Áp lực thu hồi nợ dồn về cuối năm
Giải pháp đồng bộ, thúc đẩy xử lý nợ xấu hiệu quả | |
Cần cơ chế đặc thù cho trường hợp đặc biệt | |
Quyết liệt xử lý nợ xấu |
Gần đây, một loạt các ngân hàng như Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank có thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo nợ vay là đất đai ở TP.HCM đối với những khoản nợ đã quá hạn. Không khí thu hồi nợ dường như cũng mau chóng hơn ở các NHTMCP, lãnh đạo các ngân hàng Maritime Bank, NCB, VPBank cho biết họ đang tích cực xử lý những khoản nợ quá hạn bằng hình thức bán tài sản đảm bảo.
Theo Techcombank, từ cuối tháng 8 đến nay, ngân hàng này đã thu hồi 32 tài sản đảm bảo là bất động sản và xe của cá nhân, tổ chức vay vốn quá hạn nợ. Một số ngân hàng thu hồi nợ thông qua hình thức phát mãi tài sản sau khi có bản án của tòa án.
Trước đây việc xử lý nợ xấu rất khó khăn do khuôn khổ pháp lý không đủ mạnh, bên vay thường bất hợp tác, chây ì, trì hoãn việc chuyển giao tài sản đảm bảo. Hiện nay, Nghị quyết 42 của Quốc hội vừa thông qua đã trở thành giải pháp hữu hiệu hơn bao giờ hết. Theo đó, một số khoản nợ được các ngân hàng áp dụng theo hình thức rút gọn mà không phải qua tòa án đã đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ quá hạn. Hoạt động thu hồi nợ nhanh chóng còn đến từ nhu cầu chốt việc trích lập dự phòng rủi ro và các tỷ lệ an toàn cuối năm để các NHTM hoàn thiện kết quả kinh doanh trong năm.
Trong khi đó, nhiều DN kêu cuối năm nhu cầu vốn cần thêm phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, lại thêm áp lực trả nợ nên càng thêm khó. Bà Phan Thị Liên đang có một tài sản thế chấp ở BIDV Bình Chánh (TP.HCM) để vay 80 tỷ đồng, cho biết tài sản ngân hàng cầm của bà là một lô đất (Quận 1) theo giá thị trường hiện nay khoảng gần 200 tỷ đồng, nhưng ngân hàng đã từng định giá trước đó hơn 120 tỷ đồng.
Trong số những khoản nợ của bà Liên, có hai khoản nợ là bảo lãnh cho Công ty nhựa đường Minh Đạt, nhưng từ tháng 4 đến nay DN này gặp khó khăn không thể thanh toán được nợ gốc trong khi vẫn trả lãi đầy đủ hàng tháng, còn tài sản thế chấp thì đã bị phía ngân hàng phát mãi. Theo bà Liên, quy trình xử lý tài sản đảm bảo nợ vay đúng quy trình pháp luật nhưng việc xử lý quá gấp gáp gây nhiều khó khăn, do tài sản đó còn có vốn góp của các cổ đông khác mà bà Liên chỉ là một cổ đông trong đó. Hơn nữa tài sản này đang được cho thuê nên đến nay phía thuê đang kiện vì phía cho thuê vi phạm hợp đồng.
Nhiều chủ sở hữu các tài sản đảm bảo nợ vay cũng có chung cảnh ngộ cho rằng họ muốn được ngân hàng khoanh nợ hoặc thương lượng cho họ tự bán tài sản đảm bảo để trả nợ kéo dài sau 2 đến 3 tháng. Tuy nhiên, thực tế, thời điểm cuối năm kết quả thực hiện thu hồi nợ sẽ tác động đến việc thực hiện kế hoạch kinh doanh đã đề ra trong năm. Mặt khác, lợi nhuận và nợ xấu là hai điểm mà cổ đông ngân hàng nhìn vào đầu tiên khi đánh giá hoạt động ngân hàng. Do vậy, hầu hết các ngân hàng đều rất chú trọng vấn đề này trong thời điểm cuối năm.
Theo chia sẻ của nhân viên kinh doanh của BIDV, cái khó của người làm ngân hàng lúc này là nếu tỷ lệ nợ xấu của đơn vị mình vượt mức quy định do hội sở đưa ra thì chi nhánh đó sẽ bị xếp hạng thấp và không hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh. Nhiều đơn vị chỉ cần vướng phải một khoản vay là đã bị chuyển nhóm nợ dẫn đến cả đơn vị không đạt chỉ tiêu kinh doanh trong năm, nên càng về cuối năm tình hình theo dõi nợ càng sát sao hơn.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, chia sẻ với những khó khăn của các DN bị thu hồi nợ và cho biết: hiện nay NHNN chi nhánh TP.HCM đang giám sát 6 NHTM thí điểm theo Nghị quyết 42. Theo đó, tới đây NHNN Việt Nam sẽ ban hành những thông tư hướng dẫn các NHTM thực hiện việc xử lý nợ xấu có sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan sẽ thận trọng hơn.