VAMC góp phần tạo lưu thông tín dụng
PGS-TS. Trần Hoàng Ngân |
Trao đổi với phóng viên TBNH bên lề kỳ họp Quốc hội lần này, PGS-TS. Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội đoàn TP. Hồ Chí Minh đã đánh giá cao giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và kết quả hoạt động tái cấu trúc các TCTD mà NHNN thực hiện trong thời gian qua. Ông cho rằng, giải pháp xử lý nợ xấu thông qua VAMC và giải pháp mua lại NH 0 đồng là giải pháp cần thiết, khôn ngoan nhưng đầy trí tuệ và đã mang lại thành công…
Sau hơn 3 năm triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD, theo ông ngành NH đã cải thiện những gì?
Đầu tiên, Đề án đã xác định mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động và đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD, nâng cao khả năng cạnh tranh, hoạt động đúng theo quy định của luật pháp... Sau hơn 3 năm thực hiện, tôi thấy với những mục tiêu đặt ra là đã có thành công: đảm bảo hoạt động an toàn; đã hợp nhất, sáp nhập mua lại các NH yếu kém…
Điểm thứ hai, đảm bảo nâng cao chất lượng hoạt động của NH thông qua xử lý nợ xấu, đưa nợ xấu về mức dưới 3%, đạt mục tiêu đề ra. Quá trình xử lý này đã có bước đi thành công, có thể định lượng và nhìn thấy rõ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tiếp tục nâng cao hiệu quả quản trị của hệ thống NHTM, hoạt động theo đúng hiệp ước quốc tế, làm thế nào để trong hệ thống TCTD Việt Nam có những NH nằm trong top NH lớn khu vực châu Á…
Kết quả nêu trên tác động như thế nào đến nền kinh tế và thị trường tài chính - tiền tệ thời gian qua, thưa ông?
Vai trò của hệ thống NH là đáp ứng vốn và thanh khoản cho nền kinh tế. Chức năng thanh khoản hiện nay không những đã đảm bảo tốt lên mà việc đáp ứng nhu cầu vốn đã cải thiện, nhu cầu tín dụng tăng trở lại. Năm nay, tăng trưởng tín dụng có thể đạt 16-17%, phù hợp với mức tăng trưởng kinh tế; và với những điều kiện thuận lợi như hiện nay có thể GDP sẽ tăng 6,5%.
Thanh khoản hiện nay không những đã đảm bảo tốt lên mà việc đáp ứng nhu cầu vốn đã cải thiện, nhu cầu tín dụng tăng trở lại |
Thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD, một trong những giải pháp mà NHNN áp dụng là mua NHTM giá 0 đồng. Ông đánh giá gì về giải pháp này?
Đây là biện pháp mà NH Trung ương các nước đã làm. Ở Việt Nam, trên cơ sở đảm bảo an toàn hệ thống, NHNN đã mua lại một số NHTM bị âm vốn với giá 0 đồng để củng cố kịp thời, tránh đổ vỡ. Đây là giải pháp khôn ngoan, trí tuệ, vừa giải quyết an toàn hệ thống lại vừa tái cơ cấu sâu rộng, toàn diện hơn những NHTM yếu kém, sắp xếp lại bộ máy quản lý của NH đó...
Giải pháp này được đánh giá thành công trên nhiều phương diện. Cụ thể, về phương diện vĩ mô, nó đảm bảo an toàn chung cho cả hệ thống, ngăn chặn tình trạng “đô mi nô” của hệ thống NH. Về góc độ vi mô, dùng biện pháp này giúp thay đổi mô hình quản lý, quản trị; đội ngũ lãnh đạo yếu kém sẽ bị thay đổi, đưa những cán bộ giỏi ở những NHTM có vốn Nhà nước lớn tham gia quản lý điều hành nhằm khắc phục quản trị yếu kém trước đây.
Đảm bảo an toàn chung cho cả hệ thống là hướng đi đúng đắn và kịp thời của NHNN.
Ông có cho rằng, những thành công của việc tái cơ cấu các TCTD hiện nay đã đủ xử lý cục máu đông, giúp dòng vốn được khơi thông, hỗ trợ nền kinh tế?
Vừa rồi, thông qua giải pháp xử lý nợ xấu qua VAMC - một mô hình rất đặc thù, đặc biệt, trí tuệ - đã tách khối nợ xấu ra “bên lề” để tạo lưu thông tiền tệ và lưu thông tín dụng. Tín dụng đã tăng trở lại và tốc độ tín dụng đã ngang với tốc độ tăng của cung tiền mà trước đây luôn có độ doãng, thể hiện lưu thông vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh đã tăng. Đó là dấu hiệu của sự thành công.
Còn xử lý nợ xấu không đạt được kết quả ngay được mà phải nhiều năm, bằng chính nguồn lực DN gây nợ xấu, nên phải cho các NH trích lập dự phòng rủi ro, cần lộ trình cụ thể.
Cũng có ý kiến cho rằng việc VAMC mua nợ chỉ là hành động nhốt nợ... Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Cần đặt nó trong thực tế, thực trạng của Việt Nam - xử lý nợ xấu mà không dùng nguồn lực ngân sách và trong thị trường bất động sản đóng băng trong những năm 2012- 2013. Do đó, việc sử dụng VAMC là giải pháp khôn ngoan và trí tuệ, vì đảm bảo an toàn hệ thống NH và đảm bảo được việc lưu thông vốn hỗ trợ nền kinh tế. Đồng thời, nó cũng đảm bảo nguyên tắc ai gây ra nợ xấu người đó chịu trách nhiệm, thông qua việc phát mãi, tịch biên; cho phá sản, ngừng hoạt động; người cho vay phải trích lập dự phòng rủi ro, hy sinh lợi ích...
