10 dấu ấn nổi bật trong giai đoạn 2018-2023: Khẳng định vị thế số 1 - Vươn ra biển lớn
1 Vững vàng vượt qua đại dịch; Đồng hành chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân và đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước
Mặc dù phải đối mặt với những diễn biến bất thường của môi trường kinh tế - xã hội, Vietcombank đã nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công “đa mục tiêu”: vừa đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh liên tục, đáp ứng yêu cầu về dịch vụ ngân hàng của người dân; phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, đảm bảo an toàn sức khỏe cho cán bộ và khách hàng đến giao dịch; vừa chia sẻ khó khăn, đồng hành với khách hàng; đồng thời hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch.
Vietcombank được The Asian Banker trao danh hiệu “Ngân hàng được quản trị tốt nhất trong đại dịch COVID-19”, ngày 19/01/2021 |
Vietcombank đã chủ động tìm kiếm nguồn vắc-xin và triển khai tiêm chủng sớm cho cán bộ nhân viên và người thân trong toàn hệ thống, đảm bảo an toàn sức khỏe của cán bộ nhân viên và người thân của cán bộ. Điều chỉnh phương thức quản trị, điều hành thích ứng trong điều kiện khắc nghiệt; tổ chức làm việc từ xa, làm việc theo ca để đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh liên tục, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời dịch vụ ngân hàng, kể cả trong những thời điểm giãn cách theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16. Cải tiến chính sách, số hóa quy trình, triển khai kịp thời các giải pháp giao dịch trực tuyến để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh dịch bệnh.
Vietcombank đã triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, cá nhân và hộ gia đình chịu tác động của dịch COVID-19 thông qua các gói hỗ trợ lãi suất, giảm phí và giảm lãi suất cho vay, tái cơ cấu dư nợ hiện hữu. Trong giai đoạn 2020 - 2023, Vietcombank đã tiên phong triển khai tổng cộng 11 đợt giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng với quy mô lên tới 12 ngàn tỷ đồng - mức chưa từng có trong lịch sử.
Kể từ đầu năm 2022, Vietcombank đã miễn toàn bộ phí chuyển tiền và phí duy trì dịch vụ trên kênh giao dịch VCB Digibank, giúp hàng chục triệu khách hàng tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng phí dịch vụ mỗi năm.
Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành nhận danh hiệu cá nhân “Lãnh đạo xuất sắc trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19 tại Việt Nam” do The Asian Banker trao tặng, ngày 19/01/2021 |
Năm 2022, Vietcombank cũng đã thực hiện hai đợt miễn giảm, lãi quy mô lớn cho gần 300 ngàn khách hàng với quy mô tổng dư nợ lên tới trên 1 triệu tỷ đồng. Các đợt giảm lãi suất này tiếp nối chuỗi chương trình hành động lớn của Vietcombank để hỗ trợ các khách hàng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh và tạo hiệu ứng lan tỏa khi nhiều ngân hàng cũng thực hiện giảm lãi suất sau động thái của Vietcombank.
Mặc dù duy trì mức lãi suất cạnh tranh nhất trên thị trường cùng với sự chia sẻ vô cùng lớn với khách hàng bằng việc chủ động thực hiện liên tục các chính sách miễn, giảm phí dịch vụ, lãi suất quy mô lớn với mức giảm trên 12.000 tỷ đồng nhưng Vietcombank vẫn liên tục duy trì vị thế số 1 về quy mô lợi nhuận. Với hiệu quả kinh doanh vượt trội, từ năm 2018 - 2022, Vietcombank đã đóng góp tổng số 46.290 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước trong đó đóng thuế là 33.472 tỷ đồng và cổ tức trả cho cổ đông Nhà nước là 12.818 tỷ đồng.
