Gìn giữ hình ảnh đẹp về Ngành, về người cán bộ ngân hàng
Ông Nguyễn Toàn Thắng |
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (HHNH) vừa ban hành Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng (gọi tắt là Bộ chuẩn mực) nhằm thúc đẩy việc thường xuyên tu dưỡng rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử của người cán bộ ngân hàng, góp phần tăng niềm tin và gìn giữ hình ảnh đẹp về ngành Ngân hàng.
Để hiểu rõ hơn việc ban hành Bộ chuẩn mực này, phóng viên Thời báo Ngân hàng có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Toàn Thắng - Tổng Thư ký HHNH.
Ông có thể cho biết ý nghĩa của việc HHNH ban hành Bộ Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng lần này?
Bên cạnh việc học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng làm việc, cán bộ ngân hàng ở tất cả các cấp cần phải giữ đúng đạo đức nghề nghiệp và có phong thái, cách thức ứng xử phù hợp. Đảng, Chính phủ và ngành Ngân hàng đã thường xuyên quan tâm vấn đề quan trọng này. Bản thân các ngân hàng cũng đều ý thức được và đã tự xây dựng, ban hành các chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử cho cán bộ, nhân viên của mình.
Năm 2014, HHNH đã ban hành Quy tắc đạo đức của Hiệp hội với nội dung khá đầy đủ, chi tiết. Tuy nhiên, để đáp ứng sát hơn yêu cầu phát triển của ngành Ngân hàng trong bối cảnh hiện nay, HHNH chắt lọc những nội dung cốt lõi, chọn cách diễn đạt cô đọng, ngắn gọn để ban hành mới với tên gọi là “Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng”, áp dụng cho các tổ chức hội viên của Hiệp hội. Đây có thể coi là những giá trị cốt lõi, những yêu cầu căn bản về đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử mà mỗi cán bộ ngân hàng cần ghi nhớ và thường xuyên rèn luyện để xứng đáng với sứ mệnh vinh dự được tổ chức, ngành trao. Qua đó, góp phần nâng cao, tô đẹp hình ảnh của người cán bộ ngân hàng đối với xã hội.
Xin ông cho biết những nội dung cơ bản của Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng mới được ban hành?
Để dễ đọc, dễ nhớ, Bộ chuẩn mực nêu 6 chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và 2 quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng. Sáu chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp gồm: (1) Tính tuân thủ; (2) Sự cẩn trọng; (3) Sự liêm chính; (4) Sự tận tâm và chuyên cần; (5) Tính chủ động, sáng tạo, thích ứng; (6) Ý thức bảo mật thông tin. Mỗi chuẩn mực nêu những điều cán bộ ngân hàng cần phải làm và những điều cán bộ ngân hàng không được làm. Các quy định được nêu khái quát, ngắn gọn, rõ và cụ thể để dễ hiểu, dễ thực hành. Sáu chuẩn mực có sự bổ trợ lẫn nhau, phản ánh được cả những yêu cầu chung, những nét đặc trưng của hoạt động ngân hàng và tổng hợp lại sẽ vẽ nên hình ảnh tương đối đầy đủ của một người cán bộ ngân hàng nghiêm túc, mẫn cán, chuyên nghiệp, đáng tin cậy.
Trong 2 chuẩn mực cuối là tính chủ động, sáng tạo, thích ứng và ý thức bảo mật thông tin có chứa đựng những yêu cầu mới phù hợp với bối cảnh, môi trường hoạt động hiện nay của hoạt động ngân hàng như: chú trọng nâng cao kỹ năng mềm, khả năng thích ứng cao trước sự thay đổi của môi trường và yêu cầu công việc; hoặc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn, bảo mật thông tin, hồ sơ, tài liệu, dữ liệu của ngân hàng và khách hàng.
Hai quy tắc ứng xử gồm: Ứng xử trong nội bộ và Ứng xử với khách hàng và đối tác. Đối với Ứng xử trong nội bộ, có sự phân tách thành: ứng xử của cán bộ cấp dưới đối với cấp trên; ứng xử của cấp trên đối với cấp dưới; ứng xử đối với cán bộ đồng cấp. Đối với Ứng xử với khách hàng và đối tác, Bộ chuẩn mực đưa ra những quy định khái quát về thái độ, phong cách giao tiếp với khách hàng và đối tác, thể hiện tính lịch sự và chuyên nghiệp của người cán bộ ngân hàng.
Cán bộ ngân hàng ở tất cả các cấp cần phải giữ đúng đạo đức nghề nghiệp và có phong thái, cách thức ứng xử phù hợp |
Để Bộ chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử đi vào cuộc sống đạt hiệu quả cao, đáp ứng kỳ vọng của HHNH nói riêng, toàn ngành Ngân hàng nói chung, HHNH sẽ có lộ trình triển khai như thế nào thưa ông?
HHNH xác định việc triển khai thực hiện Bộ chuẩn mực phải được duy trì thường xuyên, liên tục, lâu dài. Cách thức triển khai đồng bộ, kiên trì, sâu rộng với sự vào cuộc trách nhiệm cao của các cấp lãnh đạo, sự tham gia tích cực, tự giác của cán bộ, nhân viên ngân hàng, tạo sự chuyển biến rõ rệt đưa Bộ chuẩn mực từng bước thực sự đi vào cuộc sống.
Trước tiên cần thực hiện việc tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung Bộ chuẩn mực đến từng cán bộ, nhân viên các tổ chức hội viên thông qua việc phát hành sổ tay, các loại tờ rơi, áp phích phù hợp để dán/treo tại quầy giao dịch, phòng họp hoặc nơi sinh hoạt chung; Thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là các đơn vị báo chí truyền thông trong ngành. Cùng với đó, HHNH sẽ phối hợp với các bên liên quan tổ chức đào tạo, tập huấn, hội thảo, tọa đàm sâu rộng về chủ đề trên. HHNH cũng sẽ đề nghị các tổ chức hội viên có các hình thức tổ chức cho cán bộ, nhân viên nghiên cứu, quán triệt, cam kết thực hiện Bộ chuẩn mực như một nhiệm vụ thường xuyên, định kỳ hàng năm rà soát việc thực hiện, tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả đạt được, rút kinh nghiệm và xây dựng nội dung chương trình, kế hoạch cho thời gian tiếp theo.
HHNH sẽ phối hợp chặt chẽ với Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, vận động thực hiện tốt Bộ chuẩn mực trong cán bộ, đoàn viên, người lao động; Phối hợp với Vụ Thi đua Khen thưởng NHNN phát động thi đua trong toàn hệ thống ngân hàng gắn với việc thực hiện Bộ chuẩn mực, biểu dương đề nghị khen thưởng kịp thời những điển hình tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào.
Xin trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian trao đổi!