Xăng, điện ‘tập kích’ CPI tháng 4/2019
Không thể chủ quan với lạm phát | |
CPI tháng 3 giảm 0,21%: Điện ‘né vùng trũng' | |
Giá điện tăng 8,36%, CPI vẫn nằm trong vòng kiểm soát |
Cụ thể, CPI tháng 4/2019 tăng 0,31% so với tháng trước, mức cao nhất của CPI tháng 4 so với tháng 3 trong vòng 3 năm trở lại đây.
Thông thường, quy luật diễn biến của chỉ số giá tiêu dùng tháng này so với tháng trước là giảm vào tháng 3, do tác động giảm giá nhiều mặt hàng sau Tết Nguyên đán, sau đó tăng trở lại trong tháng 4. Nó cho thấy việc chọn kỳ tính giá tháng này để tăng giá điện là chưa thật sự phù hợp, vì kết hợp với nguyên nhân chu kỳ tăng giá thì việc làm này có thể đẩy CPI tăng cao và ảnh hưởng lạm phát kỳ vọng.
Tuy nhiên, do giá thịt lợn giảm, mà đây là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong rổ hàng hóa tính CPI, đồng thời do điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt nên vẫn giữ vững được sự ổn định tương đối của mặt bằng giá chung.
“Diễn biến của dịch tả lợn châu Phi tác động đến tâm lý người tiêu dùng và việc kiên định chính sách tiền tệ linh hoạt giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ góp phần kiềm chế lạm phát”, Tổng cục Thống kê nhận xét.
Theo đó, CPI bình quân 4 tháng chỉ tăng lên mức 2,71%, từ 2,63% trong quý I. Đây là mức tăng bình quân 4 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm gần đây (tốc độ tăng CPI bình quân 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước các năm 2017-2019 lần lượt là 4,8%, 2,8% và 2,71%).
Đi vào chi tiết, tháng này có tới 9/11 nhóm hàng hóa, dich vụ có chỉ số giá tăng. Trong đó, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất 4,29%, chủ yếu do ảnh hưởng từ đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 2/4/2019, tác động làm CPI chung tăng tới 0,41%.
Trong kho đó, nhóm nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng tăng 0,6% chủ yếu giá điện bình quân được điều chỉnh tăng 8,36% từ ngày 20/3/2019, khiến chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 1,85% so với tháng trước.
“Việc tăng giá xăng dầu, giá điện có ảnh hưởng trực tiếp đến tăng chỉ số giá tiêu dùng trong tháng”, Tổng cục Thống kê cho biết.
Bên cạnh đó, tháng 4/2019 cũng ghi nhận nhiều hàng hóa, dịch vụ tăng giá, như: giá vé tàu hỏa tăng 2,76% do nhu cầu đi lại vào dịp nghỉ lễ Giỗ tổ và nghỉ lễ 30/4-1/5; giá gas tăng 1,42%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,98%; giáo dục tăng 0,05% do chỉ số giá nhóm sách giáo khoa tăng 0,76%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%...
Nhưng ở chiều ngược lại, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm bưu chính viễn thông đều giảm. Trong đó, đáng chú ý là hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm tới 0,57%, trong đó lương thực giảm 0,39% chủ yếu do giá gạo xuất khẩu giảm; thực phẩm giảm 0,87% do giá hầu hết các mặt hàng trong nhóm giảm.
Cụ thể, giá thịt lợn giảm 3,07% so với tháng trước do người tiêu dùng còn e ngại dịch tả lợn châu Phi, chuyển sang dùng các loại thực phẩm khác thay thế; giá thủy sản tươi sống giảm 0,18%; giá trứng gia cầm các loại giảm 1,33%; giá rau tươi giảm 0,93% và giá một số loại hoa quả tươi, chế biến giảm; riêng giá thịt bò tăng 0,12%; giá thịt gà tăng 0,48%; giá thịt gia cầm khác tăng 1,35%.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng rất cao trong rổ hàng hóa tính CPI, vì vậy tác động giảm của nhóm này lên chỉ số giá chung là lớn. Đây chính là nhóm có tác động kiềm chế ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu và điện trong tháng này.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 4/2019 tăng 0,09% so với tháng trước và tăng 1,88% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm nay tăng 1,84% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.
Các mức tăng trên cho thấy sự linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, nhằm giữ ổn định thị trường giá cả.
Chỉ số giá vàng tháng 4/2019 giảm 0,5% so với tháng trước; tăng 2,78% so với tháng 12/2018; và giảm 1,27% so với cùng kỳ năm 2018. Chỉ số giá USD tháng 4/2019 giảm 0,02% so với tháng trước; giảm 0,46% so với tháng 12/2018; và tăng 1,89% so với cùng kỳ năm 2018.