Tăng cường hội nhập vào thị trường lao động
Nhân lực ngành sản xuất trong nền công nghiệp 4.0 | |
CPTPP và thách thức lớn nhìn từ thị trường lao động |
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp chia sẻ, thị trường lao động Việt Nam tiếp tục được phát triển theo hướng hiện đại và định hướng thị trường; khuôn khổ pháp luật, thể chế, chính sách thị trường lao động từng bước được hoàn thiện, chuyển dịch theo hướng tốt hơn.
DN cần tập trung đào tạo và thu hút lao động có trình độ cao |
Hiện số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 40% tại Việt Nam. Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động duy trì ở mức cao là 76%. Chất lượng việc làm, thu nhập của người lao động đều đặn được tăng lên, mức độ phân biệt giữa việc trả công cho lao động nam và nữ cũng được thu hẹp; Số lao động đi làm ở nước ngoài theo hợp đồng lao động cũng dần tăng lên.
Tuy nhiên, cơ cấu lao động của chúng ta còn khá lạc hậu. Về cơ bản, Việt Nam vẫn là thị trường lao động nông thôn, nông nghiệp với chất lượng lao động thấp, phân bổ chưa hợp lý, lao động làm việc trong ngành nghề đơn giản, không đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật.
Trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới, với tác động của cuộc CMCN 4.0, những chính sách về thị trường lao động Việt Nam cần được nhìn nhận và đánh giá lại để có thể sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Tinh thần này được thể hiện rất rõ trong các Nghị quyết của Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; về chính sách tiền lương.
Cùng với đó, bảo hiểm thất nghiệp cần được cải cách để trở thành công cụ quản trị thị trường lao động, thúc đẩy cơ chế đối thoại, thương lượng trong doanh nghiệp về các nội dung thuộc về quan hệ lao động, Thứ trưởng Diệp nhấn mạnh.
Khi tham gia CPTPP, Việt Nam sẽ tạo ra nhiều chỗ làm mới, đồng thời các luồng đầu tư vào Việt Nam cũng sẽ tăng, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động, thu hút nhiều hơn lao động có trình độ cao. Song đồng thời, phân hóa tiền lương sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, đặc biệt giữa các doanh nghiệp FDI, giữa lao động có trình độ cao và trình độ thấp. Điều này đặt ra những thách thức về các chính sách lao động, việc làm, đào tạo nghề…
Thêm nữa, khi gia nhập CPTPP, Việt Nam cũng đặt ra những thách thức cho công đoàn Việt Nam trong việc đổi mới mạnh mẽ để hoạt động có hiệu quả hơn, ông Lê Đình Quảng - Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) bổ sung.
Bà Beatrice Maser, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam nhấn mạnh vào tầm quan trọng của đối thoại xã hội, cải thiện điều kiện làm việc và tăng năng suất, cải thiện đào tạo kỹ năng, đào tạo việc làm hướng tới đáp ứng yêu cầu của quá trình toàn cầu hóa sản xuất, từ đó đóng góp cho tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện. Thụy Sỹ và các đối tác cam kết sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong thời gian tới.
Hiện Thụy Sỹ đã hỗ trợ Việt Nam trong việc cải thiện hiệu quả kinh doanh và điều kiện làm việc thông qua chương trình Better Work (Việc làm tốt hơn) trong ngành dệt may và SCORE (Chương trình Phát triển doanh nghiệp bền vững) trong ngành chế biến gỗ.
Tuy nhiên, Việt Nam cần có những chính sách thị trường lao động hiện đại nhằm liên tục đáp ứng với sự thay đổi về nhu cầu của các ngành công nghiệp và người lao động, cùng với việc cung cấp bảo trợ xã hội cần thiết cho người lao động trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng cùng cuộc CMCN 4.0, TS. Chang-Hee Lee - Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam chia sẻ.