Agribank lan tỏa văn hóa đọc, tri thức trong cộng đồng
Agribank dành tới hơn 180.000 tỷ đồng vốn ưu đãi hỗ trợ khách hàng sản xuất, kinh doanh Agribank Quảng Trị thực hiện tốt sứ mệnh “tam nông” |
“Tủ sách cộng đồng” – lan tỏa tri thức, góp sức vì cộng đồng
Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, bộ, ban, ngành đã quan tâm chỉ đạo tổ chức, triển khai nhiều hoạt động thiết thực, góp phần thúc đẩy phong trào đọc sách trong quần chúng nhân dân. Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284, lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam, và năm 2021 đổi thành Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Việc lựa chọn ngày 21/4 gắn liền với thời điểm ra mắt cuốc sách “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có ý nghĩa văn hóa sâu sắc, nhằm khuyền khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng. Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức sâu rộng, thiết thực và giàu ý nghĩa với sự hưởng ứng, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Trung ương và địa phương cùng nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, hấp dẫn… đã tạo dựng nét đẹp văn hóa, thúc đẩy thói quen đọc sách, nuôi dưỡng tình yêu sách. Qua đó, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Thông qua Chương trình “Tủ sách cộng đồng” Agribank muốn lan toả tri thức, góp sức vì cộng đồng |
Nhằm hưởng ứng, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong cán bộ, đảng viên, người lao động Agribank, góp phần cổ vũ, phát huy, nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả trong phát triển văn hóa đọc, hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc hàng năm đồng thời thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/ĐU-NHNo ngày 25/5/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ Agribank về tăng cường lãnh đạo, nâng cao hiệu quả truyền thông nội bộ gắn với công tác chính trị tư tưởng và xây dựng văn hóa Agribank, Đảng ủy Agribank đã ban hành Công văn số 1806-CV/ĐU-NHNo ngày 23/5/2023 làm căn cứ để hướng dẫn các chi, đảng bộ trực thuộc, Công đoàn, Đoàn thanh niên Agribank nghiên cứu, vận dụng sáng tạo các hoạt động đẩy mạnh phong trào đọc sách trong cán bộ, đảng viên, người lao động nhằm hình thành thói quen đọc sách, ý thức tự học, tự nghiên cứu, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và vận dụng tri thức từ sách vào cuộc sống, công tác và học tập; lồng ghép các hoạt động quảng bá văn hóa đọc với các hoạt động văn hóa của đất nước, của Agribank và đơn vị.
Chương trình “Thêm con chữ, bớt đói nghèo”, Tủ sách cộng đồng và các hình thức văn hóa đọc ứng dụng công nghệ số đang được Agribank triển khai chính là những hoạt động nhằm hiện thực hóa chủ trương của Đảng ủy Agribank, Ban điều hành về phát triển và thực hiện văn hóa doanh nghiệp gắn với xây dựng hình ảnh, thương hiệu Agribank, đưa phong trào đọc sách trở thành thói quen, thúc đẩy văn hóa đọc sách trong thời đại công nghệ số, tăng cường hiệu quả truyền thông nội bộ gắn với công tác chính trị, tư tưởng và xây dựng văn hóa Agribank.
Với việc tiếp tục triển khai văn hóa đọc qua sự kiện xây dựng “Tủ sách cộng đồng” đã khuyến khích các công đoàn cơ sở lan tỏa nét đẹp văn hóa của cán bộ Agribank, phát huy mạnh mẽ vai trò của vốn tri thức, kinh nghiệm được lưu giữ, trao truyền qua những trang sách trong việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ văn hóa, khả năng sáng tạo, sự thích ứng của đoàn viên, người lao động.
Chương trình xây dựng “Tủ sách cộng đồng” đã thu hút sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của các đơn vị trong toàn hệ thống. Hiện nay, chương trình vẫn đang tiếp tục được duy trì và hoạt động hiệu quả tại các đơn vị, nhận được sự quan tâm của rất nhiều cán bộ, đoàn viên, người lao động. Hàng trăm “Tủ sách cộng đồng” được hiện thực hóa với nhiều ý nghĩa thiết thực. Thông qua chương trình, các tổ chức, cá nhân là cán bộ, người lao động, khách hàng của Agribank thực hiện công tác quyên góp, trao đổi sách trong cộng đồng ngay trước điểm giao dịch với tinh thần “ai cần đến lấy, ai có cho đi”. Chính vì vậy, trong “Tủ sách cộng đồng” có rất nhiều loại sách quý và hay như các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các văn kiện của Đảng, sách về lý luận chính trị, Lịch sử đảng, tác phẩm kinh điển của Chủ nghĩa Mác-Lênin, sách về kinh tế và quản lý nhà nước, về văn hóa xã hội... Những cuốn sách này sẽ cung cấp nền tảng lý luận, kiến thức lịch sử, và định hướng phát triển cho đảng viên, giúp họ nắm vững tư tưởng và đường lối của Đảng, từ đó góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Sau khi kết thúc chương trình, một phần sách sẽ được các đơn vị tổng hợp, phân loại gửi tặng, ủng hộ các trường học, bệnh viện tại địa phương. Đây là một chương trình ý nghĩa tạo nên sự gắn kết, chia sẻ trong nội bộ và truyền tải các giá trị văn hóa tốt đẹp của Agribank tới cộng đồng.
