Các ngân hàng toàn cầu bị “kẹt” giữa Mỹ và Trung Quốc
PBoC có thể làm chậm tốc độ nới lỏng tiền tệ | |
Kinh tế Trung Quốc khó tăng trưởng trong năm 2020 | |
Liệu Mỹ có thoát ly được Trung Quốc? |
Thế lưỡng nan
Trung Quốc đã thông qua Luật An ninh quốc gia mới áp dụng đối với Hồng Kông. Thế nhưng có lẽ quy định khiến các ngân hàng toàn cầu lo lắng nhất chính là Điều 29, bởi quy định cấm các lệnh trừng phạt, phong tỏa hoặc các hoạt động thù địch chống lại trung tâm tài chính và Trung Quốc. Trong khi Mỹ đang chuẩn bị ban hành các quy định yêu cầu các ngân hàng tuân thủ các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức và thực thể Trung Quốc.
Trụ sở HSBC Hồng Kông |
Việc tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ khi được ban hành có thể khiến các ngân hàng có nguy cơ bị phạt hoặc bị tước giấy phép kinh doanh. “Chúng tôi hiện đang tư vấn cho một số khách hàng quan tâm đến các khía cạnh của Luật An ninh quốc gia có thể được hiểu như thế nào và làm thế nào để thực hiện trong khi vẫn tuân thủ việc triển khai HKAA nói chung”, Tamer Soliman – người đứng đầu bộ phận Kiểm soát và Xử phạt xuất khẩu tại Công ty luật Mayer Brown cho biết, đề cập tới Đạo luật tự trị Hồng Kông của Mỹ (HKAA).
Hiện các ngân hàng toàn cầu như Citigroup Inc., Goldman Sachs Group Inc. và JPM Organ Chase & Co. đang bị mắc kẹt trong cuộc xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới khi họ hoạt động tại Hồng Kông và có kế hoạch đầy tham vọng tiến chân vào thị trường Trung Quốc trong năm nay.
Đặc biệt các ngân hàng bán lẻ và doanh nghiệp có nhiều hoạt động ở Hồng Kông như Citigroup và HSBC có thể gặp nhiều rủi ro hơn từ các chứng từ, đặc biệt là các giao dịch lớn được thực hiện thông qua các đơn vị địa phương. Một vấn đề khác gây lo ngại cho các ngân hàng là Điều 29 quy định về bí mật nhà nước, các ngân hàng có thể vi phạm nếu cung cấp thông tin cho chính phủ nước ngoài về các khách hàng cấp cao, hai nguồn tin nói với Bloomberg.
Bloomberg cũng dẫn lời các nguồn tin quen thuộc với vấn đề này nhưng xin được giấu tên cho biết, hiện các chủ ngân hàng và luật sư của họ từ Hồng Kông đến Washington đang nghiên cứu kỹ lưỡng các khía cạnh luật pháp của cả hai bên để dung hòa trong hoạt động và tránh được các hình phạt từ cả hai phía.
Theo đó các ngân hàng đang đánh giá các giải pháp để giảm thiểu rủi ro vi phạm Luật An ninh Hồng Kông và cách thực thi các biện pháp trừng phạt trong tương lai của Mỹ, bao gồm cả việc để cho các chi nhánh nước ngoài thực thi lệnh trừng phạt thay cho các đơn vị ở Hồng Kông. Hiện các ngân hàng toàn cầu cũng đang rà soát cơ sở khách hàng của mình để xác định những cá nhân, tổ chức có thể bị xử phạt theo đạo luật của Mỹ; cũng như xem xét các điều khoản cho phép họ “bỏ rơi” khách hàng mà không bị xử phạt.
Lượng hóa rủi ro
Dự luật trừng phạt của Mỹ, hiện đang chờ chữ ký của Tổng thống để ban hành thành luật, sẽ xử phạt các tổ chức tài chính nước ngoài cố tình làm ăn với các tổ chức, cá nhân bị xử phạt. Tuy nhiên Bloomberg dẫn lời các giám đốc ngân hàng với điều kiện giấu tên cho biết, các biện pháp trừng phạt ban đầu có thể sẽ chỉ giới hạn ở một số cá nhân vì Mỹ khó có thể hành động mạnh tay do lo ngại có thể gây tổn hại lớn đến thương mại và kinh tế toàn cầu.
Một nguồn tin cũng cho rằng, phản ứng của Trung Quốc cũng sẽ được giới hạn bởi nước này vẫn mong muốn duy trì Hồng Kông là một trung tâm tài chính toàn cầu và điều đó có thể bị phá vỡ nếu các công ty nước ngoài bị trói buộc với việc tuân thủ luật pháp. Bên cạnh đó Điều 29 cũng chỉ tập trung vào cấp quốc gia và lãnh thổ, nên việc thực thi các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với các cá nhân có thể không cấu thành vi phạm.
Nếu Mỹ ban hành đạo luật của mình, Bộ Ngoại giao Mỹ có thời 90 ngày để lên danh sách các cá nhân hoặc công ty bị áp đặt lệnh trừng phạt. Báo cáo về các tổ chức tài chính phải được nộp trong vòng 60 ngày sau đó. Tổng thống có thời gian là một năm trước khi áp dụng các biện pháp trừng phạt. Chính quyền Mