Học tập, làm theo tấm gương của Bác: Xác lập nền tảng đạo đức nghề nghiệp vững chắc
Đạo đức Hồ Chí Minh là một trong những di sản tinh thần vô giá mà Người đã để lại cho muôn đời con cháu mai sau. Đó là các giá trị được toát lên từ chính sự nghiệp, cuộc đời và nhân cách vĩ đại của Người, là tấm gương sáng cho toàn Đảng, toàn Dân noi theo và sửa mình... Một trong những giá trị đó là các lời dạy của Bác về đạo đức lối sống, đạo đức nghề nghiệp. Đối với cán bộ làm công tác tài chính, ngân hàng trong giai đoạn hiện nay, vẫn luôn khắc ghi lời dạy của Bác “phải trau dồi đạo đức cách mạng: Chí công, Vô tư, Cần, Kiệm, Liêm, Chính... tẩy trừ những thói tham ô, lãnh phí và bệnh quan liêu, để cùng nhau tiến bộ”.
Thực vậy, trong những năm qua, hệ thống Ngân hàng Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô hoạt động, vốn, tài sản, mạng lưới và công nghệ… đóng góp quan trọng cho nền kinh tế đất nước. Có được những thành quả này do công sức của nhiều thế hệ cán bộ ngân hàng luôn nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện và học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi và đội ngũ cán bộ có phẩm chất tốt thì ngành Ngân hàng cũng đã và đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức mới kèm theo một số cán bộ suy thoái “con sâu làm rầu nồi canh”. Hoạt động cạnh tranh, kinh doanh ngày càng chịu nhiều áp lực, rủi ro. Gần đây gia tăng một số vụ việc vi phạm có liên quan đến đạo đức của người cán bộ ngân hàng gây tổn thất về tài sản và con người, ảnh hưởng lớn đến hình ảnh, niềm tin và uy tín của Ngân hàng.
Người đã từng đề cập: “Cán bộ kinh tế tài chính phụ trách nhiều tiền của… phải ra sức học tập quản lý tài sản quốc gia mà ngành mình phụ trách…”. Thực tế, nghề ngân hàng với chức năng cơ bản là trung gian tài chính, liên quan đến hoạt động kinh doanh tiền tệ, bởi vậy, là một lĩnh vực nhạy cảm, hấp dẫn các đối tượng tội phạm và có nhiều cạm bẫy đối với bất cứ cán bộ ngân hàng nào một khi lập trường tư tưởng không vững vàng và phẩm chất đạo đức không trong sáng.
Vấn đề đặt ra là để kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu các vi phạm đạo đức trong hoạt động ngân hàng cần xác lập được nền tảng đạo đức nghề nghiệp vững chắc và có sự đồng lòng thống nhất thực hiện ở các đơn vị trong ngành phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao các tổ chức tín dụng phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng - với tư cách là một Hội nghề nghiệp của ngành, có vai trò là cầu nối, đại diện cho các hội viên, nghiên cứu, xây dựng và ban hành Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng do Hiệp hội Ngân hàng làm đầu mối. Trên cơ sở ý kiến đóng góp chung của các tổ chức hội viên, Hiệp hội đã ban hành Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng để thống nhất áp dụng trong toàn ngành.
Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng bao gồm 6 chuẩn mực đạo đức và 2 quy tắc ứng xử, với cách thể hiện ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ và thiết thực với công việc hàng ngày để cán bộ, nhân viên dễ tra cứu, nắm bắt và thực hiện. Bên cạnh những yêu cầu về kiến thức, năng lực và kinh nghiệm chuyên môn, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp và nâng cao văn hóa ứng xử là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên và lâu dài của mỗi cán bộ ngân hàng để đáp ứng các yêu cầu phát triển ngân hàng an toàn, hiệu quả và bền vững.
