Xây dựng thành phố thông minh
Viettel triển khai xây dựng đô thị thông minh tại Phú Thọ | |
Giải pháp cho công trình xanh, thông minh |
Ngay sau lời kêu gọi của lãnh đạo TP. HCM, hàng loạt DN đã chủ động đề xuất giải pháp và hầu hết đơn vị đều tự tin khẳng định “có đủ năng lực triển khai”. Hàng loạt giải pháp đã được các DN hiến kế, từ giao thông thông minh, giáo dục thông minh đến kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn… trong đó nhận được đóng góp nhiều nhất là lĩnh vực giao thông thông minh, quản lý hạ tầng và số hóa dữ liệu.
Ngay sau lời kêu gọi của lãnh đạo TP HCM, hàng loạt DN đã chủ động đề xuất giải pháp xây dựng thành phố thông minh |
Ông Huỳnh Ngọc Tấn - Giám đốc Giải pháp DN Công ty CMC SISG nêu thực trạng các mô hình thành phố thông minh đều cần kho dữ liệu tập trung, và thực tế cho thấy cơ sở dữ liệu về thông tin môi trường, hồ sơ hộ tịch, dân cư... hiện được lưu trữ dạng giấy rất nhiều, và đây là cái khó để triển khai tin học hóa, thành phố thông minh.
Vấn đề này được ông Nhữ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty công nghệ FSI đưa ra giải pháp đề xuất đó là số hóa cơ sở dữ liệu từ hồ sơ giấy thành hồ sơ điện tử bằng công nghệ OCA. “Hiện nay, cơ sở dữ liệu về thông tin môi trường, hồ sơ hộ tịch, dân cư... lưu trữ dạng giấy rất nhiều nên DN sẵn sàng cung cấp giải pháp số hóa các dữ liệu này”, ông Hùng cho biết.
Cụ thể hơn, ông Phí Anh Tuấn - Giám đốc Công ty P.A.T đề xuất số hóa toàn bộ các khâu thu gom - vận chuyển và phân tích rác. “Hiện chỉ có Công ty công ích quận 1 áp dụng công nghệ thông tin để vận hành, còn các nơi khác không có các phân tích vĩ mô về quản lý rác thải. Chúng ta cần hình thành cơ sở dữ liệu về nguồn rác, quản lý đội ngũ và công cụ thu gom, số hóa quá trình vận chuyển để điều phối đội xe cho tối ưu, phần nào tránh được tắc đường khi vận hành”, ông Tuấn đề xuất.
Gỡ rối cho vấn đề giải quyết giao thông hiện nay, đại diện Công ty VNIT Alliance đề xuất ứng dụng công nghệ máy bay không người lái (Drone) khi TP. HCM là thành phố thông minh. VNIT Alliance đưa ra mô hình “Internet của vạn vật trong thành phố thông minh” với hệ thống cảm biến lưu lượng xe, giám sát nước và nước thải, giám sát chất lượng cầu đường có sử dụng Drone, cảm biến quản lý rác thải, xe tự lái, chống cháy thông minh, giám sát năng lượng, quản lý giao thông công cộng…
Theo đại diện VNIT Alliance, Canada đã ứng dụng công nghệ Drone trong điều tra tai nạn giao thông. Nhờ sử dụng máy bay không người lái UAV, lực lượng cảnh sát nước này đã giảm thời gian xác định địa điểm xảy ra tai nạn giao thông từ 1-2 giờ xuống còn 15 phút.
Ông Trần Vĩnh Tuyến cho rằng hiện nay vấn đề số hóa cơ sở dữ liệu chỉ có một số quận trên địa bàn thành phố thực hiện. Chính vì vậy, ông Tuyến yêu cầu Sở thông tin và Truyền thông phải mời gọi, hợp tác với các DN công nghệ trong nước triển khai thực hiện ngay để tất cả các quận, huyện thành phố phải có cơ sở dữ liệu điện tử.
“Vấn đề quản lý sức khỏe của một thành phố với số dân 8,3 triệu người nhưng thực chất hiện diện 13 triệu người thì cũng cần phải có công nghệ khám sức khỏe điện tử, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cần có công nghệ để quản lý… thậm chí Sở Du lịch cũng cần có công nghệ thông minh để quản lý. Đề nghị các sở, ban, ngành có ý kiến đặt hàng đối với các DN. Thành phố đang muốn phát triển thị trường bán lẻ, hai DN nội lớn của thành phố hiện có là Satra và Sài Gòn Co.op. Ngoài nhiệm vụ chiếm lĩnh thị trường, mở rộng mạng lưới thì việc giao hàng rất quan trọng. Tôi đang quan tâm đến công nghệ máy bay không người lái để giao hàng”, ông Tuyến gợi ý.
Với chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh đề xuất các DN hợp tác cùng nhau để xây dựng giải pháp bệnh án điện tử. Cũng vậy, ông Phạm Thiết Hòa - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) nêu ý định lập chợ thông minh. “Một đô thị thông minh thì phải có cái chợ về công nghệ thông tin. Trong cái chợ này phải có sàn giao dịch công nghệ thông tin để các công ty có thể biểu diễn, trình diễn các ý tưởng với nhau” ông Hòa đặt hàng.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP. HCM thì cho rằng, chính quyền thành phố phải có vai trò thuyền trưởng, để có quy chuẩn rõ ràng từ kiến trúc đến các chuẩn giao tiếp, dữ liệu. Nhà nước phải công bố rõ những “chuẩn” này để các DN, hiệp hội tham gia.
Phản hồi các đề xuất, ông Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu Sở Thông tin - Truyền thông thành phố sớm hối thúc các quận huyện hoàn tất việc số hóa thông tin về dân cư, đất đai ngay trong năm nay và chủ động mời tham gia cung ứng giải pháp chứ không phải chờ DN tiếp thị.
“Các cơ quan Nhà nước phải hợp tác chặt chẽ với các DN trong nước, cung cấp các giải pháp công nghệ để giải quyết các vấn đề bức xúc của thành phố như vấn đề quản lý sức khỏe người dân, vấn đề giao thông, vấn đề rác thải, vấn đề số hóa dữ liệu…”, ông Tuyến khẳng định.