Các doanh nghiệp hối hả lên sàn
Thương mại điện tử: Tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp | |
Thúc đẩy phân phối trực truyến | |
Đến 2025, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50% |
Những thay đổi tích cực
Khảo sát mới đây của Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế Số (Bộ Công thương) với 20 website và sàn giao dịch TMĐT lớn cho thấy, trong thời gian qua, số lượng đơn đặt hàng tăng mạnh, trong đó, các sản phẩm khẩu trang, nước rửa tay khô, dịch vụ ăn uống… tăng từ 70% đến 100% so với cuối năm 2019. Có thể thấy, TMĐT là điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế trong những tác động trực tiếp của dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch, Trưởng văn phòng Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Covid-19 như một chất xúc tác để buộc các ngành kinh tế phải đẩy mạnh số hóa. Sau dịch bệnh đã có những sự chuyển biến tích cực từ các doanh nghiệp trước đây chưa từng tham gia sàn TMĐT, mà rõ nét là các ngành như gỗ, da giày, dệt may, hàng nông sản…
Mua sắm trực tuyến được dự báo sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới |
Đại diện VECOM cho biết đã tiến hành ký kết với Hiệp hội Gỗ TP. Hồ Chí Minh, tiếp theo đây là hiệp hội da giày, hiệp hội dệt may… để có thể kết nối, đưa những sản phẩm này lên sàn TMĐT.
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Fado Export miền Bắc - đơn vị cung cấp giải pháp giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu trực tuyến thông qua Alibaba cũng cho biết, có nhiều doanh nghiệp bán hoa quả đã mua gian hàng trên Alibaba để có thể bán hoa quả sấy sang Trung Quốc. Vì vậy, mặc dù vừa qua việc xuất khẩu gặp khó khăn nhưng những doanh nghiệp này vẫn được hưởng lợi ngay trong dịch, qua việc đã tiếp cận và đáp ứng tốt được thị trường. Theo ông Hùng, các nhãn hàng Việt bán khá tốt trên nền tảng TMĐT quốc tế nhưng trên nền tảng trong nước lại không như kỳ vọng. Vì thế trong thời gian sắp tới, đây là kênh các doanh nghiệp Việt có thể khai thác mạnh mẽ.
Đại diện Pushsale - đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp tham gia TMĐT cũng thông tin, trong thời gian vừa rồi, Pushsale có nhận được nhiều đề nghị từ các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, còn phát triển việc gửi kho để có thể giảm chi phí vận chuyển, giúp thời gian giao hàng nhanh hơn.
Cùng với đó, một số sản phẩm nông sản nổi tiếng của các địa phương giờ đây cũng đang có kế hoạch “lên sàn”. Mới đây, UBND huyện Lục Ngạn đã có chủ trương thành lập sàn giao dịch TMĐT vải thiều Lục Ngạn năm 2020. Đây là lần đầu tiên Lục Ngạn triển khai sàn TMĐT vải thiều. Dự kiến, sàn giao dịch sẽ được khai trương vào đầu tháng 6 này.
Trong bối cảnh đó, các sàn TMĐT cũng tung ra nhiều tính năng mới để thu hút người dùng. Lần lượt bốn sàn TMĐT là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo đều tung ra tính năng livestream trên ứng dụng di động, song song với phát triển cơ sở hạ tầng và cạnh tranh về giao hàng nhanh trong 3 giờ, 2 giờ và thậm chí là 1 giờ.
Chất lượng sản phẩm là yếu tố sống còn
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, tương lai sau đại dịch của TMĐT là một câu chuyện đẹp và rất nhiều cơ hội. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm vẫn là yếu tố sống còn.
Cũng đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Fado Export miền Bắc cho rằng, khi đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng, nhân lực cho việc phát triển TMĐT thì chất lượng hàng hóa và giá cả là yếu tố quyết định.
“Chúng tôi nhận thấy người tiêu dùng sau dịch sẽ có xu hướng mua sắm thông minh. Với các mặt hàng thiết yếu, người dân sẽ mua trên các sàn TMĐT nhiều hơn. Tuy nhiên doanh nghiệp phải đảm bảo được chất lượng. Như với nông sản cần phải đảm bảo các tiêu chí về an toàn thực phẩm cần thiết” - ông Hùng cho biết.
Với mục tiêu có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến đến năm 2025, dự kiến trong thời gian tới đây sẽ có nhiều giải pháp cụ thể để có thể thúc đẩy sự phát triển của TMĐT. Trong kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng xác định rõ TMĐT là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh.