Thương mại điện tử: Tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp
Thúc đẩy phân phối trực truyến | |
Kinh doanh điện tử: Làng nghề truyền thống bắt nhịp xu hướng mới | |
Kích thích kinh tế bằng thương mại điện tử |
TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định, thương mại điện tử (TMĐT) giúp DN nâng cao được sức cạnh tranh, đặc biệt là các DNNVV, thông qua việc tiết kiệm chi phí trong thuê mặt bằng, nhân công, quảng cáo cũng như dịch vụ bán hàng. “DN tăng được việc tiếp cận đầu vào và đầu ra, mở rộng khả năng quảng bá, tiếp thị khách hàng mà không cần tăng chi phí tương ứng. Đặc biệt, thời gian dành cho thực hiện giao dịch TMĐT không giới hạn đối với khách hàng toàn cầu với tốc độ giao dịch nhanh nhất, hiệu quả nhất, tận dụng được mọi nguồn lực”. Đây cũng chính là chủ đề Hội thảo “Phát triển TMĐT: Tạo lợi thế cạnh tranh cho DN Việt Nam” do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 2/6/2020 tại Hà Nội.
Toàn cảnh hội thảo |
Theo TS. Lê Xuân Sang, TMĐT mang lại nhiều lợi thế cho DN, đặc biệt TMĐT Việt Nam đang có nhiều điều kiện tốt để phát triển trong tương lai. Minh chứng là trong thời điểm xảy ra dịch Covid-19 khiến hầu hết DN trong các ngành nghề chịu nhiều thiệt hại nhưng riêng TMĐT vẫn là một “điểm sáng” hiếm hoi. Trong thời gian dịch bệnh, doanh số bán hàng của các DN cho khách hàng cá nhân tăng lên đỉnh điểm, đặc biệt là doanh số bán hàng giữa DN và DN. Kết quả khảo sát của tạp chí Nikkei mới đây với 4.273 DN cho thấy, khách hàng trong thời gian từ 19/3 – 19/4/2020 đối với vùng châu Á - Thái Bình Dương có đến 52% ý kiến được hỏi sẽ tăng mua hàng online; 32% ý kiến khẳng định là không thay đổi phương pháp mua sắm và chỉ có khoảng 10% ý kiến không tin tưởng vào TMĐT.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết, TMĐT và kinh tế số trong 5 tháng qua tại Việt Nam “với gam màu hồng là chủ đạo đang phủ khắp các lĩnh vực kinh tế của Việt Nam”. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn tồn tại nhiều bất lợi đối với DN, nhất là DNNVV. Hiện Việt Nam đang ở thời điểm có đà phát triển tốt và được đánh giá là đất nước có những tiền đề, lợi thế trong thực hiện CMCN 4.0 và phát triển kinh tế số. Trong bối cảnh mới, nỗ lực tự thân của DN cùng những hỗ trợ thích hợp, thiết thực của Nhà nước có ý nghĩa quyết định để DN ngày càng trưởng thành. Nắm bắt xu hướng, thời cuộc và cơ hội, nhiều tập đoàn, DN đang chuyển đổi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dồn nguồn lực đầu tư mạnh cho công nghệ và công cuộc chuyển đổi số.
Theo đó, việc tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong thời đại CMCN 4.0 và chuyển đổi số là một quá trình với rất nhiều khó khăn, đòi hỏi phải đi đồng thời cả “2 chân” là “thoát cũ” và “xây mới”. Chi phí chuyển đổi không nhỏ, dù gánh nặng di sản quá khứ có thể không lớn như ở các nước phát triển hơn. Điều này đúng với Việt Nam đang ở vào thời điểm phát triển có tính bước ngoặt, với khát vọng “vượt qua bẫy thu nhập trung bình thấp” để nhanh chóng bắt kịp và tiến cùng thời đại.
Việt Nam đang sở hữu những tiền đề rất cơ bản, dù chưa đầy đủ và hoàn chỉnh, để thực hiện CMCN 4.0, thúc đẩy kinh tế số, tạo đột phá tăng trưởng và phát triển. Hiện nay, những trở ngại về thể chế, chính sách, hạ tầng, nguồn nhân lực, và khiếm khuyết của bản thân DN là không nhỏ, song Việt Nam và DN Việt Nam hoàn toàn có thể khắc phục và vươn lên. Kinh nghiệm hơn 30 năm đổi mới, cải cách và hội nhập với biết bao thăng trầm là minh chứng sinh động nhất để khẳng định điều đó. Trong bối cảnh mới, cùng sự tự tin, tư duy khoa học, cách tiếp cận thực tiễn, Việt Nam cần đẩy nhanh tốc độ và sự quyết liệt, cả trong nhận thức và trong xây dựng chiến lược và hành động, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Ông Phạm Đình Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN) cho biết, TMĐT và thanh toán số đang phát triển rất mạnh cả trên thế giới và Việt Nam. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với DN Việt Nam để nâng cao sức cạnh tranh. Theo đó, đòi hỏi các DN cần phải có những chính sách mới và tận dụng lợi thế của TMĐT mang lại. Qua đó, để thanh toán điện tử trong TMĐT phát triển, ông Hòe đề xuất một số vấn đề như cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của nền kinh tế; cần có quan điểm mở, có “cuộc cách mạng” về tư duy chính sách và cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; cùng với đó là sự chia sẻ, hợp tác giữa các DN Việt Nam… Đồng thời, phải đảm bảo an toàn, an ninh bảo mật tầm quốc gia đối với từng DN TMĐT, DN Fintech thanh toán...
Cũng tại hội thảo, đa số các DN cho rằng, hiện TMĐT đang hỗ trợ rất nhiều cho các kênh bán hàng của mình. Đại diện CTCP Khóa Việt-Tiệp chia sẻ, khi internet trở nên thông dụng hơn, DN đã có những bước thay đổi không ngừng, ngoài kênh truyền thống, người tiêu dùng có thể mua sản phẩm khóa của công ty bằng hình thức trực tuyến, qua mạng xã hội, các sàn TMĐT như Tiki, Shopee...
Theo đó, phát triển TMĐT mạng lại lợi ích không nhỏ cho DN, thông qua kênh phân phối trên sàn TMĐT, sản phẩm khóa Việt - Tiệp đã có ở khắp nơi trong và ngoài nước như Cuba, Nga, Nam Phi, Lào, Campuchia... Hệ thống với 5 chi nhánh, trong đó một tại Campuchia, hơn 400 đại lý phân phối và trên 5.000 cửa hàng bán lẻ trên cả nước. Tuy nhiên cũng có những mặt trái đang ảnh hưởng không nhỏ tới công ty như tình trạng hàng giả, hàng nhái đã xuất hiện trên kênh bán hàng trực tuyến, sàn TMĐT đã tạo ra cuộc cạnh tranh không lành mạnh, làm mất uy tín của DN, khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào sản phẩm...
Do đó, để thị trường TMĐT phát triển lành mạnh, Việt - Tiệp mong có các quy định, điều kiện tham gia vào hệ thống bán hàng trực tuyến chặt chẽ hơn, đưa ra các chế tài xử phạt thật nặng để làm trong sạch cho thị trường hàng hóa, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng được mua những sản phẩm tốt, sản phẩm chính hãng và nền tảng TMĐT của Việt Nam phát triển hơn nữa.