Vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Chỉ ngân hàng nỗ lực là chưa đủ
Phát triển chuỗi: Yêu cầu tất yếu để Việt Nam thành công | |
DNNVV cần tự tìm điểm yếu |
Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ban hành Quyết định số 681/QĐ-TTg về Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030. Đối với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), ngành Ngân hàng được giao chủ trì thực hiện theo lộ trình số lượng DNNVV có dư nợ tại các TCTD đến năm 2020 là 200.000 doanh nghiệp, năm 2025 là 250.000 doanh nghiệp và tới năm 2030 là 300.000 doanh nghiệp.
Thế khó với cấp tín dụng DNNVV
Từ nhiều năm nay, DNNVV là một trong 5 lĩnh vực được ngành Ngân hàng ưu tiên đầu tư tín dụng. Theo đó, ngành Ngân hàng đã có nhiều giải pháp, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho DNNVV trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, thúc đẩy dư nợ tín dụng cho đối tượng này có những chuyển biến tích cực hơn.
Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, ông Nguyễn Quốc Hùng, cho biết: Tính đến ngày 10/6/2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 5,75% so với cuối năm 2018; tín dụng đối với DNNVV tăng 5,04%. Tuy nhiên cũng theo ông Hùng, trong khi bản thân các TCTD đang rất muốn đẩy mạnh cho vay với đối tượng này, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, thì vẫn có nhiều DNNVV “kêu” khó tiếp cận vốn ngân hàng.
Trên thực tế, việc phát triển tín dụng DNNVV mang lại lợi ích cho nền kinh tế nói chung và các NHTM nói riêng, song tín dụng DNNVV cũng tiềm ẩn rủi ro. TS. Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cũng thừa nhận, khả năng tài chính của các doanh nghiệp nhóm này còn hạn chế. Thêm nữa, rất nhiều DNNVV không có tài sản đảm bảo được chứng minh tính hợp pháp, không đủ uy tín vay tín chấp, không có dự án khả thi… thì NHTM khó có thể rót vốn.
Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho rằng, vấn đề ở đây là hai bên phải “gặp nhau”, phải đảm bảo đủ điều kiện: phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, chứng minh được đầu vào, đầu ra, dù có hay không có tài sản đảm bảo. Nếu những điều kiện cơ bản trên mà không đáp ứng được, thì làm sao ngân hàng có thể cho vay!
ThS. Tô Thị Diệu Loan, Phòng Chiến lược & Phân tích Kinh tế, LienVietPostBank chia sẻ thêm: “Quy định về tài sản thế chấp hiệu quả sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và tổn thất cho phía ngân hàng. Các luật và quy định về giao dịch bảo đảm nếu được xây dựng và thực hiện đúng sẽ làm tăng nhu cầu tín dụng bằng cách mở rộng phạm vi nhận tài sản thế chấp tại các ngân hàng…
Sau chính sách Ngành còn cần sự phối hợp
Thực tế, ngành Ngân hàng đã và đang áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp: NHNN đã ban hành Thông tư 45/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018 hướng dẫn các TCTD trong cho vay có bảo lãnh của Quỹ Bảo lãnh tín dụng nhằm tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận vay vốn. Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại nhiều địa phương cũng đã giúp cho nhiều DNNVV đến được với dòng vốn ngân hàng...
Nhưng theo ông Hùng, vẫn rất cần sự vào cuộc, đồng hành quyết liệt hơn của Quỹ Bảo lãnh DNNVV, Quỹ Hỗ trợ DNNVV ở các địa phương... Và để tạo điều kiện cho DNNVV, các quỹ này phải đồng hành cùng với ngân hàng thì mới có thể đẩy mạnh cho vay DNNVV.
NHNN cũng cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp. Chỉ đạo các TCTD bám sát tình hình sản xuất kinh doanh của khách hàng, kịp thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, ổn định và khôi phục sản xuất.
Riêng với NHTM, bà Loan khuyến nghị cần chủ động nâng cấp hệ thống, đầu tư xây dựng nền tảng tài chính kỹ thuật số, sử dụng quy trình xử lý hệ thống tự động để nâng cao khả năng tiếp cận và cung cấp dịch vụ tài chính đến đại đa số DNNVV. Đồng thời, tham gia xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ DNNVV, thực hiện khảo sát độc lập và thường xuyên về nhu cầu tài chính kinh doanh và cung ứng vốn vay đối với DNNVV, từ đó cải thiện quy trình đánh giá hồ sơ khách hàng cũng như các tài liệu khác.
Cũng theo chuyên gia này, các NHTM cần hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế để nâng cấp hệ thống xếp hạng nội bộ, sử dụng mô hình tính điểm rủi ro và ước lượng tỷ lệ vỡ nợ từ các dữ liệu tài chính, phi tài chính làm cơ sở cấp tín dụng cho DNNVV.
Còn với các DNNVV, chuyên gia khẳng định bên cạnh việc tăng cường năng lực tài chính cần chú trọng đầu tư hệ thống quản trị nội bộ hiệu quả, đảm bảo cung cấp số liệu tài chính minh bạch của mình tới các bên liên quan. Chia sẻ thông tin về vấn đề tài chính với ngân hàng ngay khi có phát sinh để cùng tìm phương án giải quyết…
Sau 4 năm NHNN triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, đã có gần 195 nghìn doanh nghiệp được tháo gỡ khó khăn với tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay mới đạt 2,5 triệu tỷ đồng. Chỉ riêng trong năm 2018, đã có trên 420 cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp được tổ chức trên toàn quốc. Qua chương trình, các ngân hàng đã cam kết cho vay mới hơn 800.000 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân gần 900.000 tỷ đồng cho trên 50.000 doanh nghiệp và một số đối tượng khác; thực hiện gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất cho gần 60.000 tỷ đồng đối với các khoản vay cũ cho gần 3.300 doanh nghiệp và một số đối tượng khách hàng khác. |