Bộ sưu tập “mặt nạ tuồng xứ Quảng”
Ước vọng Bảo tàng nghệ thuật Tuồng?
Họa sĩ La Thanh Hiền, nguyên cán bộ Sở Văn hóa thông tin tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (khi chưa chia tách thành 2 đơn vị hành chính Quảng Nam và Đà Nẵng) nhớ lại, năm 1981, khi anh vừa về nhận công tác tại Phòng nghiệp vụ Văn hóa-văn nghệ, thì được điều qua Ban nghiên cứu tuồng của Sở. Ban do GS. Hoàng Châu Ký chủ xướng thành lập, gồm các vị chức sắc cao tuổi, đam mê nghệ thuật tuồng như cụ Phạm Đức Nam (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng), cụ Võ Bá Huân, Nguyễn Văn Bằng, Đinh Châu, Lê Đình Siêu, Lê Phát... Các cụ thường xuyên lui tới họp hành, hội thảo, đưa ra nhiều ý kiến đóng góp. Thời điểm này, nhiều nghệ sĩ gạo cội về tuồng vẫn còn sống tập trung ở Đà Nẵng như NSND Nguyễn Phẩm, Ngô Thị Liễu, Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, các nghệ sĩ lâu năm như Tư Bửu (Trần Ngọc Tư), Hồ Hữu Có, Lê Quang Ngạch… rồi lớp sau có Trần Đình Sanh, sau này là NSND, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.
Họa sĩ La Thanh Hiền cùng bộ sưu tập mặt nạ tuồng |
Bên cạnh việc triển khai các hoạt động chuyên môn liên quan đến nghệ thuật tuồng, Ban đã dày công tiến hành nghiên cứu, sưu tập tái hiện bộ sưu tập mặt nạ tuồng. Trưởng Ban nghiên cứu Tuồng là NSƯT Nguyễn Vĩnh Huế, cũng là người dày công trong việc tham gia sắp xếp, hệ thống, tái hiện bộ sưu tập mặt nạ tuồng. Khi nói về nghệ thuật tuồng ông thường nhấn mạnh: “Khi nhân vật bước ra sân khấu, bên cạnh việc diễn viên phải biết vận dụng các yếu tố như ngôn ngữ, giọng nói, động tác hình thể… thì mặt nạ tuồng và nghệ thuật hóa trang là một yếu tố quan trọng để giới thiệu với khán giả một cách nhanh chóng tính cách nhân vật mà mình đang đóng”.
Chính vì thế, công việc chính mà họa sĩ La Thanh Hiền được giao lúc bấy giờ là sưu tầm, tập hợp tư liệu gồm tất cả các loại kịch bản tuồng, hình ảnh, đạo cụ, hiện vật, sách vở, tư liệu và đặc biệt là xây dựng bộ sưu tập “Mặt nạ tuồng” càng đầy đủ càng tốt. Lúc đó, tham vọng là làm một “Bảo tàng nghệ thuật Tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng”, nhưng tiếc thay do nhiều yếu tố khách quan, đến giờ này vẫn chưa thực hiện được...
Ký ức người sưu tập mặt nạ tuồng
Họa sĩ La Thanh Hiền nhớ lại, để tiến hành công việc sưu tập bộ “Mặt nạ tuồng”, anh đã khăn gói đi các nơi, xuôi Nam ngược Bắc nhiều lần. Có khi nằm ở Hà Nội gần 2 tháng trời, dò dẫm tiếp cận các nguồn tư liệu. Trong đó, Viện Nghiên cứu Sân khấu (Bộ Văn hóa) là nơi anh lui tới nhiều nhất. Ở đây, ngoài việc tiếp cận với bộ phận tư liệu, anh may mắn gặp được anh Xuân Hồng, người có thâm niên gần gũi với Nhà hát Tuồng Trung ương. Anh Hồng đã tập hợp, sưu tầm, mày mò, rồi phác thảo đường nét, màu sắc, diễn giải cặn kẽ từng chiếc mặt nạ tuồng cho anh. Dần dà anh cũng có ngót nghét trăm cái mặt nạ được vẽ trên nhiều loại giấy khác nhau.
Về Đà Nẵng, La Thanh Hiền vội vàng vẽ lại để kịp lưu trữ, bởi tư liệu thì nhiều, mà để lâu dễ bị quên những điều vừa khai thác, tiếp cận... Nhiều bản vẽ vừa phác thảo xong, anh treo ngay trong phòng làm việc, để các cụ cao niên trong làng tuồng lui tới góp ý. Anh lắng nghe mọi ý kiến đóng góp, rồi chỉnh sửa và vẫn treo lên đến khi không còn ai góp ý nữa.
Một nguồn tư liệu khác khá quan trọng khác, họa sĩ La Thanh Hiền có nhờ tiếp cận được tập giáo trình của NSND Nguyễn Lai. Tập giáo trình viết tay bằng bút máy, giấy đã ố vàng màu sắc cũng đã phai, được cụ thực hiện trong những năm tháng ở Đoàn Tuồng Bắc (Hà Nội) từ trước năm 1975. Trong đó, một số mặt nạ, cụ có vẽ minh họa, có tô màu cơ bản, mỗi khuôn mặt nạ có kích cỡ chừng tấm ảnh 4 x 6 và đặc biệt là có diễn giải. Trong đó, khá nhiều chi tiết thú vị, như thế nào là mặt con hổ, thế nào là mặt đầu rắn, thế nào là lông mày sâu róm, lông mày lưỡi mác; râu ba chòm, râu năm chòm, râu quai nón, râu đỏ...
Theo La Thanh Hiền, mặt nạ tuồng Thầy là khó vẽ nhất, bởi nhiều chi tiết và khuôn thước thể hiện, lại toàn vẽ bằng bột màu. Cái khó là đoạn đi tìm loại keo trong, để pha màu khỏi bị bạc. Hì hà hì hục gần cả năm trời. Cứ thế, dần dà, hơn 100 mặt nạ tuồng cũng được hình thành và được mang đi trưng bày giới thiệu không biết bao lần. Họa sĩ La Thanh Hiền còn kể, GS. Nguyễn Lộc từ Hà Nội vào gặp để nhờ anh vẽ và đưa vào công trình từ điển nghệ thuật tuồng. Điều này có nghĩa, ngay ở Hà Nội, các nhà chuyên môn cũng không có được đầy đủ bộ mặt nạ tuồng.
“Đến nay, đôi khi lang thang trên mạng, tình cờ gặp lại các mặt nạ tuồng do mình vẽ đã mấy chục năm rồi, có bức còn nguyên chữ do mình tự tay đánh máy, có bức còn cả những chú thích viết tay, thật bùi ngùi và xúc động. Bây giờ, phương tiện đầy đủ và hiện đại hơn nhiều, sắp đến, tôi muốn dành thời gian vẽ dần lại bộ sưu tập mặt nạ tuồng này, lưu trữ bằng công nghệ số cho an toàn, như một món quà kỷ niệm, vừa tự tặng cho chính mình, vừa để lại cho đời sau. Và đặc biệt là dành cho những người yêu thích nghệ thuật tuồng tiếp cận tham khảo”, họa sĩ La Thanh Hiền bộc bạch.
Ông Trần Ngọc Tuấn - Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho hay, hiện nhà hát đang lưu giữ và trưng bày tại phòng truyền thống bộ sưu tập mặt nạ tuồng nói trên. Một số ít qua thời gian đã có hư hỏng nhẹ, nhưng không đáng kể, còn lại vẫn được bảo quản tốt. Trong các buổi biểu diễn của nhà hát, hay các hoạt động quảng bá nghệ thuật tuồng, thì mặt nạ tuồng là một trong những hiện vật được nhiều người quan tâm yêu thích. |