Trên cơ sở chắt lọc một cách cô đọng, khái quát những giá trị cốt lõi về đạo đức nghề nghiệp và phong cách, thái độ ứng xử cần thiết của người cán bộ ngân hàng, các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử có quan hệ gắn bó với nhau, hợp lại thành hình ảnh đầy đủ, toàn diện cả những yêu cầu về phẩm chất, đức tính, bản chất bên trong và những yêu cầu về thái độ, phong cách thể hiện ra bên ngoài của người cán bộ ngân hàng trong công việc. Người cán bộ ngân hàng vừa cần có đạo đức nghề nghiệp theo các chuẩn mực, vừa cần có cách ứng xử theo những khuôn khổ, quy tắc nhất định. Từng chuẩn mực có phạm vi riêng, nhưng các chuẩn mực có mối quan hệ, gắn với nhau, bổ trợ lẫn nhau, tạo nên một thể thống nhất, phản ánh đầy đủ, toàn diện về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ ngân hàng. Cụ thể là:
- Tính tuân thủ là yêu cầu bắt buộc hàng đầu mà người cán bộ ngân hàng phải luôn ghi nhớ và thực hiện trong việc chấp hành pháp luật, quy định của Ngành, quy trình, nội quy của nội bộ ngân hàng. Cán bộ ở vị trí càng cao, trách nhiệm càng lớn đòi hỏi càng phải tuân thủ nghiêm túc, làm gương cho cán bộ dưới quyền.Tính tuân thủ còn bao gồm cả việc không để bị tác động, lôi kéo, đồng lõa, tiếp tay cho những hành vi vi phạm; đòi hỏi người cán bộ phải có bản lĩnh nghề nghiệp, vững vàng trước các tác động từ bên ngoài, tránh để vô tình hay hữu ý liên quan, liên đới đến các hành vi vi phạm dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
- Cùng với tính tuân thủ, sự cẩn trọng là đòi hỏi rất thiết yếu đối với người cán bộ ngân hàng. Mặc dù trong tính tuân thủ đã bao hàm sự cẩn trọng, nhưng trong mọi công việc vẫn đòi hỏi người cán bộ ngân hàng phải hết sức cẩn trọng để tránh sai sót xảy ra. Hoạt động ngân hàng là hoạt động chứa đựng nhiều rủi ro, trách nhiệm của ngân hàng là phải quản trị được những rủi ro đó, nhằm bảo đảm an toàn cho tài sản của ngân hàng và khách hàng, đồng thời kinh doanh hiệu quả.
- Sự liêm chính: là yêu cầu đối với mọi ngành nghề, mọi cán bộ, nhân viên trong quá trình thực thi công vụ. Với nghề ngân hàng, nghề kinh doanh tiền bạc, liêm chính lại càng cần thiết, quan trọng và có những yêu cầu riêng. Tiền có sức cám dỗ rất lớn, như một ma lực khó kiểm soát và quản lý, dễ chi phối, thao túng hành vi, làm sai lệch các quy tắc, có thể khiến người cán bộ bị lung lay, xa rời tôn chỉ, thậm chí bị sa ngã, tha hóa, gây nên những hệ lụy rất lớn cho bản thân người cán bộ cũng như cho tổ chức của mình. Bởi vậy, mỗi cán bộ ngân hàng phải xác định thật rõ tính hệ trọng của sự liêm chính, từ đó có ý thức thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện.
- Sự tận tâm và chuyên cần: Để đem lại thành công cho ngân hàng và cho bản thân người cán bộ thì sự tận tâm và chuyên cần trong mọi công việc là một yêu cầu thiết yếu. Có tận tâm chuyên cần mới hoàn thành tốt được nhiệm vụ, mới không ngừng nâng cao được năng lực của bản thân, ngày càng tinh thông nghiệp vụ, từ đó càng đam mê, yêu nghề, gắn bó với nghề và cống hiến được nhiều nhất cho nghề. Có chu đáo, tận tâm trong quan hệ với khách hàng mới tạo ra chất lượng dịch vụ và sự hài lòng, chiếm được lòng tin của khách hàng.
- Tính chủ động, sáng tạo, thích ứng: Đây là yêu cầu mới đặt ra nhằm đáp ứng đòi hỏi của bối cảnh công nghệ ngân hàng đang phát triển nhanh, mô hình hoạt động của ngân hàng đang trong thời kỳ chuyển đổi từ mô hình ngân hàng truyền thống sang ngân hàng số ứng dụng công nghệ mới. Cần có tinh thần sẵn sàng thay đổi, tiếp thu cái mới, mạnh dạn đổi mới sáng tạo cả trong tư duy và phong cách làm việc. Cùng đó, áp lực cạnh tranh gia tăng, cán bộ ngân hàng cần nâng cao khả năng thích nghi với điều kiện, môi trường xung quanh.
