Bình Thuận: Bảo tồn và phát huy Lễ hội Katê của người Chăm để phát triển du lịch
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, đề án nhằm bảo tồn và phát huy bền vững giá trị văn hóa dân gian đặc sắc của Lễ hội Katê nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng người Chăm và thăm quan, khám phá, trải nghiệm của du khách; hướng đến đưa Lễ hội Katê trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn có sức thu hút nhân dân, du khách trong và ngoài nước; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 và những nhiệm kỳ tiếp theo.
Bảo tồn và phát huy Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận để phục vụ phát triển du lịch. |
UBND tỉnh Bình Thuận cũng cho rằng Lễ hội Katê hàng năm tại các đền, tháp, nhà làng cần duy trì tổ chức cả phần lễ và phần hội. Theo đó, phần lễ với đầy đủ các nghi thức và cách thức hành lễ theo tập tục truyền thống của cộng đồng, chú trọng gìn giữ từ không gian, thời gian diễn ra Lễ hội; đối tượng thờ cúng, lễ vật dâng cúng, thành phần tham gia cúng lễ, trình tự, cách thức thực hành các nghi lễ, các bài thánh ca trong từng nghi lễ của các chức sắc tham gia hành lễ cho đến trang phục truyền thống của các chức sắc, phụ nữ, thanh niên, thiếu nữ Chăm khi tham gia. Phần hội duy trì tổ chức các hội thi, hội diễn, trò chơi dân gian, các môn thi đấu thể thao mang tính truyền thống của cộng đồng như trưng bày lễ vật, thổi kèn saranai, trình diễn nghề thủ công truyền thống, trình diễn các làn điệu dân gian (dân ca, dân vũ, dân nhạc),... tạo không khí vui tươi, nhộn nhịp và hấp dẫn, có sức thu hút đông đảo cộng đồng người Chăm, nhân dân.
Lễ hội Katê có quá trình hình thành, tồn tại từ lâu đời trong lịch sử và được duy trì cho đến ngày nay. Lễ hội Katê diễn ra trước tiên tại các đền, tháp, sau đó đến các làng Chăm, gia đình các vị sư cả, chức sắc và các gia đình người Chăm Bàlamôn tại các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và TP. Phan Thiết với những nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng theo phong tục tập quán có từ lâu đời của cộng đồng.
Binh Thuận phê duyệt đề án bảo tồn, phát triển lễ hội Katê của người Chăm đê phát triển du lịch |
Lễ hội Katê hàng năm diễn ra từ cuối tháng 6 và kéo dài đến giữa tháng 7 Chăm lịch (khoảng tháng 9, tháng 10 dương lịch), tại các đền, tháp; Lễ hội Katê diễn ra trong 2 ngày, là ngày cuối cùng của tháng 6 và ngày đầu tiên của tháng 7 Chăm lịch; riêng Lễ hội Katê tại đền thờ Pô Tằm ở huyện Hàm Thuận Bắc diễn ra vào ngày 15 va 16 tháng 9 âm lịch hàng năm (khoảng vào giữa tháng 7 Chăm lịch). Sau khi kết thúc Lễ hội Katê tại các đền, tháp, người Chăm Bàlamôn tổ chức Lễ hội Katê tại nhà làng và sau đó cúng Lễ Katê tại gia đình.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng Lễ hội Katê ngoài việc duy trì đầy đủ các yếu tố văn hóa mang giá trị truyền thống, bên cạnh đó đã có sự tiếp thu, kế thừa, sáng tạo nên những giá trị văn hóa mới để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sinh hoạt văn hóa gắn với tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng.
“Mục tiêu của đề án nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành chức năng và cộng đồng người Chăm trong công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, Lễ hội Katê nói riêng phục vụ đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng và phát triển du lịch”, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định.