Bay bổng những giai điệu xuân
Mùa xuân là mùa của hoa và thi ca. Muôn sắc màu lung linh trên phố và những nhịp điệu vui tươi chào đón bình minh. Không biết tự bao giờ những câu hát về mùa xuân luôn vang lên trong lòng người yêu âm nhạc với giai điệu đắm say: “Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước/ Em đến bên tôi một lần/ Bao lũ chim rừng hợp đàn trên bến xuân…” (Bến xuân-Văn Cao). Vậy đó, những cung đàn xuân bao giờ cũng đem đến những cảm xúc mộng mơ.
Những nhạc sĩ của mùa xuân
Cảm xúc với tình yêu mùa xuân luôn được các nhạc sĩ quan tâm sáng tác. Tuy vậy, để thành công với đề tài này là không dễ, bởi muốn có một ca khúc hay còn nhờ sự may mắn nữa. Ở Việt Nam, những người được mệnh danh là “nhạc sĩ của mùa xuân” không nhiều. Đầu tiên phải kể đến nhạc sĩ Xuân Hồng. Ông là một hiện tượng ở những ca khúc viết về mùa xuân. Chùm ca khúc rất nổi tiếng của ông gồm: “Xuân chiến khu”, “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” và “Mùa xuân bên cửa sổ”. Không những thế ông còn có thêm ba bài hát khác nữa về đề tài này là “Bức ảnh mùa xuân”, “Khúc xuân” (phổ thơ Ngân Thương) và “Gương mặt mùa xuân” (phổ thơ Trương Vũ Thiên An). Đặc biệt, với bài “Mùa xuân bên cửa sổ” (phổ thơ Song Hảo) ông là người đầu tiên đưa hình ảnh nụ hôn như một biểu tượng chính vào âm nhạc. Phải nói đây là một bước tiến mới trong sáng tác của Xuân Hồng. Bởi sau những ca khúc viết nhân những thời khắc lịch sử (1975), đến mười năm sau ông mới sáng tác “Mùa xuân bên cửa sổ”. Với giai điệu trữ tình tha thiết trong cảm xúc mộng say ngay từ đầu: “Cao cao bên cửa sổ/ Có hai người hôn nhau/ Đường phố ơi hãy yên lặng/ Để hai người hôn nhau” bài hát đã cuốn hút người nghe rất bất ngờ. Bởi đó chính là câu chuyện của người lính trở về sau chiến thắng: “Khi mặt trận bình yên/ Anh lính về thăm phố/ Cô gái vừa tan ca/ Họ hẹn nhau và chờ nhau/ Cùng khát khao hạnh phúc/ Họ đón nhau và mùa xuân cũng theo về”. Giai điệu tình ca để lại cho người nghe những cảm xúc yêu thương nồng nàn.
Nhạc sĩ Trần Hoàn cũng là một người để lại dấu ấn mùa xuân trong gia tài âm nhạc cách mạng với ca khúc “Một mùa xuân nho nhỏ” (phổ thơ Thanh Hải) và “Tình ca mùa xuân”. Nếu ở bản “Tình ca mùa xuân” thể hiện như một bức tranh cổ động đẹp và rực rỡ thì “Một mùa xuân nho nhỏ” lại sống động và sâu nặng ân tình. Giai điệu thiết tha với hình ảnh xúc động qua lời thơ của Thanh Hải bài hát hấp dẫn người nghe: “Mọc giữa dòng sông xanh một bông hoa tím biếc/ Ơi con chim chiền chiện hót chi mà vang lừng/ Từng giọt long lanh rơi tôi đưa tay hứng về/ Mùa xuân người cầm súng lộc rắc đầy trên lưng/ Mùa xuân người ra đồng lộc trải dài nương lúa...”. Sinh thời nhạc sĩ Trần Hoàn đã tâm sự về sự giao lưu sâu sắc của tình bạn giữa ông và nhà thơ Thanh Hải.
Ông kể nhà thơ Thanh Hải sáng tác bài thơ “Một mùa xuân nho nhỏ” trên giường bệnh ở Huế (1980). Nhạc sĩ Trần Hoàn vào thăm bạn và nghe đọc bài thơ. Ông đã phổ nhạc mong là món quà an ủi bạn lúc đau yếu. Nhưng không ngờ bài hát vừa được hoàn thành thì nhà thơ đã mất trong ít ngày sau. Đúng ngày Tết năm 1981 bài hát được phát trên làn sóng phát thanh. Giọng hát ngọt ngào trong vắt của ca sĩ Kim Phúc ngày đó như một lời chào thân thương cho người đã đi xa với lời ca: “Mùa xuân, mùa xuân, một mùa xuân nho nhỏ lặng lẽ dâng cho đời…”.