2 Khẳng định vị trí Ngân hàng số 1 Việt Nam, quy mô tăng trưởng cao, chất lượng được kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả và mức sinh lời vượt trội
Phó Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thị Kim Oanh - đại diện Vietcombank nhận danh hiệu vinh danh đơn vị nộp ngân sách lớn nhất cả nước năm 2020 |
Trong giai đoạn này, Vietcombank đã liên tiếp lập các kỷ lục tăng trưởng về quy mô dư nợ, huy động vốn, tổng tài sản và lợi nhuận. Năm 2021, quy mô huy động vốn của Vietcombank vượt mốc 1 triệu tỷ đồng. Năm 2022, quy mô tín dụng vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, tổng tài sản vượt mốc 1,8 triệu tỷ đồng - vươn lên vị trí thứ ba. Năm 2019, lợi nhuận lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD, năm 2022, quy mô lợi nhuận đã là 1,6 tỷ USD.
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, hằng năm, Vietcombank đã điều hành hoạt động tín dụng linh hoạt và hiệu quả, tăng trưởng tín dụng bền vững đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, tuân thủ nghiêm túc giới hạn tăng trưởng tín dụng của NHNN, cơ cấu tín dụng chuyển dịch hiệu quả. Vietcombank luôn được xếp hạng cao nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại Nhà nước theo hệ thống xếp hạng TCTD của NHNN tại Thông tư 52/2018. Năm 2022, tỷ lệ nợ xấu cấp tín dụng cho nền kinh tế chỉ ở mức 0,67%, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu duy trì ở mức cao, lên tới 465%.
3 Quy mô vốn hóa lớn nhất thị trường, thuộc Top 100 Ngân hàng niêm yết toàn cầu, quyền lợi cổ đông được đảm bảo
Trụ sở chính Vietcombank tại 198 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội |
Vietcombank hiện là doanh nghiệp niêm yết có quy mô vốn hóa lớn nhất thị trường với thị giá gần 450.000 tỷ đồng (xấp xỉ 18,5 tỷ USD), bỏ xa doanh nghiệp đứng thứ 2. Trên bình diện quốc tế, Vietcombank hiện đang xếp trong Top 100 ngân hàng niêm yết, thứ 1.122 trong số các công ty niêm yết lớn nhất toàn cầu theo thống kê mới nhất của Reuters; là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất và đứng thứ 950 trong Top 1.000 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu theo đánh giá của Forbes. Hằng năm, Vietcombank đều thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt, bằng cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ chi trả cao.
4 Golive thành công hệ thống Core Banking mới, triển khai hàng loạt dự án nâng cao năng lực công nghệ thông tin (CNTT) và dự án chuyển đổi nâng cao năng lực quản trị theo các thông lệ tốt nhất
Vietcombank đã chính thức cung cấp dịch vụ trên hệ thống Core Banking mới từ ngày 27/01/2020 (mùng 3 Tết Nguyên đán Canh Tý). Việc triển khai hệ thống Core Banking mới có ý nghĩa quan trọng đối với Vietcombank, cho phép đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho khách hàng, đặc biệt là các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số. Trong giai đoạn 2018 - 2023, Vietcombank đã triển khai và đưa vào vận hành nhiều hệ thống mới như: Hệ thống ERP, hệ thống phân tích lợi nhuận đa chiều MPA, hệ thống quản trị nguồn nhân lực HCM... và nhiều dự án chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao năng lực hoạt động và quản trị điều hành theo thông lệ quốc tế như Treasury, ALM. FTP, IFRS9, PCM, GLIM, CTOM, CLOS, RTOM...
