Vốn tín dụng chính sách đẩy lùi tệ cho vay nặng lãi, giảm thiểu bất ổn xã hội
Hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã khắc phục hạn chế của chính sách hỗ trợ cho không, tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức của người nghèo từ mặc cảm, tự ti, ỷ lại, sợ vay vốn, không biết cách sử dụng vốn đến có ý chí làm ăn, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Vốn tín dụng chính sách góp phần đẩy lùi tệ nạn cho vay nặng lãi, giảm thiểu bất ổn xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Thời gian tới, tôi đề nghị cán bộ làm tín dụng, hệ thống làm tín dụng chính sách phải gần dân, sát dân hơn, phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để đáp ứng tốt hơn, phù hợp hơn với nhu cầu của người vay vốn. NHCSXH cần tiếp tục phát triển theo hướng ổn định, bền vững, bảo đảm thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội, đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bên cạnh việc cho vay phải coi trọng chất lượng tín dụng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại; đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, tạo thuận lợi nhất để người nghèo, đối tượng chính sách tiếp cận vốn tín dụng NHCSXH. NHCSXH phải kịp thời xem xét, giải quyết các đề xuất, kiến nghị một cách chủ động.
Với các bộ, ngành cần chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tăng cường nguồn lực, thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. Lần đầu tiên Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội ghi kế hoạch trung hạn cho NHCSXH là 21.000 tỷ đồng trong 5 năm. Bởi Chính phủ quan niệm rằng đầu tư cho NHCSXH, cho người nghèo là đầu tư cho phát triển.
Yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu đề xuất, kiến nghị của các địa phương, kịp thời trình cấp có thẩm quyền để điều chỉnh chính sách tín dụng, đối tượng, mức cho vay, bảo đảm phù hợp với thực tế, khả năng của ngân sách Nhà nước, đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn tín dụng của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Vai trò của xã hội hóa nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội rất quan trọng nên tôi đề nghị các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước… ủy thác vốn, đóng góp vốn tự nguyện, không hoàn lại thông qua NHCSXH để chung tay tạo lập nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống.
Cùng với đó, các địa phương cần quan tâm bố trí vốn ủy thác sang NHCSXH, hỗ trợ cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH.