Xuất nhập khẩu 2018 về đích ngoạn mục: ‘Soi’ nhân tố đòn bẩy
Thành tựu vươn từ nền thách thức
Ngoại thương Việt Nam trải qua năm 2018 với rất nhiều thách thức. Những cuộc “so găng” giữa các nước lớn, đặc biệt là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung liên tục leo thang; xu hướng bảo hộ gia tăng trong đó rất nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam bị “vào tầm ngắm”, từ thép đến đồ gỗ, thủy sản... Dự báo về thương mại toàn cầu liên tục được các tổ chức quốc tế uy tín đưa ra với những viễn cảnh kém tươi sáng.
Tuy nhiên, chúng ta đã có một năm khá thành công về xuất khẩu. Năm 2018, tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của cả nước ước đạt 244,7 tỷ USD, tăng 13,8% (26,9 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2017 (cơ quan thống kê tính toán, nếu loại trừ yếu tố giá thì kim ngạch xuất khẩu năm 2018 tăng 12,7%, tương đương tăng 27,4 tỷ USD, so với năm 2017).
Cho dù một số mặt hàng nông sản như chè, hạt tiêu, điều, cao su, sắn hay khoáng sản như dầu thô sụt giảm mạnh kim ngạch trong năm nay, các mặt hàng chủ lực khác như dệt may, giày dép, điện thoại các loại và linh kiện, điện tử máy tính và linh kiện… vẫn đủ sức nâng xuất khẩu. Năm 2018 ghi nhận 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 91,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; trong đó có 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 58,32%.
Ở phía nhập khẩu, năm 2018 ước tính nhập khẩu 237,5 tỷ USD, tăng 11,5% (24,5 tỷ USD) so với năm 2017 (nếu loại trừ yếu tố giá kim ngạch nhập khẩu năm 2018 chỉ đạt 233,3 tỷ USD và tăng 9,5%, tương ứng tăng 20,3 tỷ USD, so với năm 2017).
Tân dược, ô tô, thuốc trừ sâu, phân bón, điện thoại và linh kiện… là những mặt hàng giảm kim ngạch nhập khẩu trong năm nay. Tuy nhiên, năm 2018 vẫn có tới 36 mặt hàng đạt kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,4% tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng thêm 5 mặt hàng so với năm 2017.
Nhìn lại hoạt động xuất nhập khẩu cả năm 2018, chúng ta có tới 9 tháng xuất siêu và chỉ có 3 tháng nhập siêu. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2018 ước tính thặng dư 7,2 tỷ USD, cao hơn khá nhiều so với mức 2,1 tỷ USD của năm 2017 và đây cũng là kỷ lục mới kể từ trước đến nay.
Kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tiến lên một mức cao mới, với bình quân mỗi tháng trong năm 2018 xuất khẩu đạt kim ngạch gần 20,4 tỷ USD và nhập khẩu xấp xỉ 19,8 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm nay gấp gần 4,3 lần năm 2009 còn nhập khẩu gấp khoảng 3,4 lần. Cán cân thương mại thặng dư ở thế khá vững chắc.
Những nhân tố đột biến
Nhân tố thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, tăng xuất siêu có thể nhìn thấy ở cơ cấu nhập khẩu thay đổi đáng chú ý trong năm 2018.
Năm qua, tỷ trọng nhóm hàng tư liệu sản xuất đã tăng khoảng 0,4 điểm phần trăm so với năm 2017, lên mức 91,4% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong khi đó, vật phẩm tiêu dùng diễn biến theo chiều ngược lại, từ tỷ trọng 9% tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2017 xuống còn 8,6% trong năm nay.
Với nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào nhập khẩu, nhập khẩu để xuất khẩu, chuyển dịch trên cho thấy mấy xu hướng tích cực: năng lực sản xuất trong nước tăng lên đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng làm nhập khẩu tư liệu sản xuất tăng theo; hàng Việt đang dần thay thế được hàng nhập khẩu khi đẩy tỷ trọng vật phẩm tiêu dùng giảm xuống.
