Xuất khẩu gặp khó, nông dân điêu đứng
Nguồn nguyên liệu làm trì trệ xuất khẩu | |
Hệ lụy từ cây sắn |
Quá phụ thuộc vào thị trường
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình xuất khẩu sắn từ đầu năm 2016 đến nay đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, khối lượng sắn cùng các sản phẩm từ sắn xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm ước đạt 2,6 triệu tấn trị giá 700 triệu đô la Mỹ, giảm 14,5% về lượng và giảm 25,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chính khi chiếm tới hơn 85% thị phần.
Cả DN lẫn người trồng sắn đang gặp khó |
Việc xuất khẩu sắn của các DN trong nước quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đã từng được nhiều lần cảnh báo. Thực tế, với việc thị trường này giảm nhập khẩu sắn của Việt Nam rất mạnh đã đẩy các DN, đặc biệt là người trồng sắn vào thế khó.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, đến nay kim ngạch xuất khẩu sắn của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đã giảm 20% về khối lượng và hơn 31% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Thời gian gần đây, thị trường này gần như hoàn toàn đóng cửa việc nhập khẩu sắn từ Việt Nam theo đường tiểu ngạch.
Điều đáng nói, thay vì Việt Nam, gần đây Trung Quốc lại chủ yếu nhập khẩu sắn từ Thái Lan, một trong những đối thủ từ lâu nay của các DN chế biến, xuất khẩu sắn ở trong nước.
Theo đại diện Hiệp hội sắn Việt Nam, những năm gần đây Trung Quốc luôn là thị trường xuất khẩu tinh bột sắn chủ yếu của Việt Nam, khi chiếm đến hơn 85% thị phần. Còn đối với sắn lát, thị trường chủ lực là Hàn Quốc. Tuy nhiên, từ đầu năm 2016 thị trường này cũng chuyển sang nhập khẩu từ Thái Lan, lên đến 800 nghìn tấn, còn các DN Việt Nam chỉ xuất sang thị trường này được khoảng 135 nghìn tấn…
Vấn đề càng nan giải hơn khi 6 tháng đầu năm 2016, Hàn Quốc dừng nhập khẩu sắn của Việt Nam vì họ cho rằng sản phẩm sắn lát của Việt Nam có nhiễm chì. Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, địa bàn trồng sắn chủ lực của cả nước, Hiệp hội Sắn Việt Nam đã cùng với các cơ quan chức năng kiểm tra toàn bộ quy trình từ trồng, chế biến sắn tại một số địa phương và chứng minh rằng sắn không bị nhiễm chì. Tuy kết quả đã được công bố, song thị trường Hàn Quốc đến nay gần như vẫn nói “không” với các mặt hàng sắn xuất khẩu từ Việt Nam.
Người trồng điêu đứng
Xuất khẩu gặp khó, các DN chế biến, xuất khẩu, đặc biệt là người trồng sắn trong cả nước đang đứng trước nhiều khó khăn. Tại khu vực miền Trung đặc biệt ở các tỉnh có diện tích trồng sắn tương đối lớn như Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, hay Quảng Trị nhiều hộ trồng sắn loay hoay tìm cách khắc phục, thậm chí có nhiều nơi nông dân đã bỏ mặc sắn ngoài đồng, bởi nếu thu hoạch còn tốn thêm chi phí trong khi giá thu mua sắn trên thị trường đã giảm rất sâu…
Đơn cử, như tại Quảng Nam, với giá bán khoảng 500 nghìn đồng/tấn, so với các vụ trước, đã giảm 3 lần, nhiều người dân chưa thu hoạch để chờ giá lên. Trước việc giá thu mua sắn tươi từ các thương lái quá rẻ, một số hộ dân đã phơi khô để bán, vì 1 tấn sắn khô được mua với giá 3,5 triệu đồng. Phơi 3 tấn sắn tươi được 1 tấn sắn khô. Song, nếu làm theo phương án này người dân địa phương cũng phải gánh chịu những rủi ro, bởi dễ bị mốc, không bán được.
Được biết, toàn tỉnh Quảng Nam có 12.000 ha sắn, đã vượt quy hoạch của chính quyền địa phương. Ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho rằng, giá tinh bột sắn thế giới giảm đã tác động đến giá sắn trong nước, gây ra nhiều khó khăn cho bà con nông dân.
Tương tự, tại Thừa Thiên - Huế, hiện địa phương này cũng đang có khoảng 7.000 ha trồng sắn ở nhiều nơi. Các DN và nông dân trồng sắn cũng đang gặp muôn vàn khó khăn.
Có thể khẳng định, sắn là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Song, có một thực tế cho đến nay việc quy hoạch, xây dựng chiến lược phát triển bền vững cây sắn vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Điều này, trực tiếp gây ra những khó khăn cho các DN lẫn người trồng sắn, đặc biệt vào những thời điểm thị trường nhập khẩu lại “trở chứng” như hiện nay.