BoJ đối mặt áp lực phải tăng lãi suất do đồng yên yếu
BoJ có thể dự báo lạm phát sẽ ở quanh mức mục tiêu và báo hiệu cơ hội tăng lãi suất Lạm phát tại thủ đô Tokyo chậm hơn dự kiến trong tháng Tư |
BoJ đối mặt áp lực phải tăng lãi suất do đồng yên yếu |
Các chuyên gia phân tích cho rằng, những áp lực nói trên có thể sẽ thúc đẩy Thống đốc BoJ, Kazuo Ueda tiếp tục đưa ra những tín hiệu diều hâu về triển vọng chính sách, nhưng với rất nhiều cảnh báo cần đề phòng trước khả năng tiêu dùng có thể mất nhiều thời gian hơn dự kiến để phục hồi.
Đồng yên Nhật đã mất khoảng 10% giá trị so với bạc xanh kể từ đầu năm đến nay, bất chấp quyết định của BoJ vào tháng Ba nhằm chấm dứt 8 năm áp dụng lãi suất âm, do thị trường vẫn lo ngại sự chênh lệch rất lớn giữa lãi suất của Mỹ và Nhật Bản.
Dữ liệu công bố hôm thứ Năm tuần trước cho thấy, nền kinh tế Nhật Bản suy giảm nhiều hơn dự kiến trong quý I, một phần do chi phí sinh hoạt tăng do yên Nhật yếu đã ảnh hưởng đến giá hàng tiêu dùng nhập khẩu. Xuất khẩu cũng sụt giảm - một dấu hiệu cho thấy lợi nhuận của các nhà sản xuất đang giảm dần do đồng nội tệ yếu hơn.
Các chuyên gia phân tích cho biết, nếu chỉ tính riêng các số liệu yếu kém gần đây, có thể BoJ sẽ không cần phải xem xét lại kế hoạch tăng lãi suất, vì các nhà hoạch định chính sách đang ưu tiên nhiều hơn vào việc thúc đẩy tiêu dùng phục hồi.
Nhưng, họ sẽ chú tâm hơn tới dữ liệu sắp tới về tiêu dùng, tiền lương và lạm phát dịch vụ, qua đó để xem xét thời điểm tăng lãi suất tiếp theo.
“BoJ có thể vẫn giữ quan điểm thông qua tăng lương sẽ thúc đẩy tiêu dùng. Nhưng, có thể họ sẽ đợi dữ liệu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II, dự kiến công bố vào tháng Tám, để đánh giá xem liệu hướng đi hiện nay có thực sự đúng hay không?”, chiến lược gia trưởng tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities, Naomi Muguruma nói.
Tiếp tục thảo luận
Yên Nhật yếu đã trở thành vấn đề khiến Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phải "đau đầu", khi đây là một trong số nguyên nhân khiến cho tiêu dùng hạ nhiệt. Áp lực mới từ nhập khẩu lạm phát đang làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu ông Kishida, vốn đã bị xếp hạng tín nhiệm thấp, có thể thực hiện được cam kết biến mức lương được điều chỉnh theo lạm phát thành những tác động tích cực trong các tháng tới hay không.
Trong khi BoJ loại trừ khả năng sử dụng chính sách tiền tệ để tác động đến biến động tỷ giá, mối lo ngại ngày càng tăng về tác động tiêu cực của đồng yên yếu đã khiến một số quan chức chính phủ và doanh nghiệp kêu gọi ngân hàng trung ương tăng lãi suất từ mức gần bằng 0.
"Lạm phát phải ở mức vừa phải để các công ty có điều kiện tài chính để tiếp tục tăng lương", Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren) Tokura Masakazu nói với hội đồng kinh tế của chính phủ Nhật Bản vào ngày 10/5.
Ông Tokura phát biểu tại cuộc họp có mặt Thống đốc Ueda rằng: “Trước nguy cơ đồng yên Nhật yếu khiến giá tăng quá mức, tôi hy vọng chính phủ và BoJ đặt mục tiêu đạt được mức lạm phát thích hợp khoảng 2% lên ưu tiên hàng đầu”.
Trong khi đó, Mana Nakazora - một thành viên đến từ khu vực tư nhân của hội đồng, cũng kêu gọi BoJ giúp “giảm bớt áp lực giảm giá đối với đồng yên” bằng chính sách tiền tệ.
Các cuộc thảo luận diễn ra sau áp lực ngày càng tăng của chính phủ, buộc BoJ phải sửa đổi tuyên bố chính sách ôn hòa của mình vào tháng Tư, vốn được cho là nguyên nhân khiến yên Nhật giảm mạnh hơn nữa.
Sau cuộc gặp với Thủ tướng Kishida vào ngày 7/5, Thống đốc Ueda cho biết BoJ sẽ “cảnh giác” với các động thái của yên Nhật trong việc thiết lập chính sách tiền tệ. Một ngày sau, ông cho biết BoJ có thể tăng lãi suất nếu đồng yên giảm ảnh hưởng đáng kể đến giá cả.
Phát biểu này trái ngược với quan điểm đưa ra ngày 26/4, khi ông nói rằng đợt giảm giá của yên Nhật gần đây sẽ không ảnh hưởng ngay lập tức đến lạm phát - một nhận xét đã đẩy đồng tiền nội tệ vượt 160 JPY/USD và tạo ra sự nghi ngờ về can thiệp mua yên Nhật của chính phủ.
Trong khi yên Nhật kể từ đó đã phục hồi để dao động quanh mức 155 JPY/USD, thì những lời "phàn nàn" của chính phủ vẫn tiếp tục diễn ra.
Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản, Shunichi Suzuki nói với các phóng viên rằng chính phủ và BoJ phải "tránh gây ra xung đột quan điểm" với bất kỳ sự khác biệt nào về chính sách - nhận xét được coi như một lời nhắc nhở ngân hàng trung ương này phải chú ý đến những lo ngại của chính phủ về đồng yên Nhật yếu.
Một nguồn tin thân cận với chính phủ Nhật Bản nói với Reuters: “Trên thực tế, mức giá của yên Nhật hiện tại có tác động tiêu cực lớn đến sinh hoạt của người dân”.
Về lý thuyết, việc tăng lãi suất khi nền kinh tế yếu kém sẽ không có tác dụng. Đặc biệt là với trường hợp của Nhật Bản, nơi lãi suất ngắn hạn vẫn ở mức gần 0 mặc dù lạm phát vượt quá mục tiêu 2% của BoJ trong hai năm qua. Việc tăng nhẹ lãi suất danh nghĩa vẫn sẽ khiến chi phí đi vay thực tế được điều chỉnh theo lạm phát ở mức âm sâu.
Cựu giám đốc điều hành BoJ, Eiji Maeda cho rằng ngân hàng trung ương này có thể sẽ không tăng lãi suất chỉ nhằm mục đích làm chậm đà giảm của yên Nhật.
Tuy nhiên, ông cho biết tác động từ sự biến động của yên Nhật lên giá cả có thể đã trở nên lớn hơn so với thời điểm Nhật Bản "sa lầy" vào tình trạng giảm phát.
“Từ góc độ này, tác động của đồng yên yếu đối với lạm phát là rất quan trọng trong việc định hướng chính sách tiền tệ”, Maeda, người kỳ vọng BoJ sẽ tăng lãi suất vào đầu tháng Bảy nói.