Hồng Đăng - một chân dung khác
Kỷ niệm 1 năm ngày nhạc sĩ Hồng Đăng đi xa, mới đây vợ ông - kỹ sư Lê Anh Thúy phối hợp cùng với những người bạn tổ chức tuyển chọn, biên tập cuốn sách “Chân trời gọi nắng”. Cuốn sách tập hợp những bài viết của nhiều người về Hồng Đăng. Nhưng phần quan trọng, dựng lên một chân dung Hồng Đăng khác, đó là những bài viết của nhạc sĩ, khi ông viết về đời sống âm nhạc với những gì ông đau đáu nghĩ suy và rất tình cảm. Đó là những bài viết về các nhạc sĩ, trong đó, riêng cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Hồng Đăng viết tới 4 bài.
Cuốn sách “Chân trời gọi nắng” do NXB Hội Nhà văn ấn hành, 3/2023 |
Một chiều Hà Nội cuối xuân, Hội Nhạc sĩ Việt Nam - nơi Hồng Đăng từng làm Phó Chủ tịch một thời gian dài, đã phối hợp với gia đình ông tổ chức buổi ra mắt cuốn sách thật trang trọng, đầm ấm và xúc động. Chọn một vị trí rất đẹp trên phố Nguyễn Du - con phố gắn với bài hát “Hoa sữa” nổi tiếng của Hồng Đăng, buổi ra mắt quy tụ nhiều gương mặt nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn và bạn bè yêu mến nhạc sĩ Hồng Đăng.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, xúc động bày tỏ: “Nhạc sĩ Hồng Đăng đã hòa vào muôn con sóng của biển xanh, của biển đời, tiếp tục vỗ mãi đến những chân trời gọi nắng. Những đóng góp cho nền âm nhạc của nhạc sĩ Hồng Đăng là điều không còn phải bàn cãi và được ghi nhận bằng những sản phẩm để lại. Không mạnh mẽ, hùng hồn, nhạc Hồng Đăng man mác, lắng đọng. Nhạc sĩ Hồng Đăng như lênh đênh trong cuộc đời mình, trong âm nhạc của mình. Mùi hương hoa sữa, con sóng biển khơi, tiếng ve ngày hè… đã cho ông ký âm những suy tư và cảm xúc của một con người, của một nhạc sĩ”.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ trong ngày giỗ đầu của nhạc sĩ Hồng Đăng. “Hôm nay là một ngày đặc biệt, trên chính con đường Nguyễn Du huyền thoại gắn liền với “hoa sữa” cũng như nhạc sĩ Hồng Đăng, tôi đã đọc, nghe những ca từ của nhạc sĩ Hồng Đăng, mọi thứ đều đồng điệu với dòng chảy cuộc sống. Âm nhạc, giai điệu và ca từ của Hồng Đăng đã trú ngụ, thuyết phục những người yêu nghệ thuật”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói, và bày tỏ: “50 năm trước, khi hát những giai điệu về “Hoa sữa” của Hồng Đăng, chúng ta run rẩy. 50 năm sau, chúng ta vẫn hát “Hoa sữa” và vẫn run rẩy về nó, bởi những rung động về tình yêu của con người với con người. Trong giai điệu và ca từ của “Hoa sữa” còn là những ký ức chung, còn là hạnh phúc, tình yêu, sự buồn bã, tất cả vẻ đẹp đó đều dâng lên. Sau này, thời gian có thể làm mọi thứ xóa nhòa đi, chỉ còn một thứ tồn tại đó là những nhịp điệu tình yêu vang lên trong trái tim của một người đàn ông và một người đàn bà. Nó chỉ kết thúc khi con người kết thúc. Bởi vậy, ca khúc mà Hồng Đăng viết không chỉ trong thời của mình mà còn qua nhiều thời khác”.
Còn nhạc sĩ Doãn Nho cho rằng, các tác phẩm của nhạc sĩ Hồng Đăng không chỉ gây ấn tượng, để lại dấu ấn, gieo tiếng vang trong lòng công chúng mà cả trong giới sáng tác âm nhạc. “Với lượng tác phẩm đồ sộ, trải dài ở nhiều thể loại, anh Hồng Đăng được liệt vào hàng nhạc sĩ “quý, hiếm” của chúng ta. Cả những bài báo, bài viết của anh về âm nhạc cũng được đưa vào giáo trình giảng dạy âm nhạc. Điều đặc biệt nhất là anh có một khả năng tiên tri, tử vi rất tuyệt vời. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp… đã thoát khỏi những tai nạn, sự cố nhờ có lời khuyên của anh. Trong nhạc sĩ Hồng Đăng tồn tại rất nhiều con người với những hình thức tư duy gần như hoàn toàn đối lập nhau”, nhạc sĩ Doãn Nho chia sẻ.
