Nguồn nguyên liệu làm trì trệ xuất khẩu
Nhập siêu 520 triệu USD trong nửa đầu tháng 10 | |
Xuất khẩu trước áp lực phòng vệ thương mại |
Sản lượng giảm, giá điều tăng
Theo số liệu của cơ quan chức năng, sản lượng điều trong nước năm 2015 - 2016 giảm mạnh, chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN). Ước tính, sản lượng điều của Việt Nam chỉ đạt gần 400 nghìn tấn, giảm hơn 30% so với vụ điều năm trước.
Trong khi, công suất chế biến của hơn 300 DN chế biến, xuất khẩu điều trên cả nước đạt 1,2 triệu tấn. Sản lượng giảm, nên giá điều thô trong nước đang có dấu hiệu tăng. Vào thời điểm đầu năm 2016, điều thô được các đại lý mua với giá khoảng 36 nghìn đồng/kg, đến nay tăng đạt mức xấp xỉ 50 nghìn đồng/kg vào cuối tháng 9/2016, đây là mức giá cao nhất từ nhiều năm trở lại đây.
Xuất khẩu điều đang gặp khó do thiếu nguyên liệu |
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), giá điều thô tăng cao chủ yếu do diện tích giảm cùng với hạn hán xảy ra nghiêm trọng khiến năng suất, sản lượng điều giảm mạnh. Diện tích trồng điều giảm mạnh do ở nhiều địa phương người nông dân đã quay lưng lại với cây điều. Cùng với cao su, hồ tiêu, cà phê thì điều cũng là một loại cây trồng công nghiệp chiến lược của Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu việc xuất khẩu hồ tiêu hay cà phê đang tương đối ổn định thì đối với hạt điều lại luôn trồi sụt do giá nguyên liệu hay “nhảy múa”. Những năm gần đây, giá điều trên thị trường luôn sụt giảm, khiến nhiều người không còn mặn mà với cây trồng này nữa.
Thậm chí, khi giá trên thị trường xuống thấp ở mức 10 đến 15 nghìn đồng/kg, nhiều nông dân ở Tây Nguyên hay khu vực Nam Trung bộ đã chặt bỏ điều để trồng những cây công nghiệp có giá trị cao hơn. Tại Tây Nguyên, từng là “thủ phủ” của cây điều hiện cả khu vực chỉ còn khoảng 75 nghìn ha trồng điều.
Tuy nhiên năm nay, khi điều thô đạt mức giá kỷ lục mức 50 nghìn đồng/kg đã khiến nhiều người trồng điều nuối tiếc. Ông K’ Bang ở xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) cho biết, gia đình trồng 1,2 ha điều, năng suất đạt khoảng 1,5 tấn cho thu nhập ổn định.
Những năm gần đây, cây điều bắt đầu nhiễm bệnh, sâu mọt đục khoét, cây chết dần, giá cả bấp bênh, gia đình quyết định chặt hơn nữa vườn chuyển sang trồng hoa màu. Năm nay giá điều bỗng dưng cao chót vót khiến gia đình ông vừa mừng vừa tiếc.
Căng thẳng ở thị trường xuất khẩu
Nguyên liệu trong nước thiếu, buộc các DN phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu điều. Thực tế, từ lâu nhiều DN đã chuyển hướng đi tìm nguyên liệu từ thị trường châu Phi. Tuy nhiên, tình hình cũng không mấy khả quan khi khu vực này vẫn đang chịu hạn hán nặng nề và có thể tác động tới sản xuất năm 2017…
9 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã nhập 808 nghìn tấn điều thô, giá trị ước đạt 1,2 tỷ USD, tăng 8% về lượng, 28% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Ước tính, cả năm 2016 các DN sẽ phải nhập khẩu khoảng 870 nghìn tấn điều thô. Thế nhưng, việc nhập khẩu điều nguyên liệu từ nước ngoài của các DN trong nước cũng không hề đơn giản.
Theo ông Trần Vĩnh Long, giám đốc CTCP Xuất khẩu nông sản Ninh Thuận, để bù đắp vào nguồn nguyên liệu thiếu hụt từ trong nước, DN đang phải nhập khẩu hạt điều từ các nước châu Phi như, Bờ Biển Ngà, Nigeria, Ghana… Hiện, ở thị trường châu Phi, việc cạnh tranh mua nguyên liệu giữa các DN Việt Nam với DN chế biến, xuất khẩu điều của Trung Quốc, Ấn Độ đang ngày càng gay gắt, quyết liệt hơn.
Ngoài việc, phải cạnh tranh với các “đối thủ” nước ngoài, thời gian gần đây một số DN từ trong nước cũng đã sang tận châu Phi để thu gom hạt điều, rồi bán lại cho các DN. Điều này đã dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán nguồn nguyên liệu hạt điều ngay từ châu Phi. Việc cạnh tranh không lành mạnh ngay từ khâu nguyên liệu đã khiến, chất lượng sản phẩm xuất khẩu không đồng đều.
Đã có thời điểm, Vinacas đã phải lên tiếng khuyến cáo các đối tác nước ngoài, nên mua hàng của những DN có thương hiệu, uy tín trên thị trường, bảo đảm các điều kiện đặc biệt về vệ sinh thực phẩm.
Đặc biệt hiện tại, nhiều nước khu vực châu Phi cũng đang rất muốn sở hữu công nghệ chế biến điều của Việt Nam. Nếu không chặn đứng tình trạng buôn bán công nghệ ra nước ngoài, chỉ một thời gian ngắn nữa khi các nước xuất khẩu điều thô hiện nay ở châu Phi làm chủ được công nghệ chế biến, xuất khẩu hạt điều, tình trạng thiếu nguyên liệu của các DN trong nước thêm trầm trọng.
Không chủ động được nguồn nguyên liệu, về lâu dài nếu không có một chính sách phát triển bền vững, ngành điều sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Theo nhiều chuyên gia, để ngành điều phát triển bền vững, các địa phương có thời tiết, đất đai phù hợp với cây điều như, Bình Phước hay tại Đắk Lắk, Gia Lai hay Đắk Nông cần có quy hoạch cụ thể cho mỗi vùng trồng điều.
Từ đó, kết hợp chặt chẽ với DN để hỗ trợ nông dân áp dụng kỹ thuật thâm canh, nâng cao năng suất, tránh điệp khúc trồng, chặt. Về phía các DN chế biến, xuất khẩu điều cũng cần nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, từ đó hướng tới chế biến sâu nhằm mang lại giá trị gia tăng cao hơn, thay vì chủ yếu là sơ chế rồi xuất khẩu như hiện nay. Ngoài ra, cũng cần phát huy hơn nữa vai trò của Vinacas, hỗ trợ DN điều tiết ổn định được nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như thị trường xuất khẩu.