Bồi hồi những mùa thu tuổi thơ
Vào thu... | |
Những mầm khoai tuổi thơ… |
Trẻ em và món đồ chơi truyền thống |
Trong dòng hồi ức ấy, dưới ánh trăng dịu dàng, tôi vẫn mãi là đứa trẻ lên bảy hồn nhiên, tung tăng cùng với chiếc đèn lồng mà ngoại mua cho tôi trước đó vài ngày. Hôm nay có việc đi qua phố Hàng Mã, chợt nhận ra những món đồ chơi xưa, lòng tôi lại bồi hồi khó tả.
Ngày ấy, mỗi độ Trung thu về, chợ quê tôi lại bày bán đủ thứ đồ chơi truyền thống bắt mắt. Nào là mặt nạ giấy bồi, đèn ông sao, đèn lồng cá chép, nào là tiến sĩ giấy, tò he đa hình thù, nhiều màu sắc… Chúng tôi là những đứa trẻ con nhà nghèo, chỉ biết đứng từ xa đưa cặp mắt thèm thuồng ngắm nhìn những món đồ chơi ấy trong vô vọng. Tâm hồn non nớt của tôi hồi đó cũng tự ý thức được phận mình. Thấy cô bạn được mẹ mua cho con gà tò he nhỏ nhắn, cùng chiếc đèn lồng con bướm với đôi cánh đủ màu, tôi chỉ ước được mượn và chạm tay vào chúng dù chỉ một lần.
Ngoại tôi thường bán rau ở chợ này. Chiều nào không phải đi học, tôi hay theo chân ngoại mang rau ra chợ bán. Gánh rau của ngoại không nhiều, chỉ là dăm, bảy mớ rau muống cùng vài mớ mồng tơi. Ngoại thương đứa cháu gái nhỏ xa cha mẹ từ tấm bé, giương cặp mắt buồn về phía hàng đồ chơi mà chạnh lòng. Ngoại dành dụm những đồng tiền đi chợ ít ỏi, mua cho tôi một chiếc đèn lồng cá chép để kịp vui Tết Trung thu với bạn bè. Đó cũng là món đồ chơi đầu tiên trong đời mà tôi được mua. Hôm đó, khỏi phải nói tôi vui sướng đến nhường nào. Cảm xúc ấy có lẽ thật khó để diễn tả hết bằng lời. Vui đến mức mà tôi quên luôn cả cặp bánh dẻo mẹ tôi gửi mãi trên Thái Nguyên về.
Đêm hội trăng rằm hôm ấy, tôi hãnh diện cầm chiếc đèn lồng cá chép của mình chạy tung tăng, hòa vào những bước chân nhỏ bé, những tiếng nói cười tíu tít của đám bạn trong làng. Anh tôi cũng muốn được “phổng mũi”, thỉnh thoảng lại “nháy”, ra hiệu tôi cho mượn chiếc lồng đèn để cùng đi rước với bạn bè. Trong tiết thu mát mẻ, mùi thị chín đưa hương, chúng tôi cùng ngân nga những câu vè rằm tháng Tám, cùng vô tư ngẩng cổ lên trời gọi chú Cuội và chị Hằng xuống chơi, tự hỏi ngây ngô với nhau rằng: “Chẳng biết Cuội ngồi gốc đa mãi có buồn không?”.
Giờ đây, không khí Tết Trung thu không còn vui nhiều như trước nữa. Những món đồ chơi truyền thống dù đang được nhiều nghệ nhân “hồi sinh” nhưng không thể phủ nhận được sự bắt mắt và đa dạng của những món đồ chơi hiện đại. Tâm huyết, tình cảm của không ít nghệ nhân yêu đồ truyền thống, văn hóa truyền thống tích cực giữ nghề, thậm chí hy sinh nhiều thứ để gắng truyền dạy cho thế hệ sau biết làm đồ chơi truyền thống, như đèn ông sao, tiến sĩ giấy, mặt nạ giấy, phỗng đất, tò he… Song dường như mọi cố gắng vẫn chỉ như muối bỏ biển trong dòng chảy ồn ào này.
Dù thế nào với nhiều người, những hình ảnh dung dị trong đêm trăng vẫn mãi là miền ký ức không thể xóa nhòa. Nhiều ông bố, bà mẹ chọn mua cho con mình những món đồ chơi xưa, phần vì muốn tìm về những kỷ niệm tươi đẹp, phần lại muốn các con được tiếp cận với những gì được gọi là truyền thống của dân tộc, muốn con hiểu rằng cha mẹ đã có một tuổi thơ với những món đồ chơi như thế, nơi giấy bồi khiến người ta thích thú hơn mặt nạ nhựa, nơi những chiếc kèn, đồ chơi phát nhạc chẳng hay bằng tiếng trống ếch. Còn với tôi, những món đồ ấy lại gợi về một góc bình yên của hồn mình, nơi có bóng ngoại hao gầy, lặng lẽ chở che…