Vi phạm sở hữu trí tuệ: Đấu tranh mạnh, xử lý triệt để
Sở hữu trí tuệ: Người trong cuộc còn thờ ơ | |
Gia tăng vi phạm sở hữu trí tuệ |
Theo đó, từ 16/12/2016 đến 15/01/2017, toàn ngành phát hiện và bắt giữ tổng số 974 vụ việc vi phạm, trị giá ước tính hơn 10 tỷ đồng. Số thu ngân sách đạt 9,272 tỷ đồng. Điều này cho thấy tình trạng hàng giả vẫn đang là vấn đề nổi cộm và tình trạng xâm phạm sở hữu trí tuệ hiện nay vẫn khá phổ biến và ngày càng phức tạp, đòi hỏi phải tiếp tục có những giải pháp mạnh mẽ và có hiệu quả hơn.
Có thể nói, vấn nạn hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn biến rất phức tạp, đa dạng trên nhiều mặt hàng, nhiều lĩnh vực. Việc vi phạm diễn ra hầu hết các loại sản phẩm hàng hóa, dưới dạng sao chép kiểu dáng, các chỉ dẫn địa lý giả mạo, xâm phạm sáng chế, các giải pháp hữu ích, các động thái cạnh tranh không lành mạnh...
Tăng cường kiểm tra, xử lý hàng giả |
Theo Bộ Công Thương, trong năm 2016, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 104.807 vụ vi phạm, tăng 1.061 vụ so với năm 2015; tổng số thu nộp ngân sách 548,9 tỷ đồng, tăng 89,1 tỷ đồng so với năm 2015. Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân làm phát sinh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam bắt nguồn từ nhận thức của người sản xuất. Các đối tượng vi phạm vì lợi nhuận có thể bất chấp làm giả các sản phẩm của các nhãn hiệu nổi tiếng để thu lợi nhuận.
Bên cạnh đó việc thực thi pháp luật đối với hàng giả vẫn còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, năm 2017 ngành quản lý thị trường phải tạo ra phong trào chống hàng giả, hàng lậu. Bởi, tình trạng buôn lậu, hàng giả ngày càng tinh vi hơn, nhất là buôn lậu đường, thuốc lá, phân bón, hóa chất và vi phạm sở hữu trí tuệ.
Trên thực tế, người tiêu dùng Việt Nam cũng đang tiếp tay cho việc hàng giả, hàng nhái và vi phạm sở hữu trí tuệ. Anh Hoàng Trường (Thái Hà, Đống Đa Hà Nội) cho biết, trong quá trình học tập và làm việc, anh thường xuyên tải các phần mềm không có bản quyền sử dụng. Nếu sử dụng các phần mềm có bản quyền thì phải trả một khoản chi phí, trong khi các phần mềm đó có thể được tải miễn phí hoặc đã được bẻ khóa mà vẫn sử dụng thoải mái mà không gặp bất kỳ sự cố nào.
Tương tự cũng đối với các loại đĩa ca nhạc, phần mềm đều được anh mua với giá rất rẻ chỉ từ 10-20 nghìn đồng. Các đĩa đó nếu có bản quyền sẽ đắt gấp nhiều lần. Mặc dù biết việc sử dụng các sản phẩm không có bản quyền là vi phạm pháp luật nhưng hầu như mọi người đều sử dụng mà không gặp bất kỳ trở ngại nào, do đó anh chấp nhận sử dụng các loại sản phẩm không có bản quyền.
Theo thống kê, ngành phần mềm bị vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền nhiều nhất. Không chỉ các cá nhân mà phần lớn các DN cũng đang thường xuyên vi phạm khi sử dụng các phần mềm không có bản quyền trong các hoạt động kinh doanh.
Điều này đang gây khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi sở hữu trí tuệ của các DN phần mềm tại Việt Nam. Không chỉ lĩnh vực phần mềm mà hiện tại việc vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ đang diễn ra ở hầu hết các ngành nghề khác. Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển tài sản trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cho biết, tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đang diễn ra khá phổ biến ở Việt Nam.
Chính người tiêu dùng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nhưng cũng không biết là mình đã vi phạm. Ở tất cả các lĩnh vực đều có hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ như làm hàng giả, hàng nhái hay sử dụng các sản phẩm không có bản quyền. Đây là vấn đề nan giải không chỉ ở Việt Nam mà khá phổ biến trên thế giới.
Hiện nay, tình trạng sao chép bất hợp pháp quyền sở hữu trí tuệ về hàng hóa, dịch vụ rất phổ biến. Đặc biệt thực trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn không ngừng gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho các DN làm ăn chân chính. Các thương hiệu lớn có chỗ đứng trên thị trường thường bị làm giả, làm nhái nhiều hơn vì mức độ tiếp cận người tiêu dùng lớn.
Vì thế các DN luôn phải chú trọng xây dựng thương hiệu bằng nhiều biện pháp như đăng ký sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu hàng hóa, biểu tượng kinh doanh, đăng ký mã số, mã vạch. Bà Đoàn Thị Huệ, Giám đốc Công ty TNHH thương mại sản xuất cà phê Hoàng Trung cho biết, việc đăng ký sở hữu trí tuệ giúp DN được độc quyền sử dụng nhãn hiệu của mình và các tài sản vô hình khác.
Do đó hạn chế hành vi sao chép và vi phạm của các đối thủ cạnh tranh. Việc đăng ký thương hiệu là cách để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong nước và nước ngoài, tạo hành lang pháp lý bảo vệ DN. Sở hữu trí tuệ còn thúc đẩy sự phát triển các sản phẩm của DN trên thị trường với việc sáng tạo, sản xuất ra nhiều loại sản phẩm mới.
Tuy nhiên tình trạng hàng giả, hàng nhái và vi phạm về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam đang diễn ra tràn lan đã ảnh hưởng không nhỏ đến các DN, nhất là các DN uy tín đã xây dựng được thương hiệu trên thị trường. Đã không ít DN rơi vào cảnh lao đao khi mà các sản phẩm của mình đã đăng ký bản quyền nhưng vẫn bị làm giả và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của DN.
Trong bối cảnh hội nhập nền kinh tế quốc tế thì việc thực thi và tuân thủ nghiêm các quy định về sở hữu trí tuệ cần được các DN quan tâm và các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có những biện pháp như quy định về pháp luật, thực thi quản lý và kiểm soát thị trường...
Theo cảnh báo của VCCI, sắp tới đây, DN vi phạm sở hữu trí tuệ sẽ không chỉ bị buộc phải dừng sản xuất kinh doanh sản phẩm vi phạm và bị xử phạt hành chính như trước đây mà còn phải chịu bồi thường mọi thiệt hại mà họ đã gây ra. Hy vọng với những biện pháp mạnh tay của các cơ quan đơn vị chức năng, tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ sẽ bị hạn chế giúp các DN phát triển lành mạnh.