5 Đột phá trong chuyển đổi số, trở thành ngân hàng chuyển đổi số tiêu biểu từ 2020
Năm 2019, Vietcombank là ngân hàng lớn đầu tiên tại Việt Nam đưa vào hoạt động Trung tâm Ngân hàng số và cũng đã khởi động Dự án “Chuyển đổi ngân hàng số” trong năm. Năm 2020, Vietcombank chính thức ra mắt dịch vụ ngân hàng số VCB Digibank hoàn toàn mới, thanh toán đa kênh tích hợp được xây dựng trên việc hợp nhất các nền tảng giao dịch riêng rẽ trên internet banking và mobile banking, cung cấp trải nghiệm liền mạch, thống nhất cho khách hàng trên các phương tiện điện tử và thiết bị di động. Vietcombank cũng là ngân hàng tiên phong cung cấp giải pháp thanh toán trực tuyến cho các dịch vụ trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, tiếp tục khẳng định vị thế ngân hàng hàng đầu về thanh toán Dịch vụ công tại Việt Nam. Với những đổi mới số hóa đột phá trong việc ứng dụng các thành tựu công nghệ nổi bật để mang đến cho khách hàng dịch vụ thanh toán hiện đại, nhanh chóng, tiện lợi, đảm bảo an toàn, bảo mật, Vietcombank đã được vinh danh là Ngân hàng chuyển đổi số tiêu biểu trong năm 2020.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Trưởng phòng Phát triển Kênh số và Đối tác, đại diện Vietcombank nhận giải thưởng Sản phẩm, giải pháp Chuyển đổi số tiêu biểu dành cho ứng dụng Ngân hàng số VCB Digibank, năm 2021 |
Năm 2021, Vietcombank đã ban hành Chương trình hành động chuyển đổi số với 7 nhóm hành động và 15 mục tiêu cùng Kế hoạch chuyển đổi với 304 hành động theo 4 trụ cột: Số hoá (Digital), Dữ liệu (Data), Công nghệ (Technology) và Chuyển đổi (Transformation) cùng một lộ trình triển khai chi tiết.
Khối Công nghệ thông tin và chuyển đổi số được chính thức thành lập từ 01/12/2021, đóng vai trò hạt nhân trong công tác chuyển đổi số toàn hàng. Giải pháp số VCB Digibank khẳng định vị thế khi có được số lượng người dùng cao nhất thị trường, triển khai thành công giải pháp eKYC, dịch vụ DiziBiz…
Năm 2022, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên triển khai thành công hệ thống thu phí hạ tầng với Cảng vụ TP. HCM; Ngân hàng đi đầu triển khai chi Thanh toán điện tử qua kết nối thanh toán song phương với Bảo hiểm xã hội; Ngân hàng đầu tiên chính thức triển khai hóa đơn điện tử (e.Invoice) theo đúng chuẩn dữ liệu của Tổng cục Thuế từ tháng 4/2022 - sớm trước 3 tháng so với quy định; Ngân hàng duy nhất tại Việt Nam cung ứng dịch vụ thu thuế cho nhà cung cấp nước ngoài tại Việt Nam và một trong 10 ngân hàng đầu tiên trên toàn thế giới tham gia triển khai thành công dịch vụ giải pháp xác thực trước thông tin chuyển tiền quốc tế trên toàn bộ các điểm giao dịch và trên kênh ngân hàng số Vietcombank. Cũng trong năm 2022, Vietcombank đã tổ chức Lễ khởi động Chương trình hành động chuyển đổi, với mục tiêu đến năm 2025 đạt mức trưởng thành về chuyển đổi số nằm trong số các ngân hàng hàng đầu ASEAN.
6 Ký kết thỏa thuận với FWD, nhanh chóng củng cố vị thế trong mảng phân phối bancas; triển khai cấu trúc lại mạnh mẽ hoạt động bán lẻ
Ngày 12/11/2019, tại Hà Nội, Vietcombank và Tập đoàn bảo hiểm FWD (FWD) chính thức ký kết Thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm có thời hạn 15 năm. Việc ký kết giữa Vietcombank và FWD đã đánh dấu một mốc son về sự hợp tác giữa ngân hàng và bảo hiểm với giá trị thỏa thuận trong lĩnh vực bancas lớn nhất tại thị trường Việt Nam cho đến nay. Ngay sau khi ký kết, Vietcombank đã triển khai mạnh mẽ hoạt động phân phối sản phẩm bancas. Tính đến cuối năm 2022, Vietcombank đã vươn lên vị trí thứ 5 trên thị trường về thị phần trong lĩnh vực hoạt động này.
