 tỷ đồng. Như vậy, sau khi CPH, phần vốn Nhà nước sẽ chỉ còn 30%. Tuy nhiên, vẫn còn một phần giá trị của Bệnh viện GTVT chưa được tính toán hết. Đó là dự án tòa nhà bệnh viện thực hiện từ nguồn vốn vay ODA.
Tính đến tháng 6/2014 dự án này đã hoàn thành xây dựng cơ bản với giá trị được ghi nhận vào giá trị DN là 55 tỷ đồng. Phần giá trị đầu tư còn lại ước khoảng 267,5 tỷ đồng chưa được tính vào giá trị DN.
Cuối năm 2015, dự án này sẽ được quyết toán thực tế, khoản vốn hơn 267 tỷ đồng này sẽ được cộng thêm vào giá trị phần vốn Nhà nước tại bệnh viện. Khi đó, tỷ lệ phần vốn Nhà nước không còn là 30% mà tăng lên khoảng 73%. Đồng thời, các NĐT tư nhân vừa mua 30% cổ phần bệnh viện trong đợt chào bán này có thể bị giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 11,5%.
Với rủi ro giảm tỷ lệ sở hữu, rõ ràng các NĐT tư nhân tham gia mua cổ phần Bệnh viện GTVT sẽ đối mặt một số vấn đề. Bởi khi tham gia đầu tư vốn vào bệnh viện này họ đã phải cam kết không thoái vốn trong vòng 5 năm kể từ khi bệnh viện được cấp phép đăng ký kinh doanh lần đầu. Trong khi, giá trị các quyết định của họ tại bệnh viện lại có thể thay đổi rất lớn như vừa nêu.
Tìm hiểu thực tế tại Bệnh viện GTVT cho thấy, các năm qua tổng thu của đơn vị này ở mức khoảng 140 tỷ đồng, nhưng tổng chi lên tới 170 tỷ đồng. Hàng năm đơn vị vẫn phải nhận nguồn ngân sách chi thường xuyên của Nhà nước để đảm bảo hoạt động. Trong khi đó, theo kế hoạch, sau CPH bệnh viện sẽ phải có lãi ròng 7,8 tỷ đồng ngay trong năm 2015, rồi tăng lên các mức 9,6 tỷ và 12 tỷ đồng vào hai năm 2016-2017.
Với áp lực như vậy, chưa có cơ sở để tin rằng Bệnh viện GTVT sẽ tạo ra cú bật mới trong hiệu quả kinh doanh, sau CPH. Chưa nói đến việc chuyển đổi phương thức kinh doanh của bệnh viện cũng sẽ vấp phải khó khăn lớn, khi mà phần vốn Nhà nước có khả năng chiếm tới hơn 70%.
Nên bán bớt bệnh viện cho tư nhân
Câu chuyện CPH bệnh viện kể trên đặt ra hàng loạt những câu hỏi về cách thức đổi mới, tái cơ cấu hệ thống bệnh viện công trên cả nước. Theo quan điểm của Bộ Y tế, trước mắt bộ này không khuyến khích CPH bệnh viện công mà chỉ khuyến khích đầu tư bệnh viện tư nhân, không để công - tư lẫn lộn trong mô hình bệnh viện. Lập luận của Bộ Y tế đưa ra là khi CPH thì bệnh viện sẽ hoạt động như một CTCP, lấy mục tiêu lợi nhuận là trọng tâm phát triển. Khi đó, giá viện phí sẽ tăng và người nghèo càng khó tiếp cận dịch vụ y tế.
Ở một định hướng cụ thể hơn, một số nhà phân tích cho rằng chưa nên CPH các bệnh viện mũi nhọn và các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành mà chỉ nên CPH các bệnh viện trực thuộc ngành, gặp khó khăn về tài chính để giảm tải áp lực chi ngân sách. Tuy nhiên, vấn đề là CPH có phải là hướng đi tất yếu, bắt buộc đối với các bệnh viện công hay không?
Thực tế, cách đây 7-8 năm, vấn đề CPH các bệnh viện cũng đã từng được đưa ra bàn bạc. Thời điểm 2007 đã có phương án CPH Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM), nhưng ngay sau đó phương án này bị xếp lại. Sở dĩ phương án CPH Bệnh viện Bình Dân không thành công là do một số nguyên nhân.
Thứ nhất, khi bắt đầu có chủ trương CPH thì các văn bản luật hướng dẫn về hoạt động của bệnh viện cổ phần chưa đầy đủ. Điều này một mặt tạo ra tâm lý hoang mang trong dư luận, vì không biết sau khi CPH bệnh viện sẽ hoạt động như thế nào? Mặt khác, cũng do không có hướng dẫn cụ thể dẫn đến việc cổ phiếu bệnh viện khi phát hành ra bị đầu cơ tràn lan, NĐT săn tìm cổ phiếu với giá cao hơn 7-8 lần mệnh giá.
Thứ hai, khi tiến hành CPH, Bệnh viện Bình Dân về cơ bản mới chỉ tự chủ tài chính được khoảng 80%, kỹ năng quản trị nguồn nhân lực cũng hạn chế. Chính vì thế khi chuyển qua hình thức cổ phần, đơn vị này chịu áp lực tăng giá viện phí để bù đắp phần thiếu hụt do bị cắt giảm nguồn thu từ ngân sách.
Ở góc độ người nghiên cứu trong ngành, GS-TS. Nguyễn Hoài Nam (Đại học Y dược TP.HCM) cho rằng, muốn CPH các bệnh viện có hiệu quả thì trước hết phải có phương án đổi mới quản trị nguồn nhân lực.
Hiện nay, hầu hết các bệnh viện công đều được bao cấp, vì thế chưa thể chọn được người có tài để có thể lãnh đạo và quản lý bệnh viện trong cơ chế thị trường. Nếu không gỡ được nút thắt này thì sau khi CPH, các bệnh viện sẽ rơi vào tình trạng “bình mới rượu cũ” làm nản lòng các NĐT.
Theo ông Nam, Nhà nước có thể tính đến phương án bán bớt một số bệnh viện công cho tư nhân. Tuy nhiên, ông Nam cũng cho rằng Nhà nước nên giữ lại khoảng 20% các bệnh viện công để phục vụ những bệnh nhân nghèo, đối tượng chính sách và trường hợp bệnh khó điều trị. Các bệnh viện này hoạt động nhờ kinh phí của Nhà nước, bảo hiểm y tế, cũng như nguồn đóng góp từ các hoạt động nhân đạo...