Cùng với những cung đàn xuân rạo rực và mê say nhiều nhạc sĩ khác cũng đã để lại những dư âm đặc sắc trong lòng người nghe. Có thể kể đến nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn với các nhạc phẩm như: “Mùa xuân” (phỏng thơ Elena Superman), hay “Mùa xuân bên những giếng dầu” và “Đường tàu mùa xuân”. Đặc biệt với giai điệu trầm ấm sang trọng của nhạc phẩm “Mùa xuân” nhạc sĩ đã để lại tình cảm rất sâu sắc: “Anh người chiến sĩ và chiếc áo năm tháng dãi dầu/ Anh người chiến sĩ và chiếc áo mưa nắng bạc màu/ Đôi tay bâng khuâng nâng cành hoa tím/ Và anh nói tặng em mùa xuân”.
Ru em từng ngón xuân nồng
Lâu nay khán giả thường hình dung âm nhạc Trịnh Công Sơn như những giai điệu du ca về thân phận và trăn trở về thế cuộc. Ông đã để lại hàng trăm tình khúc huyền ảo rung động lòng người. Nhưng thực ra ít ai biết mùa xuân mới là hình ảnh phổ cập nhất trong những tình ca của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đó là những tình khúc như: “Thành phố mùa xuân”, “Hoa xuân ca”, “Ru em từng ngón xuân nồng”, “Con đương mùa xuân” và “Góp lá mùa xuân”.
Nhạc sĩ đã từng gửi gắm tâm tình về những ca khúc của mình: “Với ca khúc, tôi là người tình của thiên nhiên, là người bạn của những em bé. Qua ca khúc, tôi đã đến gần và đã đi xa những cuộc tình, đã tham dự những nỗi hân hoan của đời người và cũng đã gánh nhẹ giùm những phiền muộn” (Tưởng rằng đã quên-Trịnh Công Sơn).
Đáng chú ý, hình ảnh của mùa xuân luôn xuất hiện một cách rất tự nhiên trong nhiều tình khúc khác của Trịnh Công Sơn. Nếu bài hát nổi tiếng “Biển nhớ” phảng phất hơi xuân: “Ngày mai em đi thành phố mắt đêm đèn vàng/ Nửa bóng xuân qua ngập ngừng”; thì sắc thái xuân đã hiển hiện rõ nét ở những ca khúc “Bốn mùa thay lá”, “Gọi tên bốn mùa” và đặc biệt là “Đóa hoa vô thường”. Đó là những lời ca ấn tượng: “Em đứng lên mùa xuân vừa mở, nụ xuân xanh cành thênh thang” hay “Mùa xuân trên những mái nhà/ Có con chim hót tên là ái ân”. Ngay trong bài “Chiếc lá thu phai”, ánh xạ xuân cũng làm lòng người tiếc nuối: “Mùa xuân quá vội/ Mười năm tắm gội/ Giật mình ôi chiếc lá thu phai”. Hoặc đâu đó hơi thở mùa xuân cũng ám ảnh tâm hồn thi nhân bởi sự trống vắng: “Em đã đi đời đâu có ngờ/ Mang trái tim mùa xuân héo khô/ Không có em buồn vui với ai” (Còn ai với ai). Và mùa xuân trong tâm hồn nhạc sĩ đã bớt vẻ sầu muộn hơn khi chuyển giai đoạn từ thập niên 90 với những bản nhạc vui tươi như “Thành phố mùa xuân”, “Con đường mùa xuân” và “Bông hồng nhỏ”, hay “Em ở nông trường, em ra biên giới”… Hình ảnh mùa xuân hồ hởi và bát ngát với những chia sẻ cộng đồng: “Bao nhiêu xuân hồng rực rỡ đi về/ Nghe trong ta, xuân bao la vĩnh viễn không còn xuân chờ…”. Đó là sự đổi mới theo kịp thời đại mà người nghe luôn chờ đợi ở những bản tình ca mùa xuân của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Mùa xuân đầu tiên
Một cảm xúc kỳ lạ khác sẽ đến với bất cứ ai khi sau bao năm ngấm sự huyền diệu của cung đàn “Bến xuân”, bây giờ lại ngỡ ngàng với “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ tài danh Văn Cao. Ông âm thầm viết “Mùa xuân đầu tiên” với cảm xúc dạt dào khi đất nước thống nhất. Vậy mà cái duyên vẫn chưa đến.
Phải chờ đến năm 1995, “Mùa xuân đầu tiên” mới bừng sáng thật sự qua giọng hát Thanh Thúy trong bộ phim “Buổi sáng có trong sự thật” (đạo diễn Đinh Anh Dũng) được làm khi nhạc sĩ Văn Cao đã qua đời. Nhiều khán giả đã không cầm được nước mắt khi giai điệu và những câu hát đầu tiên vang lên: “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/Mùa bình thường mùa vui nay đã về/ Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên/ Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông/ Một trưa nắng cho bao tâm hồn…”. Nay đã gần nửa thế kỷ mà người yêu âm nhạc Văn Cao vẫn tràn ngập tình yêu với “Mùa xuân đầu tiên”: “Từ người biết quê người/ Từ đây người biết thương người/ Từ đây người biết yêu người...”.