Cần cơ chế đặc thù cho trường hợp đặc biệt
Miễn trách nhiệm cho cán bộ tham gia cơ cấu lại TCTD: Cần thấu tình, đạt lý | |
Nên miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại TCTD kiểm soát đặc biệt |
Đúng - sai: ranh giới mong manh
Một trong những nội dung đang được bàn thảo khá nhiều tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV là bổ sung quy định miễn trách nhiệm với người tham gia cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt. Có ý kiến cho rằng, không chỉ riêng lĩnh vực NH, mà còn nhiều nghề nguy hiểm khác như cảnh sát hình sự, công an…
Nhìn lại các vụ đại án liên quan đến các TCTD đã đưa ra xét xử trong những năm gần đây, một Đại biểu Quốc hội tỏ ra lo lắng về thực trạng hết sức phức tạp, khó khăn, nhất là việc giải quyết, xử lý hậu quả các TCTD yếu kém. Trong khi quy định pháp luật lại chưa đầy đủ và hậu quả pháp lý với những người tham gia ít nhiều có thể bị liên quan.
Việc thiếu các quy định cụ thể đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của những người tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém |
Trên thực tế, khi thực hiện điều tra, truy tố, xét xử đối với các trường hợp này, cơ quan tiến hành tố tụng thường quy kết vào tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc xác định thế nào là thiếu trách nhiệm lại không có tiêu chí rõ ràng. Do đó không ít cán bộ tìm cách từ chối khi được giao thực hiện các nhiệm vụ tại các tổ chức này, làm thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực tham gia xử lý TCTD yếu kém, nhất là trong bối cảnh sắp tới khi dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các TCTD được ban hành. Mà nguồn nhân lực tham gia cơ cấu lại TCTD diện kiểm soát đặc biệt lại là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo hiệu quả tiến trình cơ cấu lại hệ thống TCTD.
Chính vì vậy, theo một chuyên gia NH, việc phân công người hoặc cán bộ buộc phải đảm nhận nhiệm vụ này cũng phải có cơ chế đặc biệt. Bởi lẽ, cán bộ đang thực hiện công việc thuận lợi, thu nhập tốt thì không ai xung phong tình nguyện vào nơi “khổ ải” với trách nhiệm nặng nề: giải cứu các TCTD được kiểm soát đặc biệt. Khó khăn đặc biệt chắc chắn cũng có rủi ro đặc biệt. Hơn thế, người tham gia tái cơ cấu TCTD yếu kém đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn tốt, năng lực cao mới có thể tham gia giải quyết những vấn đề tồn đọng phức tạp tại NH yếu kém. Chưa kể khi xử lý các tồn đọng phức tạp thì ranh giới giữa làm đúng và sai rất mong manh.
“Việc thiếu các quy định cụ thể đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của những người tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém và đa số cán bộ tham gia việc cơ cấu lại là nhân viên của các NHTMNN, họ không phải là cán bộ công chức của nhà nước. Do vậy, vừa qua có tình trạng rất nhiều cán bộ từ chối, hoặc đã được cử sang rồi thì tìm cách thay đổi và xin thôi nhiệm vụ. Đó là những bất cập rất lớn trong việc có thể trưng tập được những cán bộ có đạo đức, có năng lực và kinh nghiệm để tham gia cơ cấu lại các TCTD yếu kém”, Thống đốc Lê Minh Hưng bày tỏ lo ngại.
Miễn trách nhiệm có điều kiện
Trên thực tế, việc miễn trách nhiệm với những người tham gia tái cơ cấu các NH yếu kém đã có tiền lệ ở nhiều quốc gia. Chiểu theo nguyên tắc số 2 của 25 nguyên tắc cốt lõi về thanh tra, giám sát theo Basel II có quy định về việc các cán bộ của cơ quan quản lý phải được bảo vệ khỏi các trách nhiệm dân sự và hình sự đối với các hành động, thiếu sót trong quá trình thực thi nhiệm vụ được giao trên tinh thần công tâm, trung thực. Áp dụng thông lệ quốc tế, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Hong Kong đều không quy định các chính sách này tại các văn bản pháp luật về tố tụng mà quy định ngay tại các văn bản liên quan đến thanh tra giám sát lĩnh vực NH, tài chính.
Từng giảng dạy nhiều năm tại trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh và nghiên cứu sâu về hoạt động của hệ thống NH, Đại biểu Quốc hội Đoàn TP. Hồ Chí Minh, TS. Trần Hoàng Ngân ủng hộ đề xuất về miễn trách nhiệm đối với những người tham gia cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt theo Điều 147 tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các TCTD. Qua nắm bắt từ thực tế, TS. Ngân khá thông cảm cho các cán bộ, chuyên viên, viên chức được điều động về những NH yếu kém. Vì họ thường gặp rất nhiều thử thách do làm việc trong một môi trường căng thẳng, nhiều rủi ro. Vì đụng đến nợ xấu, đụng đến những vấn đề bên trong rất phức tạp.
“Nên chúng ta phải có cơ chế bảo vệ lực lượng này và chúng ta nên tuyển những người vừa năng động, trí tuệ, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng thì mới đảm đương được nhiệm vụ vực dậy NH. Cũng giống như các y, bác sỹ đang làm việc ở các phòng cấp cứu đều phải là những người có chuyên môn giỏi…”, TS. Ngân đưa ra quan điểm. Nhưng ông cũng lưu ý là việc miễn trách nhiệm này phải trừ trường hợp thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; và đồng thời cần có cơ chế giám sát các tổ chức, đơn vị tham gia kiểm soát đặc biệt.
Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng cần phải rạch ròi, phân minh giữa công và tư. Chỉ việc nào cán bộ làm vì tư lợi cá nhân, cố ý vi phạm, tham nhũng thì mới xử lý, còn không thì xác định đó là một DN phá sản, không phải chịu trách nhiệm về quyết định kinh doanh.