- Ý thức bảo mật thông tin: Bảo mật thông tin ngân hàng và khách hàng là trách nhiệm của cán bộ ngân hàng, vì lộ lọt thông tin có thể gây tổn hại đến tài sản, thương hiệu, uy tín của ngân hàng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động ngân hàng. Trong thời đại mà thông tin, dữ liệu là nguồn tài nguyên quý báu như hiện nay, yêu cầu về bảo mật thông tin của khách hàng, của ngân hàng và của chính từng người trở nên hệ trọng và cấp thiết.
Cùng với đó là hai quy tắc ứng xử:
Một là ứng xử trong nội bộ, gồm ứng xử của cán bộ cấp dưới với cấp trên, cán bộ cấp trên với cấp dưới và đồng cấp với nhau.
Hai là ứng xử với bên ngoài, cụ thể là với khách hàng và đối tác bên ngoài. Thái độ, phong cách, tác phong làm việc và giao tiếp trong quan hệ nội bộ và với bên ngoài thể hiện tính lịch sự và chuyên nghiệp của người cán bộ ngân hàng. Nó tạo ra không khí làm việc nghiêm túc, tạo môi trường làm việc lành mạnh, giúp cho bộ máy ngân hàng từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài vận hành trôi chảy, thúc đẩy ngân hàng phát triển theo tầm nhìn chiến lược của ngân hàng, đáp ứng mong đợi, kỳ vọng của nhân viên cũng như của khách hàng, của xã hội.
Nắm vững bộ chuẩn mực cũng sẽ giúp cán bộ rèn luyện hình thành những kỹ năng công tác cần thiết, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công tác của mình, đóng góp tốt cho sự phát triển của bộ phận mình cũng như các bộ phận khác liên quan, giúp giảm thiểu, ngăn ngừa được rất nhiều rủi ro cho ngân hàng. Đây cũng là lá chắn, sự tự bảo vệ của chính bản thân mình không mắc sai lầm, không vướng vào những tình huống rắc rối không mong muốn, tạo uy tín cho ngân hàng của mình và cho hình ảnh của ngành Ngân hàng trong con mắt của xã hội.
Nếu không ý thức đầy đủ và thực hiện tốt theo những chuẩn mực nêu trên thì rất nhiều rủi ro có thể xảy ra.
Với truyền thống 70 năm xây dựng và phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam, cán bộ, đảng viên, người lao động ngành Ngân hàng noi theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thực hiện tốt các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử, để tạo nên một đội ngũ cán bộ ngân hàng vững vàng về chính trị, tư tưởng, trong sáng về đạo đức, lối sống, thành thạo chuyên môn nghiệp vụ. Có như vậy trong bất kỳ bối cảnh nào cũng đều tự tin vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, cống hiến nhiều hơn nữa cho Ngành và cho đất nước, góp phần lan tỏa trên tất cả các lĩnh vực đảm bảo lành mạnh cho sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị và đồng thuận xã hội.
Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng bao gồm 6 chuẩn mực đạo đức và 2 quy tắc ứng xử, với cách thể hiện ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ và thiết thực với công việc hàng ngày để cán bộ, nhân viên dễ tra cứu, nắm bắt và thực hiện. Bên cạnh những yêu cầu về kiến thức, năng lực và kinh nghiệm chuyên môn, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp và nâng cao văn hóa ứng xử là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên và lâu dài của mỗi cán bộ ngân hàng để đáp ứng các yêu cầu phát triển ngân hàng an toàn, hiệu quả và bền vững. Trên cơ sở chắt lọc một cách cô đọng, khái quát những giá trị cốt lõi về đạo đức nghề nghiệp và phong cách, thái độ ứng xử cần thiết của người cán bộ ngân hàng, các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử có quan hệ gắn bó với nhau, hợp lại thành hình ảnh đầy đủ, toàn diện cả những yêu cầu về phẩm chất, đức tính, bản chất bên trong và những yêu cầu về thái độ, phong cách thể hiện ra bên ngoài của người cán bộ ngân hàng trong công việc. Người cán bộ ngân hàng vừa cần có đạo đức nghề nghiệp theo các chuẩn mực, vừa cần có cách ứng xử theo những khuôn khổ, quy tắc nhất định. Từng chuẩn mực có phạm vi riêng, nhưng các chuẩn mực có mối quan hệ, gắn với nhau, bổ trợ lẫn nhau, tạo nên một thể thống nhất, phản ánh đầy đủ, toàn diện về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ ngân hàng. |