Áp dụng IFRS: Thời điểm đã chín muồi
Áp dụng IFRS: Kinh nghiệm từ Hàn Quốc và Nhật Bản | |
Chộn rộn với chuẩn kế toán quốc tế |
Tăng minh bạch và khả năng cạnh tranh
Bối cảnh kinh tế quốc tế mới và xu thế hội nhập đòi hỏi các nước cũng như Việt Nam lựa chọn phương án và xây dựng lộ trình để đưa hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), hệ thống chuẩn mực kế toán công quốc tế (IPSAS) vào áp dụng.
Vì lẽ đó, ngày 15/8 Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Đề án áp dụng chuẩn mực IFRS tại Việt Nam, với dự kiến sẽ được áp dụng rộng rãi từ sau năm 2025. Đề án chia theo 3 nhóm: Một là nhóm các DN, đơn vị mong muốn áp dụng nguyên bản hệ thống kế toán kiểm toán quốc tế; hai là, nhóm áp dụng chuẩn kế toán Việt Nam cùng với lộ trình ban hành IFRS; ba là, nhóm 3 áp dụng chế độ kế toán riêng quy định tại các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Theo đó giai đoạn từ 2022 - 2025, các DN có nhu cầu và đủ nguồn lực sẽ thông báo cho Bộ Tài chính trước khi tự nguyện áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất (đối tượng bao gồm: Công ty mẹ của tập đoàn kinh tế Nhà nước quy mô lớn có các khoản vay được tài trợ bởi các định chế tài chính quốc tế; công ty niêm yết; công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết; các công ty mẹ khác có nhu cầu và nguồn lực tự nguyện áp dụng IFRS). Các DN tự nguyện hoặc được lựa chọn áp dụng IFRS sẽ được miễn lập BCTC theo VAS. Các DN có 100% vốn FDI có nhu cầu và đủ nguồn lực sẽ thông báo cho Bộ Tài chính trước khi tự nguyện áp dụng IFRS để lập BCTC riêng.
Giai đoạn từ sau năm 2025 là giai đoạn bắt buộc áp dụng IFRS. Trong đó, BCTC hợp nhất áp dụng đối với tất cả công ty mẹ của tập đoàn kinh tế Nhà nước; tất cả các công ty niêm yết; công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết. Riêng các công ty mẹ khác không thuộc đối tượng bắt buộc nêu trên được khuyến khích tự nguyện áp dụng IFRS cho BCTC hợp nhất. Trên cơ sở đánh giá kết quả áp dụng IFRS của giai đoạn 1, Bộ Tài chính căn cứ nhu cầu, khả năng sẵn sàng của các DN và tình hình thực tế để quy định thời điểm và lộ trình bắt buộc áp dụng IFRS cho từng nhóm đối tượng cụ thể, đảm bảo tính hiệu quả và khả thi…
Chia sẻ tại hội thảo “Áp dụng IFRS và tương lai tiền tệ”, do Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức, ông Lưu Đức Tuyên - Phó cục trưởng Cục Giám sát kế toán kiểm toán (Bộ Tài chính) cho rằng, khi Đề án được Chính phủ phê duyệt, sẽ giúp cho việc thực hiện nghiệp vụ kế toán, kiểm toán tại Việt Nam đáp ứng được các nhóm đối tượng trong nền kinh tế có độ mở lớn.
Thách thức áp dụng IFRS 9 với các ngân hàng
Theo Đề án, NHNN sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong quá trình hướng dẫn các ngân hàng và tổ chức tài chính áp dụng IFRS; Đề xuất đối tượng, lộ trình, phương án áp dụng IFRS cho các ngân hàng và tổ chức tài chính phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn.
“Lộ trình áp dụng trong lĩnh vực ngân hàng cũng dựa trên lộ trình chung. Tuy nhiên, do đặc điểm đặc thù nên trong Đề án này giao cho Bộ Tài chính kết hợp với NHNN sẽ nghiên cứu kỹ để đưa ra lộ trình phù hợp với quản lý của NHNN”, ông Tuyên thông tin.
Nhìn lại tình hình triển khai chuẩn mực BCTC quốc tế về công cụ tài chính (IFRS 9) tại các ngân hàng Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga - Phó Tổng giám đốc dịch vụ tài chính ngân hàng, Công ty EY Việt Nam nhận định, Việt Nam đang chậm nhất trong ASEAN về áp dụng IFRS 9.
Cụ thể, trong số các ngân hàng đã niêm yết trên TTCK, hiện mới chỉ có 1 ngân hàng hoàn thành, 1 ngân hàng đang triển khai, 2 ngân hàng đang trong quá trình chọn nhà thầu, 3 ngân hàng đã lên kế hoạch triển khai và có tới 6 ngân hàng chưa lên kế hoạch triển khai áp dụng IFRS 9. Với các ngân hàng chưa niêm yết, hiện chưa có ngân hàng nào đã triển khai hoặc lên kế hoạch chính thức để triển khai IFRS 9.
Theo bà Nga, một trong những thách thức lớn hiện nay đối với các ngân hàng là dữ liệu để phát triển mô hình và tính toán tổn thất tín dụng dự kiến (ECL). Mô hình rủi ro tín dụng mới sẽ cần phải được phát triển bằng cách sử dụng cả dữ liệu lịch sử về tổn thất tín dụng và các biến số kinh tế vĩ mô để ước tính tổn thất dự kiến trong tương lai.
Bên cạnh đó, một loạt các chính sách và quy trình cần được xây dựng, sửa đổi hoặc cập nhật (liên quan đến phát triển sản phẩm, đầu tư, khóa sổ và lập BCTC, đánh giá và trình bày kết quả đánh giá mô hình kinh doanh, đánh giá rủi ro tín dụng riêng lẻ, quản trị mô hình…).
Đồng thời ở nhiều ngân hàng hiện nay, hệ thống hiện tại chưa đáp ứng được các yêu cầu như: Tính toán lãi suất hiệu dụng và chi phí phân bổ; tính toán ECL và thuyết minh ECL; kết hợp giữa chức năng quản trị rủi ro và tài chính trong các phần mềm… Ngoài ra, thiếu nhân sự để triển khai mô hình, thiếu kiến thức và kinh nghiệm về IFRS hay yêu cầu sự tham gia của đơn vị kinh doanh trong phân loại và đo lường, suy giảm giá trị cũng như quy trình khóa sổ và lập BCTC cũng là những thách thức cần hóa giải.
Tuy nhiên theo bà Nga, với các ngân hàng đã đáp ứng được các tiêu chuẩn Basel II, tức là đã có quá trình dài để làm sạch dữ liệu, làm giàu dữ liệu… sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong xây dựng và chạy mô hình IFRS 9. Ngược lại với các ngân hàng chưa theo được Basel II thì quá trình này sẽ khó khăn hơn và kinh nghiệm cho thấy sẽ phải mất từ 2-3 năm mới có thể sẵn sàng. Như vậy cùng với chuẩn mực Basel II mà các ngân hàng đang theo đuổi, việc có thể áp dụng theo chuẩn IFRS sẽ giúp các ngân hàng Việt ngày càng tiệm cận với chuẩn sân chơi chung của toàn cầu.
Theo tài liệu của Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB), trong số 131 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tuyên bố về việc cho phép áp dụng IFRS dưới các hình thức khác nhau thì có 119 quốc gia và vùng lãnh thổ đã yêu cầu bắt buộc sử dụng IFRS khi lập và trình bày BCTC đối với tất cả hoặc hầu hết các đơn vị lợi ích công chúng trong nước; 12 quốc gia cho phép lựa chọn tự nguyện áp dụng. |