Bảo đảm quyền lợi cho người lao động
Doanh nghiệp “rời” thị trường
Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng, trong quý I/2020, Phòng Đăng ký kinh doanh của sở đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký thành lập cho 1.100 DN, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt trên 6 nghìn tỷ đồng; giảm 22% về số DN và giảm 10% về số vốn so với cùng kỳ 2019. Trên địa bàn thành phố cũng có 219 DN hoàn tất thủ tục giải thể; 827 DN tạm ngừng hoạt động. Số lượng các DN giảm mạnh trong các lĩnh vực như, thương mại, dịch vụ du lịch, xây dựng, bất động sản… Những con số trên cho thấy tình hình khó khăn chung của các DN ở địa phương, khi số lượng các DN “rời” thị trường đang ngày càng nhiều. Đây cũng là tình cảnh chung của nhiều địa phương trong cả nước vào thời điểm này.
Đại diện Grab Việt Nam (phải) tặng gạo và mì cho đối tác tài xế |
Bên cạnh đó, nhiều DN đang hoạt động cũng lâm vào tình cảnh rất khó khăn. Đơn cử như tại Công ty TNHH Bình Vinh, ông Phạm Bắc Bình - Giám đốc công ty cho biết, do công ty kinh doanh trong lĩnh vực vận tải hàng tiêu dùng, thức uống, cho nên kể từ thời điểm Nghị định 100 của Chính phủ về xử phạt vi phạm nồng độ cồn, lượng hàng hóa bia, rượu tiêu thụ giảm mạnh, kéo theo hoạt động vận tải của công ty cũng giảm theo. Ngay sau đó là những thử thách nặng nề do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19. Hậu quả là mọi hoạt động vận tải của công ty gần như “đứng hình”, doanh thu giảm sâu đến mức kỷ lục.
Tương tự là các DN kinh doanh trên lĩnh vực dịch vụ du lịch. Đến nay, các tour du lịch cả trong và ngoài nước đều đã bị hủy. Nhiều khách sạn, nhà hàng đồng loạt đóng cửa. Tại TP. Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác của cả nước, ngành du lịch dường như đang rơi vào tình trạng “ngủ đông”, dù nếu bình thường thì sắp bước vào khoảng thời gian cao điểm đón khách. Theo ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng, hiện hàng loạt DN du lịch, lữ hành trong thành phố tạm ngừng hoạt động. Nhiều lao động ở các công ty du lịch, lữ hành tạm thời mất việc. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài và không có các giải pháp hiệu quả hỗ trợ, sắp tới DN có nguy cơ dừng sản xuất, thậm chí phá sản trên diện rộng. Những khó khăn của DN cũng sẽ kéo theo những hệ lụy khác cho xã hội. Trong đó, nổi lên là việc người lao động mất việc làm, cuộc sống hàng ngày của họ sẽ gặp nhiều khó khăn.
Dìu nhau vượt qua khó khăn
Thấu hiểu những khó khăn của người lao động, mặc dù doanh thu giảm sút, việc duy trì hoạt động kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, song các DN trên địa bàn TP. Đà Nẵng vẫn đang nỗ lực tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn và nhất là đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động.
Theo đại diện của Liên đoàn Lao động TP. Đà Nẵng, mặc dù khó khăn do những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, song nhiều DN ở địa phương vẫn nỗ lực đảm bảo trả lương cho nhân viên cũng như đảm bảo các quyền lợi cơ bản khác của người lao động. Đặc biệt, để phòng tránh sự lây lan của dịch bệnh, tại nhiều công ty đã tăng cường trang bị cho người lao động các vật dụng cần thiết như: khẩu trang, bảo hộ lao động, nước sát khuẩn. Trước giờ vào ca hoặc trong khi làm việc, công nhân đều được đo thân nhiệt theo đúng quy định y tế; giãn cách, bố trí không gian, thời gian làm việc trong các nhà xưởng hợp lý để phòng tránh dịch bệnh.
Trên thực tế, người lao động và các DN có mối quan hệ cộng sinh mật thiết với nhau. Người lao động cống hiến cho DN và ngược lại DN phải đảm bảo quyền lợi cho họ, để họ yên tâm làm việc, cống hiến. Bản thân nhiều người lao động cũng sẵn sàng chia sẻ với DN này để cùng nhau vượt qua những khó khăn trong thời điểm này. Cũng tại Công ty TNHH Bình Vinh, đến nay công ty vẫn duy trì số lượng lao động, vẫn đảm bảo mức lương cơ bản, các phúc lợi của người lao động đi kèm. Bởi, người lao động sẽ là yếu tố quyết định tính cạnh tranh của DN khi dịch Covid-19 đi qua. Trên thực tế, khi dịch đi qua thì yếu tố quyết định việc DN có nhanh chóng quay trở lại được thị trường hay không phụ thuộc phần lớn vào lực lượng lao động.
Ngoài việc bảo đảm các chế độ lương, phúc lợi theo quy định, trong thời điểm khó khăn này, người lao động ở TP. Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác đang nhận được những sẻ chia, hỗ trợ kịp thời của cộng đồng DN. Đơn cử, tại TP. Đà Nẵng các đối tác tài xế Grab có hoàn cảnh khó khăn sẽ được nhận các phần gạo, mì gói trong chương trình 80 tấn gạo và 8 nghìn thùng mì gói, “Cùng Grab chung tay - Vững vàng vượt khó”, nhằm hỗ trợ các đối tác tài xế và cộng đồng trong mùa dịch Covid-19. Bà Nguyễn Thái Hải Vân - Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam cho biết, một trong những ưu tiên hàng đầu của hãng là chăm lo cho cộng đồng đối tác tài xế - người đang chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh gây ra. Bằng sự hỗ trợ về lương thực, Grab mong có thể tiếp sức cho các đối tác tài xế bằng những bữa cơm no đủ, qua đó phần nào giúp người lao động cất bớt những gánh nặng, âu lo trong thời gian khó khăn này.
Bên cạnh đó, hiện các cơ quan chức năng ở thành phố đang đẩy mạnh việc khảo sát các đối tượng, xây dựng phương án hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng, hộ gia đình, DN và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồng thời, tạm dừng các cuộc thanh tra, kiểm tra, hội họp không cần thiết; Kịp thời tiếp thu, trả lời các ý kiến liên quan của tổ chức, DN, người lao động. Được biết, Liên đoàn Lao động TP. Đà Nẵng cũng đã có kiến nghị lên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho phép dùng ngân sách công đoàn thành phố trợ cấp khó khăn cho đoàn viên, người lao động bị mất việc làm bởi tác động của dịch bệnh Covid-19, có hướng dẫn cụ thể về tỷ lệ, điều kiện chi để không mất cân đối...