Đại diện Vietcombank và FWD ký kết Thỏa thuận hợp tác với sự chứng kiến của đại diện NHNN Việt Nam; Đảng ủy Khối DNTW; Bộ Tài chính và các đại diện lãnh đạo cấp cao của hai bên |
Với mục tiêu hướng tới là ngân hàng số 1 về sự hài lòng của khách hàng, cung ứng những trải nghiệm số hiện đại nhất, mang lại sự thuận tiện và an tâm cho khách hàng, Vietcombank đã triển khai dự án chuyển đổi mô hình hoạt động bán lẻ (RTOM) nhằm chuyển đổi toàn diện hoạt động của bán lẻ, với định hướng xuyên suốt lấy khách hàng là trung tâm, hướng tới trải nghiệm số và gắn kết khách hàng. Trên cơ sở đó, Vietcombank đã thực hiện sắp xếp lại các phòng ban và bố trí lại nhân sự của Khối Bán lẻ theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với chức năng các phòng ban nghiệp vụ. Mô hình bán lẻ tại Chi nhánh cũng đã được cấu trúc lại và triển khai từ năm 2022.
7 Chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tổ chức, phát triển nguồn nhân lực và phương thức làm việc hiện đại
Trong thời gian vừa qua, Vietcombank đã kiện toàn mô hình Khối Bán lẻ, Khối Bán buôn, Khối Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số, thành lập mới Khối Vận hành. Đây là điều kiện tất yếu để nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng, tối ưu hóa ứng dụng công nghệ để giải phóng nguồn lực, tập trung vào công tác bán hàng.
Phát triển văn hóa và phương pháp làm việc Agile, nhân rộng triển khai tại mỗi đơn vị trong hệ thống; tiến tới chuyển đổi mô hình tổ chức theo Agile và trở thành một bộ phận của văn hóa Vietcombank, linh hoạt thích ứng trước những thay đổi nhanh chóng của thị trường.
Đẩy mạnh hoạt động đào tạo; Chú trọng các chương trình đào tạo về CNTT và Chuyển đổi số; Đào tạo cho các vị trí tại Chi nhánh theo Bản đồ đào tạo; Triển khai các khóa đào tạo cho cán bộ theo các chương trình thường xuyên và chương trình chuyên sâu với đa dạng các hình thức tập trung, trực tuyến, E-learning.
8 Trở thành ngân hàng thương mại đầu tiên mở văn phòng đại diện tại Mỹ, mở rộng hiện diện ở nước ngoài, phát triển mạnh mẽ hệ thống mạng lưới trong nước
Ngay sau khi mở ngân hàng 100% vốn đầu tiên ở nước ngoài tại Lào năm 2018, Vietcombank đã khai trương hoạt động Văn phòng đại diện tại New York theo sự phê chuẩn của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào tháng 11/2019, trở thành ngân hàng Việt Nam đầu tiên vượt qua được những điều kiện khắt khe để hiện diện tại thị trường Mỹ, thông qua đó khẳng định hoạt động của Vietcombank đã đáp ứng toàn diện các chuẩn mực quốc tế, tiếp tục vươn ra biển lớn, tăng cường hiện diện tại các thị trường tài chính sôi động trên thế giới.