Tuy nhiên, điều tương tự không thấy có ở diễn biến xuất nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài - khối doanh nghiệp đóng góp lớn nhất vào kim ngạch xuất nhập khẩu. Mặc dù xuất siêu năm nay hoàn toàn thuộc về khu vực FDI với 32,8 tỷ USD, trong khi khu vực trong nước nhập siêu 25,6 tỷ USD, nhưng tỷ trọng kim ngạch khối này so với cả nước lại giảm ở chiều xuất khẩu và tăng ở nhập khẩu, tương ứng giảm từ mức 72,6% xuống 71,7% và tăng từ 59,9% lên 60,1%.
Diễn biến trên đặt ra câu hỏi, liệu nguyên nhân có phải do công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa đủ tầm để hỗ trợ giảm nhập khẩu của khu vực FDI? Hay dòng vốn đầu tư nước ngoài mới đang chảy vào mạnh mẽ trong năm nay, với giá trị giải ngân trên 19 tỷ USD, kích thích nhập khẩu máy móc, thiết bị đầu vào?
Cũng là một nhân tố ngoại quan trọng với xuất nhập khẩu, Samsung ngày càng nâng tầm ảnh hưởng. Điện thoại và linh kiện, mà Samsung đóng góp phần lớn, đạt kim ngạch ước trên 50 tỷ USD trong năm nay, tương đương 20,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm.
Do kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện năm nay tăng 10,5%, trong khi nhập khẩu giảm 2,6%, đây cũng là nhóm hàng có đóng góp đáng kể vào kết quả xuất siêu rất cao của năm nay.
Có một sự tương đồng khi xuất khẩu nhóm hàng này tăng mạnh trong tháng 3, tháng 8 và 9, thì Việt Nam cũng ghi nhận mức xuất siêu cao trong quý I (2,7 tỷ USD) và quý III (3 tỷ USD). “Cán cân thương mại thặng dư khá cao ở các quý mà Tập đoàn Sam Sung ra mắt các sản phẩm điện thoại phiên bản mới”, một chuyên gia thống kê lưu ý từ số liệu thực tế.
Một lưu ý khác là về cán cân thương mại với các đối tác lớn. Năm nay, Việt Nam vẫn duy trì tình trạng xuất siêu với Mỹ, EU; nhập siêu với Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN và Nhật Bản nhưng giao thương với hai đối tác lớn nhất, gắn với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, có nhiều thay đổi.
Năm nay, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng rất mạnh, đạt kim ngạch 41,9 tỷ USD, tăng 18,5% (6,5 tỷ USD) so với năm 2017; trong khi ở chiều ngược lại tương ứng là 65,8 tỷ USD và chỉ tăng 12,3% (7,2 tỷ USD). Kết quả là Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 23,9 tỷ USD, tăng 3% (691 triệu USD) so với 2017.
Trong khi đó với Mỹ, năm nay Việt Nam xuất khẩu sang nước này ước tăng 14,2% so với năm 2017, cao hơn so với mức tăng 8,2% của năm ngoái. Thặng dư thương mại hàng hóa với Mỹ tăng 7,7% so với năm 2017, với mức xuất siêu đạt tới 34,7 tỷ USD - cao nhất trong các đối tác thương mại lớn.
Điều gì chờ đợi ở phía trước?
Nhìn lại, cơ cấu nhập khẩu chuyển biến tích cực là một động lực cho mở rộng ngoại thương trong giai đoạn tới, nhưng sự phụ thuộc vào khu vực FDI, phụ thuộc việc thành công ra phiên bản mới của Samsung sẽ là một thách thức để đạt tăng trưởng xuất khẩu bền vững và duy trì xuất siêu.
Riêng với tác động từ chiến tranh thương mại, nhiều chuyên gia cho rằng với xuất siêu lớn sang Mỹ thì việc cân đối lại cán cân thương mại giữa hai nước có thể bắt đầu mạnh mẽ từ 2019, mà năm nay, nhập khẩu từ Mỹ đã ghi nhận mức tăng rất mạnh tới 36,7%.
Cùng với triển vọng giảm nhập khẩu và giảm xuất siêu sang Mỹ trong các năm tới, Việt Nam có thể tiếp tục tăng nhập siêu với Trung Quốc, khi đầu tư có thể chuyển dịch từ nước này sang và kéo theo đó là nhập khẩu máy móc thiết bị, dây truyền công nghệ.