Agribank Đắk Lắk đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay đối với doanh nghiệp và người dân
Ông Vương Hồng Lĩnh, Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Đắk Lắk |
Xin ông cho biết những thuận lợi và khó khăn trong việc tăng trưởng tín dụng năm 2023?
Bước vào năm 2023, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, ngay từ đầu năm chi nhánh đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho khách hàng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh... Nhờ đó, đến thời điểm này, chi nhánh đạt được những kết quả khả quan đối với tăng trưởng tín dụng và hoạt động kinh doanh. Kết quả đạt được của Agribank Đắk Lắk là động lực để toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023.
Để có được kết quả đó, chi nhánh đã bám sát tinh thần Nghị quyết 19, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Văn bản số 05-CT/ĐUK của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương về Chỉ thị của Ban thường vụ “Về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư, phát huy hiệu quả nguồn lực của các tập đoàn, tông công ty, ngân hàng thương mại thuộc Khối Doanh nghiệp Trung ương”.
Mới đây, ngày 7/12/2023, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh đã tiếp thêm sức mạnh để cán bộ, người lao động của chi nhánh quyết tâm hơn nữa để thực hiện thành công nhiệm vụ được giao.
Cùng với đó, chi nhánh nhận được sự quan tâm sâu sắc của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk và lãnh đạo Agribank, là nguồn động viên lớn để ban lãnh đạo và người lao động vượt qua khó khăn, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023.
Đặc biệt, sự đồng thuận, đoàn kết thống nhất cao, gương mẫu, trách nhiệm, nhiệt huyết với nhiệm vụ của cán bộ, người lao động Agribank Đắk Lắk là sức mạnh nội lực để có được kết quả tích cực.
Bên cạnh thuận lợi, Agribank Đắk Lắk cũng gặp không ít khó khăn như: nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trước tác động kép của các yếu tố bất lợi bên ngoài, chỉ số tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra, sự phục hồi kinh tế của địa phương sau đại dịch Covid-19 còn chậm.
Đáng lưu ý, sức hấp thụ vốn tín dụng của thị trường giảm sâu, thậm chí có thời điểm tăng trưởng âm.
Việc đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của Agribank Đắk Lắk giúp DN và người nắm bắt cơ hội để phát triển sản xuất kinh doanh |
Cùng đó, hệ lụy của đại dịch Covid-19 từ các năm 2020, 2021 và nửa đầu năm 2022 bắt đầu “ngấm” vào chuỗi giá trị và dòng tiền của các DN, hộ sản xuất kinh doanh, nên nguồn lực tài chính và khả năng chống chịu của khách hàng, nhất là các DN suy giảm, tính đối ứng trong tiếp cận tín dụng gặp khó khăn…
Song song đó, sự cạnh tranh giữa các NHTM trên địa bàn ngày càng gay gắt. Nhất là từ khi NHNN có chủ trương khách hàng được vay ở nhiều NHTM khác nhau và vay ở ngân hàng này, trả nợ ngân hàng khác, nên sự cạnh tranh giữa các NHTM là khó tránh khỏi...
Đặc biệt, tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp như: xung đột giữa Nga và Ukarine; xung đột và mâu thuẫn sắc tộc ở nhiều quốc gia; tranh chấp trên dãy Gaza,… tác động lên cán cân thanh toán và xuất nhập khẩu, đời sống.
Đó là những khó khăn tác động tiêu cực đối với nền kinh tế, là tác nhân làm cho suy giảm khả năng hấp thụ vốn của DN, dẫn đến khó tăng trưởng tín dụng như kỳ vọng tại các TCTD, cũng như tại chi nhánh trong thời gian qua…
Trong bối cảnh khó khăn như vậy, chi nhánh có giải pháp gì để đảm bảo hoạt động đầu tư tín dụng, cũng như kiểm soát chất lượng tín dụng?
Năm 2023 tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn như nêu trên, nhưng với quyết tâm cao, Ban Giám đốc Agribank Đắk Lắk đã đoàn kết, chung sức đồng lòng từ cán bộ đến người lao động trong toàn chi nhánh để vượt qua khó khăn thách thức, nỗ lực trong công việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ năm 2023. Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện tốt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của Chính phủ.
Với những giải pháp kịp thời của chi nhánh đã mang lại hiệu quả tích cực trong công tác huy động vốn, tăng trưởng tín dụng và cung cấp sản phẩm dịch vụ cho khách hàng.
Với những giải pháp kịp thời của Agribank Đắk Lắk đã mang lại hiệu quả tich cực trong công tác tăng trưởng tín dụng |
Đến nay, nguồn vốn huy động của chi nhánh đạt gần 11.000 tỷ đồng, tăng gần 1.500 tỷ đồng so cùng kỳ năm trước và tăng gần 1.300 tỷ đồng so đầu năm, bằng 110% kế hoạch năm.
Trong đó, huy động từ dân cư gần 10.200 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 95% trên tổng nguồn vốn huy động của đơn vị.
Tổng dư nợ cho vay của chi nhánh khoảng 18.500 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng (tăng hơn 12,1%) so cùng kỳ năm trước; tăng 1.600 tỷ đồng so với đầu năm và bằng 100% kế hoạch năm.
Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn 11.000 tỷ đồng, chiếm 60% trên tổng dư nợ cho vay. Thị phần tín dụng tiếp tục duy trì ổn định, với tỷ trọng dao động từ 15% - 17% tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn.
Dịch vụ ngân hàng có bước phát triển khá, với doanh thu gần 76 tỷ đồng, tăng 7,0 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng trưởng 9,5% và bằng 91% kế hoạch năm. Lợi nhuận khoán tài chính đến cuối tháng 11/2023 đạt trên 98% kế hoạch được giao cả năm, bảo đảm thu nhập ổn định cho người lao động.
Có được kết quả trên chính nhờ ngay từ đầu năm, đơn vị chủ động nắm bắt nhu cầu tín dụng trong dân cư và DN; đảm bảo thu xếp đủ nguồn lực về vốn để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng của khách hàng. Đặc biệt là khách hàng ở khu vực nông thôn.
Chi nhánh đã triển khai đồng bộ các sản phẩm tín dụng của Agribank, ưu tiên tín dụng phục vụ “tam nông”, khách hàng DNNVV, khách hàng đầu tư sản xuất trong lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, sản xuất hàng xuất khẩu…
Ngoài ra, đơn vị đã tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kinh doanh. Trong đó, có phong trào thi đua tăng trưởng khách hàng và dư nợ tín dụng.
Vốn tín dụng thực sự đóng vai trò làm đòn bẩy tài chính giúp cho DN, hộ gia đình, cá nhân ở khu vực nông thôn khai thác có hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh của Đắk Lắk... |
Có thể khẳng định, với quy mô đầu tư thường xuyên cho nền kinh tế trên 18.000 tỷ đồng, vốn tín dụng của chi nhánh thực sự là đòn bẩy tài chính giúp cho DN, hộ gia đình, cá nhân ở khu vực nông thôn khai thác có hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội đia phương.
Đồng thơi, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, trở thành chi nhánh NHTM có quy mô đầu tư tín dụng lớn nhất trên địa bàn và khu vực Tây Nguyên.
Bước sang năm 2024, tiếp tục phát huy vai trò của chi nhánh trong cung ứng tín dụng, cho khu vực “tam nông", tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, chi nhánh tập trung vốn vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của DN và người dân, góp phần đẩy lùi tín dụng đen; đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn; kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng tại địa phương...
Xin cảm ơn ông!