Vi phạm bản quyền tác phẩm sân khấu: Những hồi chuông báo động
Một đặc điểm chung của tình trạng vi phạm bản quyền trong các tác phẩm là người sử dụng không xin phép (tác giả hoặc Trung tâm được ủy thác giải quyết bản quyền), tự ý dùng tác phẩm và sau đó khi sự việc vỡ lở, bị dư luận lên án mới tỏ ra ăn năn, hối lỗi và nhận lỗi. Nhiều tác phẩm sân khấu bị “ăn cắp bản quyền” làm náo động làng giải trí, tạo ra bức xúc và tốn không ít giấy mực của báo giới thời gian qua.
Tiết mục Mình ơi, Lý son sắt của diễn viên Gia Bảo (bên phải) đã sử dụng nguyên tác phẩm Tía ơi, má dìa của NSƯT Thành Lộc mà không hề xin phép |
Ngược dòng thời gian, NSND Thanh Tòng chia sẻ, trong các chương trình truyền hình giải trí có tên Cùng nhau tỏa sáng phát trên sóng truyền hình, tiết mục Phụng Nghi Đình được dàn dựng cho thí sinh trình diễn đã sử dụng ca từ của tác giả Minh Tơ - Thanh Tòng viết trong kịch bản Liên hườn kế Phụng Nghi Đình do Hãng phim Tây Đô - Đài Truyền hình Cần Thơ sản xuất vào thập niên 1990 nhưng không được ghi tên ở phần tác giả, cũng không hề xin phép tác giả.
Bên cạnh đó, NSND Thanh Tòng cũng buồn phiền cho biết, trong chương trình Gương mặt thân quen, ca sĩ Minh Thuận và một thí sinh khác diễn tiết mục Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ, trong đó, thí sinh đóng vai Phàn Lê Huê đã ca bài của tác giả Minh Tơ sáng tác năm 1958, cũng không xin phép. Tiếp đó, trong chương trình Gương mặt thân quen nhí, tiểu phẩm Phù Đổng Thiên Vương của NSND Thanh Tòng viết riêng cho Đài Truyền hình TP. HCM cũng không xin phép.
Bên cạnh đó, NSND Thanh Tòng còn cho biết, trích đoạn Bao Công vô lò gạch cũng bị nhiều đơn vị, nghệ sĩ tổ chức dàn dựng nhưng không xin phép và trả tiền bản quyền theo quy định của pháp luật. Nhiều tác phẩm, trích đoạn của soạn giả Thế Châu như Bên cầu dệt lụa, Trường tương tư cũng bị một số nghệ sĩ chia ra dựng thành nhiều trích đoạn mang đi diễn khắp nơi nhưng chẳng hề xin phép và trả một đồng tác quyền nào.
Tất cả những sự việc trên đều khiến các tác giả vô cùng bức xúc và đánh giá là hành vi ăn cắp bản quyền công khai, xem nhẹ công sức sáng tạo của các tác giả bao thế hệ đã giữ gìn uy tín, danh dự làm nghề.
Thời gian gần đây, một số vụ việc về vi phạm bản quyền sân khấu vẫn tiếp tục diễn ra và rơi vào những người trẻ tuổi. Tháng 1/2018, diễn viên Gia Bảo cho biết, vở cải lương kinh điển Đời cô Lựu do anh dàn dựng theo bản dựng của NSND Huỳnh Nga sẽ đến với khán giả tại TP.HCM.
Tuy nhiên, đại diện gia đình NSND Huỳnh Nga chia sẻ, suốt thời gian chuẩn bị cũng như tiến hành dựng vở Đời cô Lựu nhưng Gia Bảo không hề đến gia đình để xin phép, trong khi đó NSND Huỳnh Nga vẫn còn tại thế. Ngoài ra, Gia Bảo ghi tên đạo diễn Huỳnh Nga lên poster quảng bá vở cải lương mà không hỏi ý kiến của NSND Huỳnh Nga sẽ làm khán giả hiểu lầm là vở này do chính nghệ sĩ gạo cội trong làng sân khấu Việt đạo diễn, chẳng khác gì “câu” người xem. “Ông nhà tôi vẫn còn sống, sao không nói với gia đình một tiếng” – vợ NSND Huỳnh Nga chia sẻ trong sự buồn rầu lẫn bức xúc.
Sau đó, diễn viên Gia Bảo đã lên tiếng xin lỗi và thanh minh cho hành vi sai trái của mình, tuy nhiên Gia Bảo vẫn không thể lấy lại những gì đã mất bởi anh là người từng nhiều lần ăn cắp bản quyền sân khấu mà không hề xin phép các tác giả.
Trong năm 2017, tại gameshow Sao nối ngôi với chủ đề “Hoán đổi”, diễn viên Gia Bảo đem đến cho khán giả phần trình diễn Mình ơi, Lý son sắt gây cảm động, chạm đến trái tim người xem nhờ câu chuyện về tình cảm vợ chồng. Tuy nhiên, ngay sau đó, nhiều người cảm thấy thất vọng bởi tiết mục của Gia Bảo giống y hệt trích đoạn trong vở diễn Tía ơi, má dìa do NSƯT Thành Lộc thực hiện. Các tác giả chỉ biết thốt lên: “chôm chỉa nguyên xi lời thoại và cả phần âm nhạc để thi gameshow và vở diễn bị sử dụng 100% mà không hề xin phép”.
Ngoài ra, năm qua, chương trình Thử tài siêu nhí phát sóng trên truyền hình có tiết mục cải lương Sóng gió cuộc đời do nghệ sĩ Bình Tinh dàn dựng, kịch bản chuyển thể từ phim Lô tô (đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh). Tại tiết mục Sóng gió cuộc đời đã sử dụng hình ảnh, tên gọi nhân vật cũng như nội dung câu chuyện trong bộ phim điện ảnh Lô tô, thế nhưng người dàn dựng cũng như đơn vị sản xuất chương trình chưa xin phép chủ sở hữu phim Lô tô.
Tới chương trình Cười xuyên Việt 2017, thí sinh Minh Dự cũng từng “mượn” kịch bản Lô tô để dàn dựng tiết mục Lô tô cùng bolero mà cũng không hề có nửa lời xin phép chủ sở hữu tác phẩm. Theo ông Trịnh Mạnh Tín - nhà sản xuất phim Lô tô, việc kịch bản phim Lô tô bị vay mượn, dàn dựng, biến tấu thành phiên bản cải lương để biểu diễn trên sân khấu truyền hình mà không xin phép chủ sở hữu tác phẩm là hành động vi phạm bản quyền rất đáng lên án.
Rõ ràng, thực trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực sân khấu ở nước ta đã và đang diễn ra công khai và... sôi động. Có lẽ, để giảm thiểu và xóa xổ tình trạng này, các tác giả cần phải đăng ký bản quyền cho “đứa con tinh thần” của mình, để khi có “sự cố” xảy ra thì nhờ pháp luật can thiệp, xử lý. Đồng thời, người vay mượn hoặc sử dụng toàn bộ tác phẩm của người khác phải có ý thức, tôn trọng chủ sở hữu tác phẩm chứ không thể “ăn sẵn” và có cách hành xử thiếu văn hóa như đã nói ở trên.