Đối với vấn đề này, giải trình trước Quốc hội, thay mặt Chính phủ, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định: việc miễn trừ trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại các TCTD yếu kém được thực hiện với các điều kiện rất chặt chẽ, đáp ứng đầy đủ quy định. Thứ nhất là người được giao phải thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn một cách trung thực. Thứ hai, theo đúng quy định của pháp luật. Thứ ba là đúng các phương án cơ cấu lại TCTD đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong bối cảnh hiện tại, nếu chờ quy định sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Hình sự hay Luật Cán bộ công chức, không chỉ các Đại biểu Quốc hội mà nhiều chuyên gia kinh tế NH cho rằng sẽ không đảm bảo tính kịp thời, toàn diện của việc tạo lập khuôn khổ pháp lý để xử lý các TCTD yếu kém.
ĐBQH Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội): Cần sự bảo vệ quyền lợi chính đáng Từ thực tế tại VietinBank, chúng tôi có một lượng rất lớn cán bộ tham gia tái cơ cấu hai ngân hàng là GPBank và Ocean Bank. Có thể nói anh em cũng hết sức vất vả, khó khăn, lương thì thấp, chế độ đãi ngộ không có và phải thực hiện những công việc rất nặng nề; ranh giới giữa trách nhiệm và thiếu trách nhiệm cũng rất mong manh. Chính vì vậy những cán bộ tham gia vào các NH kiểm soát đặc biệt rất cần có sự hỗ trợ từ Quốc hội, Chính phủ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ, trong trường hợp họ đã cống hiến hết mình, đã công tâm, trung thực trong công việc. Nhiều nước trên thế giới đã có những quy định về vấn đề này ở các luật chuyên ngành. Thực tế tại Việt Nam, qua nghiên cứu tài liệu cũng như ý kiến của chuyên gia, chúng tôi thấy rằng nếu chúng ta quy định quyền miễn trách nhiệm trong Luật Các TCTD cũng hoàn toàn phù hợp và không hề chồng chéo, không hề mâu thuẫn với Bộ luật Hình sự cũng như là các luật khác. Do vậy, tôi đề nghị Quốc hội và Thường vụ Quốc hội cũng cho phép bổ sung quy định để miễn trừ trách nhiệm cho những người tham gia cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt ngay trong dự thảo Luật Các TCTD lần này. ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk): Thông lệ quốc tế, nhiều nước cũng quy định tương tự Tôi thấy rằng mặc dù quy định về miễn trách nhiệm của cán bộ công chức hay của người có hành vi vi phạm đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành tương ứng như: Luật Cán bộ công chức, viên chức hay Luật Dân sự, Luật Hình sự. Nhưng để đảm bảo tính kịp thời, chặt chẽ ngay trong một luật thì theo tôi cần phải quy định ngay tại dự thảo Luật Các TCTD là phù hợp. Có như vậy thì việc miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại các TCTD được kiểm soát đặc biệt mới có thể áp dụng ngay và cũng phù hợp với quy định của Hiệp ước Basel II. Theo thông lệ quốc tế, nhiều nước cũng có quy định như vậy. Do đó, tôi đề nghị trong dự thảo luật này chúng ta quy định về điều kiện, phạm vi, thời điểm được miễn trách nhiệm trên cơ sở rà soát các quy định của pháp luật có liên quan. Vì có thể những cán bộ tham gia cơ cấu lại các TCTD được kiểm soát đặc biệt không chịu trách nhiệm về kết quả của việc thực hiện theo phương án đã được phê duyệt, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên có thể chỉnh lý một chút là họ cũng phải chịu trách nhiệm đối với nội dung đề xuất, tham mưu của mình trong quá trình tham gia xử lý các TCTD yếu kém. Quy định như vậy sẽ chặt chẽ và kịp thời hơn, tránh vấn đề là anh tham gia mà anh không chịu trách nhiệm gì. Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico: Hài hoà quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ Bàn tới trách nhiệm của cán bộ tham gia tái cơ cấu các TCTD yếu kém, theo tôi cần xét ở hai khía cạnh. Thứ nhất là quyền lợi, thứ hai là trách nhiệm và nghĩa vụ. Về quyền lợi thì phải giống nhau. Đối với vấn đề trách nhiệm khi giải quyết hậu quả, nếu cứ làm bình thường thì bế tắc, không giải quyết được. Nên cho họ quyền quyết định, chấp nhận rủi ro là làm gì cũng có đúng, có sai. Vấn đề là cán bộ cứ làm vô tư, hết trách nhiệm. Trên thực tế, các cơ quan quản lý, hay các đơn vị được giao nhiệm vụ thiết nghĩ nên linh hoạt đối với các cán bộ được điều động làm nhiệm vụ tái cơ cấu các TCTD yếu kém. Luật nên mở ra đối với xử lý những trường hợp đặc biệt thay vì điều hẳn sang TCTD yếu kém đó, thì có thể kiêm nhiệm, cho hưởng hai chế độ. Tất nhiên không được 100% thì vẫn phải có một phần nào đó để làm sao tổng thu nhập, lợi ích ít nhất phải bằng như trước đây. Vì nhà nước giao cho tổ chức, đơn vị đó gánh vác trách nhiệm, chứ đâu chỉ riêng mỗi cá nhân đó. Thêm nữa, cần tạo ra quy định, nguyên tắc, quan trọng là quá trình quản lý, triển khai phải thống nhất quan điểm giữa các ngành liên quan. Nếu không thống nhất được ngay từ đầu, không có quy định trong phối hợp liên ngành thì tất yếu dẫn tới không ai dám làm, và điều đó đồng nghĩa với thất bại. |