Cần tiếp tục giảm thuế VAT hỗ trợ doanh nghiệp
Đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng với mọi hàng hóa, dịch vụ UBTVQH cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết giảm thuế giá trị gia tăng |
Lãnh đạo phụ trách bán hàng của một doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng có trụ sở tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, thời điểm hiện tại, người mua hàng hóa và sử dụng dịch vụ đã đang phải nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) là 10%, sau khi Nghị định 15/2022/NĐ-CP về việc giảm 2% thuế VAT với các nhóm hàng hóa, dịch vụ hết hiệu lực từ 31/12/2022. Tuy nhiên, trải qua một thời kỳ dịch bệnh, kinh tế trong và ngoài nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, chính vì vậy rất cần tiếp tục giảm VAT để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
“Thuế VAT là thuế gián thu và người tiêu dùng sẽ là người chịu thuế. Vì vậy việc giảm thuế VAT dù chỉ 2%, sẽ có tác dụng kích cầu tiêu dùng, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, kinh tế phát triển. Đối với các doanh nghiệp, việc giảm thuế VAT sẽ giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, tăng doanh thu, lợi nhuận. Việc giảm thuế VAT vào thời điểm hiện tại có ý nghĩa vô cùng quan trọng để vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh”, vị lãnh đạo này phân tích.
Việc giảm thuế VAT dù chỉ 2%, sẽ có tác dụng kích cầu tiêu dùng |
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.007,3 nghìn tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 3,9%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2023 tăng 26,7% so với 4 tháng đầu năm 2019 – năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Như vậy, tốc độ tiêu dùng nội địa đã dần dần tăng trưởng trở lại.
Xác định thị trường trong nước là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng GDP cả nước, để phát triển thị trường trong nước trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa.
Đại diện Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (Vacod) cho rằng, giảm thuế VAT là hình thức hỗ trợ gián tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng. Chính sách này áp dụng trong năm qua đã phát huy tác dụng, nên rất cần thiết tiếp tục duy trì thực hiện việc giảm 2% thuế VAT áp dụng trong năm 2023 để người tiêu dùng được thụ hưởng trong bối cảnh có khá nhiều biến động về kinh tế, chính trị, lạm phát trên toàn thế giới đang diễn ra.
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch kiêm Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh nhận định, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thời gian qua phải chịu tác động không nhỏ từ cuộc khủng hoảng năng lượng, tăng giá nguyên, nhiên liệu do xung đột trên thế giới, lạm phát tăng... Trong khi chính sách giảm thuế VAT được thực hiện ở một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia... đã tạo ra sức cạnh tranh rất lớn đối với các doanh nghiệp trong nước.
“Trong bối cảnh hiện nay, Hiệp hội kiến nghị về việc kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng ít nhất đến hết năm 2023 hoặc lâu hơn do chu kỳ sản xuất của doanh nghiệp thường kéo dài, thu hồi vốn thường chậm. Đặc biệt, việc hoàn thuế VAT cũng cần được cơ quan chức năng giải quyết kịp thời” - ông Hưng nêu kiến nghị.
Theo phân tích của các chuyên gia, giảm thuế VAT là một biện pháp trợ lực tài chính mạnh mẽ với nền kinh tế và có thể tạo động lực tốt cho sự phục hồi của doanh nghiệp, khuyến khích tiêu dùng.
Trong bối cảnh dự báo tình hình thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, khó khăn với nền kinh tế và doanh nghiệp tăng, tạo sức ép lớn tới ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi và phát triển nhiều ngành, lĩnh vực, việc tiếp tục giảm thuế VAT bên cạnh các giải pháp đã và đang thực hiện năm 2023 là cần thiết, phù hợp để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế. Tuy nhiên, mức giảm, thời hạn bao lâu và áp dụng đối với những lĩnh vực, ngành nghề nào thì cần tính toán cẩn trọng từ nguồn thu, khả năng cân đối, không chỉ vì giai đoạn trước mắt mà còn là vì mục tiêu phát triển lâu dài.y