“Thêm con chữ, bớt đói nghèo”
Nằm trong chuỗi hoạt động an sinh xã hội ý nghĩa, nhân văn thể hiện sự đầu tư cho thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước, Chương trình “Thêm con chữ, bớt đói nghèo” được Agribank triển khai thực hiện từ đầu năm 2020 đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, thể hiện trách nhiệm vì cộng đồng, góp phần hỗ trợ các thầy, cô giáo và học sinh có thêm điều kiện về trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và học tập.
Sau gần 4 năm thực hiện, Agribank đã triển khai chương trình trao tặng tủ sách, thiết bị học tập tại 61 tỉnh, thành trong cả nước (ngoại trừ TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) do 85 chi nhánh đầu mối triển khai, với tổng kinh phí 12,75 tỷ đồng, đã có gần 200 cơ sở trường học được hỗ trợ, trang bị 1.300 bộ máy vi tính, 100 tủ sách, cùng các trang thiết bị như máy chiếu, TV màn hình lớn, bàn ghế, hệ thống âm thanh, phần mềm… phục vụ công tác dạy và học.
Song song với việc củng cố cơ sở vật chất dạy và học, thông qua triển khai chương trình “Thêm con chữ, bớt đói nghèo”, Agribank mong muốn tạo điều kiện cho các em học sinh tiếp nhận tri thức, tự đọc, tự học, phát triển tâm hồn, kỹ năng và tư duy, tiếp nhận phương thức học tập hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác dạy và học, góp phần xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong trường học, duy trì và phát triển văn hóa đọc, giúp các em học sinh vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Đứng trước thách thức của thời đại số, những quan niệm về sách và văn hóa đọc cũng có những thay đổi để phù hợp với thời đại. Phải nhìn nhận rằng, dù văn hóa đọc truyền thống có bị lấn át bởi sự phát triển của công nghệ nhưng chính công nghệ cũng đang trở thành chìa khóa mở ra giai đoạn phát triển mới cho văn hóa đọc. Công nghệ phát triển kéo theo nhiều hình thức đọc mới ra đời như: sách nói (audio book), sách tương tác, sách thực tế ảo và đặc biệt là sách điện tử (e-book). Dù có đôi chút bất tiện khi yêu cầu phải cần thiết bị chuyên dụng nhưng bù lại độc giả lại có được trong tay cả kho tàng sách, từ các đầu sách mới xuất bản cho đến nhiều tác phẩm văn học kinh điển của hàng thế kỷ trước. Bên cạnh đó, ưu thế nổi bật của các hình thức đọc này còn thể hiện ở khả năng tương tác. Độc giả không chỉ đơn thuần tiếp cận tri thức qua sách mà còn có thể trao đổi thông tin với tác giả, bạn bè và người đọc khác thông qua mạng xã hội.
Hiện nay, Agribank đang tích cực tham gia vào việc phát triển văn hóa đọc dựa vào ứng dụng công nghệ. Điều này thể hiện rất rõ thông qua việc phát triển hiệu quả mô hình Thư viện số, Podcast “Típ nhỏ bỏ túi”… Mặt khác, mạng xã hội cũng đang được Agribank khai thác, sử dụng như một kênh thông tin, truyền thông hiệu quả nhằm quảng bá, giới thiệu thông tin đến cán bộ, công nhân viên trong toàn hệ thống, thông qua các kênh như Website Agribank, các trang Fanpage, Yoube, các group truyền thông, tuyên giáo - dân vận…
Để hình thành một thói quen thì cần rất nhiều yếu tố, duy trì thói quen lại càng cần nhiều yếu tố hơn. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất chính là sự kỷ luật. Với những lợi ích mà việc đọc sách mang lại, cùng với ý thức kỷ luật cao của mỗi cá nhân trong ngôi nhà Agribank sẽ góp phần xây dựng tủ sách trở nên đa dạng và phong phú hơn để văn hoá đọc trong cán bộ, nhân viên Agribank nói riêng và ngành Ngân hàng nói chung ngày càng phát triển.
Với mong muốn lan tỏa giá trị của văn hóa đọc trong đời sống xã hội, những hoạt động đẩy mạnh phong trào đọc sách được toàn hệ thống Agribank triển khai sâu rộng trong những năm qua đã khẳng định được ý nghĩa thiết thực và giá trị nhân văn sâu sắc. Tiếp nối những thành quả đã đạt được, Agribank tiếp tục quan tâm xây dựng những chương trình cụ thể, hiệu quả để thông qua đó khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách; làm cho đọc sách không chỉ là một hành vi văn hóa cao đẹp, mà còn là một trong những nguồn năng lượng quan trọng thúc đẩy sự phát triển tri thức trong mỗi con người chúng ta.