DNNVV cần tự tìm điểm yếu
Chiến lược mới cho doanh nghiệp quy mô vừa | |
Ngân hàng tích cực “may đo” sản phẩm cho DNNVV |
DNNVV Việt Nam đang phải đối diện với 3 rào cản lớn cho sự tăng trưởng là nhân sự, thuế và tiếp cận nguồn vốn |
Tại tọa đàm “Kinh doanh thời nay - Khó khăn và giải pháp dành cho các DNNVV” vừa diễn ra, ông Lê Văn Khương - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV phía Bắc nhận định, trong môi trường kinh doanh đầy biến động hiện nay, DNNVV gặp rất nhiều khó khăn bởi đặc điểm quy mô nhỏ của mình. Bên cạnh đó, mỗi DN còn gặp những vấn đề nội tại, khó khăn riêng và rất khác nhau. Việc nhận diện đúng thời cuộc và xác định chính xác những yếu điểm hay khó khăn nội tại của DN là điều không dễ dàng, đặc biệt trong môi trường kinh doanh nhiều biến động, phức tạp và áp lực.
Các DN đã bày tỏ những vấn đề vướng mắc như thực hiện báo cáo thuế và tính minh bạch trong tài chính kế toán tại DN; quản trị nhân sự tại DN làm sao đạt hiệu quả; giải pháp xây dựng thương hiệu cá nhân hay thương hiệu sản phẩm cần được chú trọng hơn; cần làm gì để tổ chức hệ thống nhân sự được chuyên nghiệp và hiệu quả…
Ở tầm vĩ mô, Báo cáo Năng suất và cạnh tranh của các DN Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc UNDP thực hiện, vừa được công bố mới đây cho thấy, năng suất của nền kinh tế Việt Nam được cho là thấp, tính đổi mới sáng tạo và khả năng cạnh tranh chưa cao và các DN Việt Nam chưa tạo được lợi thế so sánh cần thiết.
Trong một số chỉ tiêu như tỷ lệ giá trị gia tăng trên giá trị đầu ra hoặc doanh thu, Việt Nam vượt trội so với Ấn Độ và Bangladesh. Tuy nhiên, trong các chỉ số hiệu suất công nghiệp chế biến, chế tạo khác, đặc biệt là năng suất lao động, Việt Nam tụt lại sau các nước so sánh. Năng suất lao động ngành chế biến chế tạo của Việt Nam vẫn chỉ bằng khoảng 1/4 năng suất lao động của Trung Quốc và Malaysia; 1/3 của Indonesia và Philippines; 1/2 của Ấn Độ và Thái Lan và chỉ bằng khoảng 7% của Nhật Bản và Hàn Quốc vào năm 2015.
Trong khi đó, một khảo sát của Hiệp hội kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) cho thấy, các DNNVV Việt Nam đang phải đối diện với 3 rào cản lớn cho sự tăng trưởng là nhân sự, thuế và tiếp cận nguồn vốn.
Ông Sharath Martin - Chuyên gia Tư vấn chính sách ACCA Khu vực ASEAN, Úc và New Zealand cho biết thêm, khi được hỏi về ưu tiên kinh doanh trong 3 năm tới, 53% DN Việt Nam cho biết sẽ tập trung vào vấn đề bán hàng và marketing, tương đương với con số trung bình của thế giới và khu vực ASEAN.
Tuy nhiên đáng lo ngại là chỉ có 26% DN cho biết sẽ tập trung vào ứng dụng công nghệ, thấp hơn so với con số tương ứng của thế giới là 40% và khu vực ASEAN là 32%. Ngoài ra, 31% DN cho biết sẽ tập trung vào đào tạo, phát triển kỹ năng người lao động; 34% DN phát triển sản phẩm, dịch vụ mới; 24% DN phát triển thương mại điện tử.
Cho rằng vấn đề khó khăn mà mỗi DN phải đối mặt là khác nhau, các chuyên gia khuyến nghị DN cần tìm tới trao đổi cùng các công ty tư vấn giàu kinh nghiệm để xác định được vấn đề của mình. Từ đó, có định hướng giải quyết một cách triệt để thông qua các hoạt động hỗ trợ tư vấn hay đào tạo nguồn nhân lực trong thời gian tới. Đó cũng là điểm mấu chốt giúp tối ưu nguồn lực để phát triển bền vững.
Trước những vấn đề nội tại của khối DNNVV Việt Nam, các chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế đã đề xuất những việc cần làm ngay để mở rộng quy mô. Theo đó, lãnh đạo DN phải xây dựng văn hoá tăng trưởng với lộ trình rõ ràng; thiết lập khung quản trị để giúp xây dựng khả năng phát triển bền vững và phục hồi DN; tiếp tục phát triển đội ngũ quản lý song hành cùng với phát triển kinh doanh; áp dụng các công nghệ mới và sử dụng đúng dữ liệu; xây dựng một mạng lưới nguồn vốn bên ngoài…