Với giải pháp đó, Nhà nước không chịu trách nhiệm thay cho DN, mà người gây hậu quả chịu trách nhiệm. Như vậy sẽ giải quyết được hai mục tiêu, vừa quy trách nhiệm được những người gây ra nợ xấu, vừa đảm bảo vốn cho nền kinh tế. Rõ ràng, đây là giải pháp rất thành công.
Về giải pháp trong thời gian tới, để hệ thống NH Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, hỗ trợ tốt hơn cho phát triển kinh tế thì cần phải làm gì?
Tôi nghĩ quan trọng nhất là phải tôn trọng pháp luật. Hệ thống NH là hoạt động bằng chữ tín, do đó thực hiện đúng quy định của NHNN là yêu cầu tối thiểu mà hoạt động kinh doanh này phải thực thi. Hoạt động tiền tệ không chấp nhận những NHTM vi phạm về pháp luật, nên lãnh đạo NH phải thấm nhuần điều này.
Chữ tín thể hiện đầu tiên là phải tôn trọng luật pháp, thực thi nghiêm túc luật pháp; phải ứng dụng khoa học công nghệ; chú ý nâng cao nguồn nhân lực trong hệ thống NH; thực hiện kiểm tra, giám sát, kiểm soát nội bộ nghiêm ngặt; không kinh doanh kiểu chạy theo phong trào, chạy theo doanh số, chỉ tiêu mà gây áp lực lên chi nhánh hay nhân viên; ưu tiên hàng đầu về chất lượng tín dụng…
Về phía cơ quan quản lý, NHNN cũng cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát để đảm bảo các NH thực thi đúng trách nhiệm của mình. Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp diễn biến của thị trường và hỗ trợ vốn, thanh khoản, tái cấp vốn, tái chiết khấu cho NHTM kịp thời.
Xin cảm ơn ông!
Ông Mai Xuân Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội: Giảm nợ xấu là nỗ lực của ngành NH Trước đây nhiều người chỉ nghĩ nợ xấu là của riêng NH, nhưng gần đây thì mọi người đã hiểu nợ xấu là của nền kinh tế. Từ thay đổi quan điểm nhìn nhận, chúng ta mới tháo gỡ dần được vấn đề xử lý nợ xấu. Việc đưa nợ xấu của nền kinh tế xuống dưới 3% là sự cố gắng và nỗ lực của ngành NH. Song, kết quả đạt được mới là ban đầu, trong điều kiện thị trường bất động sản còn biến động, cầu vẫn yếu, nên việc xử lý nợ xấu dựa trên nguyên tắc giải quyết tài sản đảm bảo hợp lý là một bài toán khó. Trong khi DN trong nước lại vừa “ốm dậy”, lại chủ yếu là DNNVV, nên năng lực mua nợ xấu còn bị hạn chế. Vì vậy, việc mở đường cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua nợ xấu là cần thiết. Chúng ta phải nhìn sang nước Nhật Bản, giai đoạn 1993-1998 là khủng hoảng NH và bất động sản, tôi thấy rằng họ có cách riêng trong giải quyết nợ xấu bằng cách xử lý rất dứt khoát theo cơ chế thị trường. Chính phủ Nhật Bản bỏ tiền ra mua NH yếu kém sắp phá sản. Nhưng vấn đề là Nhật Bản có nguồn lực và vì thế họ mới bỏ tiền ra mua các NH yếu kém, chính phủ trực tiếp bơm vốn vào tái cơ cấu lại, nâng năng lực NH này về chỉ số an toàn. Khi chỉ số chứng khoán của các NH này lên 1,3 thì họ trao lại cho các chủ NH ở mức 1,0. Nguồn vốn ODA mà Chính phủ Nhật Bản cho cả thế giới vay, trong đó có Việt Nam chính là tiền lợi nhuận từ bất động sản và NH sau khi bỏ tiền ra tái cơ cấu, xử lý nợ xấu và trao lại cho thị trường. Tất nhiên, việc xử lý nợ xấu phụ thuộc vào tiềm lực, tình hình mỗi nước và sự nỗ lực của nhà nước. Bài giải với vấn đề xử lý nợ xấu của chúng ta cũng được điều chỉnh khi Nghị định 34 thay thế Nghị định 53, tạo thêm cơ chế mới cho việc xử lý nợ xấu tốt hơn. Vì vậy, NHNN phải làm quyết liệt vì xử lý nợ xấu cần thời gian dài, và để không chỉ xử lý nợ xấu trước mắt đưa xuống dưới 3% mà còn hạn chế nợ xấu phát sinh trong thời gian tới. TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội: Xử lý sở hữu chéo không thể tuyệt đối hóa Sở hữu chéo là chuyện đã xảy ra và sẽ xảy ra trong nền kinh tế thị trường. Vì trong nền kinh tế thị trường, nhà đầu tư được đầu tư vào những lĩnh vực đem lại lợi nhuận cao nhất. Và khi những DN thành lập NH thì họ cũng tiến hành hoạt động tối đa hóa lợi nhuận của họ. Vấn đề là họ làm theo đúng trình tự quy định của nền kinh tế thị trường. Xử lý sở hữu chéo không nên đặt vấn đề ảo tưởng là tuyệt đối hóa, mà chúng ta chỉ chống sở hữu chéo vì lợi ích nhóm, làm hại cho số đông và ảnh hưởng không tốt cho nền kinh tế. Còn những trường hợp sở hữu chéo để hỗ trợ phát triển kinh tế, giúp giảm giá thành đầu vào… thì quá tốt. |