Các đại biểu cắt băng khai trương văn phòng đại diện Vietcombank tại Mỹ |
Ở trong nước, mạng lưới của Vietcombank được tỏa rộng với 15 Chi nhánh và 79 Phòng Giao dịch được thành lập mới trong 5 năm (2018 - 2022). Tính đến nay, Vietcombank có 657 Chi nhánh/Phòng Giao dịch/Văn phòng đại diện/Đơn vị thành viên trong và ngoài nước, gồm Trụ sở chính tại Hà Nội, 126 chi nhánh và 515 phòng giao dịch trên toàn quốc, 6 công ty con và 1 công ty liên kết tại Việt Nam, 3 công ty con tại nước ngoài, văn phòng đại diện tại Singapore và tại Mỹ. Bên cạnh đó, Vietcombank còn phát triển một hệ thống Autobank với hơn 2.900 máy ATM và trên 60.000 điểm chấp nhận thanh toán thẻ (POS) trên toàn quốc. Hoạt động ngân hàng còn được hỗ trợ bởi mạng lưới hơn 1.163 ngân hàng đại lý tại 93 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
9 Khẳng định vị thế đẫn dầu và uy tín vượt trội với nhiều giải thưởng, danh hiệu trong và ngoài nước
Với chất lượng, hiệu quả hoạt động hàng đầu và định hướng phát triển bền vững, Vietcombank luôn được 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế uy tín nhất thế giới là S&P, Fitch Ratings, Moody’s xếp hạng ở mức cao nhất trong các ngân hàng thương mại ở Việt Nam, tương đương mức tín nhiệm quốc gia; được xếp hạng trong Top 500 thương hiệu ngân hàng có giá trị lớn nhất thế giới do Brand Finance công bố và luôn là doanh nghiệp có giá trị thương hiệu được xếp cao nhất tại thị trường Việt Nam; là đại diện duy nhất tại Việt Nam được xếp hạng trong Top 1000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu do Forbes công bố. Ngoài ra, Vietcombank được nhiều tổ chức uy tín trong nước và quốc tế như The Asian Banker, Euromoney, Asiamoney, Hội đồng thương hiệu quốc gia, Vietnam Report, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính)… ghi nhận, vinh danh với nhiều giải thưởng, danh hiệu lớn như: Ngân hàng bán lẻ tốt nhất, Ngân hàng cung cấp dịch vụ Tài trợ thương mại tốt nhất, Ngân hàng cung cấp dịch vụ ngoại hối tốt nhất, Ngân hàng quản lý tiền mặt tốt nhất, Ngân hàng có sản phẩm Mobie Banking sáng tạo hiệu quả nhất, Ứng dụng Ngân hàng di động tốt nhất Việt Nam, Ngân hàng có bảng cân đối tài chính mạnh nhất Việt Nam, Thương hiệu ngân hàng giá trị nhất Việt Nam, Ngân hàng có chất lượng tài sản tốt nhất trong các ngân hàng tại Việt Nam, Thẻ tín dụng tốt nhất Việt Nam cho sản phẩm thẻ VCB Visa Signature, Ngân hàng quản trị rủi ro tốt nhất, Ngân hàng được quản trị tốt nhất trong đại dịch COVID-19…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (hàng đầu thứ 3 từ trái sang) trao biểu trưng và đ/c Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam (hàng đầu thứ 2 từ phải sang) tặng hoa cho đ/c Phạm Mạnh Thắng - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank - đại diện Vietcombank tại Lễ Công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022 |
Bên cạnh đó, Vietcombank liên tục nhiều năm liền được xếp hạng trong Top 10 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam; Top 100 công ty có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam, cụ thể đứng đầu trong lĩnh vực ngân hàng, Top 2 và Top 3 toàn thị trường. Đặc biệt, Vietcombank là doanh nghiệp 3 lần liên tiếp được nhận giải thưởng vinh danh “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động”.
10 Lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao Vietcombank vinh dự được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch không chuyên trách VCCI
Chủ tịch HĐQT Nghiêm Xuân Thành nhận Quyết định Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang |
Tháng 01/2021, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng chí Nghiêm Xuân Thành (khi đó là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối DNTW, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vietcombank) đã được tín nhiệm bầu tham gia BCH Trung ương Đảng với số phiếu cao. Đây không chỉ là vinh dự của cá nhân đồng chí Nghiêm Xuân Thành, mà còn là niềm tự hào của Vietcombank khi lần đầu tiên trong lịch sử Vietcombank có đại diện tham gia vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng. Sau đó, đồng chí Nghiêm Xuân Thành được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Chủ tịch HĐQT Vietcombank Phạm Quang Dũng (hàng đầu, thứ 12 từ phải sang) tại Đại hội Liên đoàn VCCI nhiệm kỳ 2021 – 2026 |
Cũng trong năm 2021 vào tháng 12, đồng chí Phạm Quang Dũng (khi đó là Ủy viên BCH Đảng bộ Khối DNTW, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐQT Vietcombank) được bầu giữ chức Phó Chủ tịch không chuyên trách Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đây là sự kiện khẳng định sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đối với vị thế, vai trò và uy tín của Vietcombank.