Nhạc sĩ Hồng Đăng tên thật là Phan Đăng Hồng, sinh năm 1936 tại xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ông mất ngày 21/3/2022. Trong gia tài sáng tác gần 700 ca khúc của nhạc sĩ Hồng Đăng, có điều khá đặc biệt là không ít bài hát được viết làm ca khúc chính cho các bộ phim nhưng rồi lại có đời sống độc lập. Ví dụ, ca khúc “Hoa sữa” viết cho bộ phim “Hà Nội mùa chim làm tổ”, ca khúc “Lênh đênh” viết cho bộ phim “Đời hát rong”, ca khúc “Nỗi nhớ đêm đại dương” viết cho bộ phim “Những hạt muối của biển”, ca khúc “Không gian xanh” viết cho bộ phim “Vùng trời”, ca khúc “Biển và cô gái tôi chưa quen” viết cho bộ phim “Những ngôi sao nhỏ”... Bên cạnh đó, ông còn có nhiều tác phẩm hợp xướng, thanh xướng kịch, kịch hát, nhạc không lời.
Năm 2001, nhạc sĩ Hồng Đăng được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật, cho các tác phẩm “Biển hát chiều nay”, “Hoa sữa”, “Quà tháng năm”, “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ” và hợp xướng “Lửa rực cháy”. Năm 2022, nhạc sĩ Hồng Đăng được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật, cho các tác phẩm “Lênh đênh”, “Đêm hành hương về huyền thoại”, “Buổi tối, chuyện một căn nhà nhỏ”, “Khao khát”, “Gửi một câu hát cho Tokyo”.
Nhưng, như đã nói ở trên, bên cạnh một chân dung âm nhạc của Hồng Đăng với chừng 700 ca khúc, trong đó nhiều bài hát được công chúng nhiều thế hệ yêu mến, còn có một Hồng Đăng tình cảm, biết xem tử vi cho nhiều người. Ông để lại cái tình đặc biệt nồng ấm, và những câu chuyện xung quanh ông vẫn còn được nhiều người nhắc nhớ. Trong cuốn sách “Chân trời gọi nắng”, phần thu hút nhiều người, có lẽ là những bài viết của Hồng Đăng. Đáng chú ý, ông viết về những người bạn nhạc sĩ quanh mình, với những kỷ niệm ấm áp và ký ức xanh tươi. Có thể kể tới những nét phác họa bằng con chữ của Hồng Đăng về các nhạc sĩ: Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Đình Thi, Xuân Oanh, Trịnh Công Sơn, Văn Dung, Thanh Tùng, Bảo Phúc, Phú Quang…; và các nhà văn - nhà thơ - họa sĩ: Huy Cận, Nguyễn Quang Sáng, Trần Lưu Hậu…
Riêng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Hồng Đăng có tới 3 bài viết: “Ấn tượng Trình Công Sơn”, “Sơn đi rồi ư?”, “Em còn nhớ hay em đã quên”, và một bài nữa, như một tiểu luận về nhạc Trịnh: “Không hiểu sao nỗi đau trong nhạc Trịnh lại thẳm sâu đến thế?”. Trong bài viết đầu tiên, nhạc sĩ Hồng Đăng viết: “Cái may mắn lớn nhất của Trịnh Công Sơn là đã tạo được một ấn tượng về nhân cách, về tâm hồn, về trình độ đối với mọi người quanh anh…”. Và: “Sơn đã sống hết mình, đã yêu hết mình, nhưng nỗi buồn của thân phận vẫn đè nặng lên anh. Nỗi buồn của nghệ sĩ muôn đời là vậy”.
Còn khi nhạc sĩ Bảo Phúc mất, nhạc sĩ Hồng Đăng viết bài “Bảo Phúc - Dòng sông đã lặng trôi”, với lời mở đầu: “Trưa nay, tôi bàng hoàng khi nghe tin nhạc sĩ Bảo Phúc ra đi. Anh ra đi khi còn quá trẻ, trong độ tuổi sung sức sáng tác của người nghệ sĩ. Thế mà anh ra đi… Tuổi 53...!”. Còn khi nhạc sĩ Phú Quang mất, ông viết: “Thông minh, hóm hỉnh, sang trọng, tài hoa, kiêu bạc là ấn tượng về Phú Quang với người đối diện. Tài hoa cho ông danh tiếng, tiền bạc, thông minh, hóm hỉnh hấp dẫn bạn bè, phái đẹp nhưng kiêu bạc cũng mang cho Phú Quang những khúc mắc đời sống mà không nhiều người biết. Nhưng thôi dù gì thì vào ngày ông ra đi, người yêu âm nhạc, gia đình, bạn bè sẽ nghe lại hay khe khẽ hát: Dường như ai đi ngang cửa, gió mùa đông bắc se lòng...”.
Đọc những con chữ Hồng Đăng viết riêng hay viết chung với vợ, đều nhận ra một điều, trái tim người nhạc sĩ luôn ấm áp, rung động và sẻ chia với bạn bè, đồng nghiệp, tri ân những người đi trước. Ông đã ra đi, nhưng những tác phẩm âm nhạc của ông còn ở lại và cái tình của Hồng Đăng vẫn còn đó với bạn bè, đồng nghiệp.