Vì đâu nên nỗi?
Giao dự toán thu, chi năm 2017 của BHXH Việt Nam | |
Cần làm rõ những khuất tất |
Ảnh minh họa |
Tổng cục Thống kê vừa công bố khảo sát về lao động phi chính thức ở nước ta. Cụ thể, lực lượng lao động phi chính thức (làm việc mùa vụ, tự do, ngắn hạn) tăng từ 16,8 triệu người năm 2014 lên 18 triệu người năm 2016 (chiếm 57% tổng số lao động). Đặc biệt, hầu hết lao động phi chính thức không được đóng BHXH (chiếm 97%), đóng bảo hiểm tự nguyện đạt 1,9%.
Trong khi đó, theo Viện Khoa học lao động xã hội, không chỉ lao động tự do, mà nhiều lao động có hợp đồng ngắn hạn trong các DN, các tổ chức chính thức cũng không được đóng BHXH. Nhóm yếu thế chất lượng lao động thấp, làm công việc giản đơn như chế biến, chế tạo, sửa chữa... có thu nhập thấp và không được ký kết hợp đồng để đảm bảo an sinh.
Tình trạng DN không đăng ký BHXH cho người lao động ngay cả đã ký hợp đồng chính thức, dài hạn trong thời gian qua cũng xảy ra khiến nhiều người lo ngại. Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM từng cho biết, trong số 48.000 DN hoạt động tại thành phố có rất nhiều DN vừa và nhỏ, vì nhiều lý do mà chưa đăng ký, khai báo lao động để đóng BHXH và thậm chí là trốn đóng BHXH cho người lao động.
Mặt khác, người lao động không quan tâm đến BHXH vì chưa thấy ích lợi mà chỉ biết mỗi tháng phải mất một ít tiền nên khi DN không tham gia BHXH thì người lao động cũng đồng tình, xem như tiết kiệm được 1 khoản tiền để chi trả cho cuộc sống.
Chính vì điều này, người lao động vô tình tiếp tay cho DN làm sai và gây khó cho chính họ trong trường hợp gặp những tai nạn, bệnh tật bất ngờ. Một số chuyên gia phân tích, nếu công nhân làm việc trên 3 tháng, DN không đóng BHXH, trường hợp xảy ra tai nạn lao động dẫn đến chết người thì chủ DN phải trả 30 tháng lương thực lãnh cho người lao động.
Sau đó phải trả 36 tháng lương cơ bản, kể cả tử tuất cho người lao động (trường hợp tai nạn lao động không do lỗi của người lao động), hoặc trả 12 tháng lương cơ bản (nếu là tai nạn lao động do lỗi người lao động). Đó là chưa kể chi phí điều trị, nằm viện... do người lao động gặp phải, DN cũng phải chi trả.
Không những vậy, khi DN bị phát hiện không đóng BHXH cho người lao động trong khi DN có ký hợp đồng lao động với người lao động thì ngoài việc cơ quan chức năng xử phạt DN, DN còn phải truy đóng BHXH.
Tuy nhiên, mức xử phạt cao nhất cho DN không đóng BHXH cho người lao động cũng chỉ ở mức 30 triệu đồng nếu không đóng cho 501 người lao động trở lên, mức phạt này xem ra vẫn là “chi phí hợp lý” để DN tiếp tục lách và trốn tránh đóng BHXH cho người lao động, hay nói cách khác, mức phạt bằng tiền “khiêm tốn” chưa đủ mạnh để làm cho các DN “sợ” mà đóng BHXH một cách nghiêm túc cho người lao động.
Có lẽ, để giải quyết thực trạng này, các cơ quan chức năng liên quan cần đưa ra những biện pháp, hướng giải quyết cụ thể; đồng thời cả DN lẫn người lao động phải có nhận thức đầy đủ, tích cực về việc tham gia BHXH, BHYT nhằm đảm bảo quyền, lợi ích cho người lao động khi có những sự cố bất ngờ xảy ra!