Tăng thuế với bia: Giải pháp nào cho bài toán cân bằng lợi ích?
Cần cân nhắc thời điểm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt Doanh nghiệp đồ uống kêu cứu về dự kiến tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên 100% Tăng thuế tiêu thụ đối với đồ uống có cồn: Lộ trình nào phù hợp? |
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt mặt hàng bia cần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp |
Chiều ngày 25/11, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) chủ trì tổ chức Hội thảo Công bố “Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo luật về tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia”.
Doanh nghiệp kiến nghị điều chỉnh lộ trình
Trình bày kết quả Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo luật về tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, trưởng nhóm nghiên cứu gồm các thành viên đến từ Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Tổng cục Thống kê thông tin, báo cáo cho thấy việc tăng thuế theo 2 phương án Bộ Tài chính đề xuất sẽ có tác động kinh tế - xã hội trực tiếp tới ngành bia và 21 ngành liên quan khác, cũng như GDP và tăng trưởng GDP, tổng giá trị tăng thêm (GVA) của nền kinh tế, thu ngân sách nhà nước...
Mặc dù việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia được kỳ vọng sẽ mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, báo cáo mới đây đã hé lộ những hệ lụy tiềm ẩn. Theo đó, mặc dù thu ngân sách từ thuế gián thu có thể tăng trong ngắn hạn, nhưng hiệu ứng này không bền vững và có thể gây ra sự sụt giảm của thuế trực thu.
Theo bà Thảo, việc tăng thuế có thể tác động tiêu cực đến thị trường lao động, đặc biệt là ngành bia, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong ngành đồ uống. Điều này không chỉ làm giảm thu nhập của người lao động mà còn kéo theo sự suy giảm của GDP, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế chung.
Đại diện cho doanh nghiệp, bà Trần Ngọc Ánh - Giám đốc Ngoại vụ cấp cao của Heineken Việt Nam cho biết, hiện có ba phương án được đề cập (ngoài hai phương án theo dự thảo). Phương án 1: Thuế bắt đầu tăng từ năm 2026, lộ trình đạt 90% vào năm 2030. Phương án 2: Thuế bắt đầu tăng từ năm 2026, lộ trình đạt 100% vào năm 2030. Ngoài ra, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam đưa ra phương án 3: Thuế suất tăng từ năm 2027 với mức 5%, đạt mức 80% vào năm 2031.
Bà Trần Ngọc Ánh cho rằng, theo đánh giá của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, phương án 2 do Bộ Tài chính đề xuất sẽ gây giảm tăng trưởng GDP của nền kinh tế khoảng 32.000 tỉ đồng, gấp gần bốn lần so với phương án của VBA. Giá trị tăng thêm của nền kinh tế cũng giảm khoảng 62.000 tỉ đồng theo phương án 2, chỉ giảm bằng một nửa so với phương án của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam đưa ra.
Đồng thời, trong cả ba phương án này, thu nhập của người lao động đều bị giảm mạnh, trong đó phương án hai thu nhập của người lao động giảm tổng cộng khoảng 4.400 tỉ đồng, tức là hơn gấp đôi so với mức mà Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam đưa ra.
Vì vậy, bà Ánh kiến nghị các cơ quan nhà nước cân nhắc phương án do Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam đề xuất, trong đó thuế suất sẽ bắt đầu tăng từ năm 2027 với mức 5% và sau đó tăng không quá 5% mỗi lần. Phương án này sẽ vừa đạt được tăng trưởng kinh tế, vừa đảm bảo cho doanh nghiệp kịp thích ứng, đồng thời có tác dụng thúc đẩy thu nhập của người lao động và tăng cường sức mua, là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn mới.
Hài hòa lợi ích giữa các bên
Chia sẻ bên lề hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Linh - chủ một nhà hàng ăn uống tại phố Lương Ngọc Quyến, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, thời gian qua, nhà hàng đã gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 từ năm 2019, tiếp theo đó là sự ra đời của Nghị định 100 vào năm 2020, ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động kinh doanh.
PGS. TS. Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam phát biểu tại hội thảo |
Theo ông Nguyễn Ngọc Linh, do người dân chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về uống rượu bia nên doanh thu từ mặt hàng này của nhà hàng đã giảm đến 70-80%. Sự sụt giảm doanh thu nghiêm trọng đã buộc nhà hàng phải cắt giảm số lượng nhân viên, từ khoảng 10 người xuống chỉ còn 3 người.
Không chỉ doanh thu giảm do người dân uống ít hơn, mà việc tăng giá bia rượu do chính sách thuế cũng gây thêm áp lực lên hoạt động kinh doanh của nhà hàng.
"Nhà hàng mong muốn các cấp lãnh đạo lắng nghe ý kiến của người dân, điều chỉnh các chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp như họ trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay", ông Nguyễn Ngọc Linh cho hay.
Theo PGS. TS. Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, ngành bia và đồ uống nói chung có vai trò quan trọng khi đóng góp lớn vào thu ngân sách nhà nước, với trung bình khoảng gần 60 nghìn tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Ông Việt cho rằng, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành bia sẽ góp phần giúp thay đổi nhận thức người dân, cũng như đóng góp cho ngân sách. Vì vậy, công tác đánh giá tác động của việc tăng thuế có vai trò rất quan trọng để từ đó đi đến một phương án phù hợp, bảo đảm các mục tiêu nuôi dưỡng nguồn thu, tránh gây sốc thị trường, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, các nhà làm chính sách đa số đồng thuận rằng cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia và các sản phẩm có cồn, thuốc lá. Theo bà Cúc, phương án 1 theo đề xuất của Bộ Tài chính đề nghị tăng 5% thuế là tương đối hợp lý, nhưng thời gian áp dụng và lộ trình cần tính toán làm sao để doanh nghiệp có thời gian lập kế hoạch kinh doanh.
Bà Cúc chỉ ra rằng bia không chỉ đơn thuần là một sản phẩm tiêu dùng mà còn là một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực và đời sống xã hội của người Việt. Việc tiêu thụ bia vừa phải có thể mang lại những lợi ích nhất định cho sức khỏe, tuy nhiên, lạm dụng rượu bia lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Để giải quyết vấn đề này, bà Cúc cho rằng cần có những biện pháp đồng bộ, bao gồm cả việc tăng thuế đối với sản phẩm bia. Tuy nhiên, việc tăng thuế cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, cân nhắc tác động đến toàn bộ chuỗi giá trị, từ khâu sản xuất, phân phối đến tiêu dùng. Một lộ trình tăng thuế hợp lý, đi kèm với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sẽ giúp giảm thiểu những tác động tiêu cực.
Bên cạnh đó, việc tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm, cũng như nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc uống rượu bia quá mức là vô cùng cần thiết. Việc xây dựng một môi trường văn hóa uống bia lành mạnh sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp bia.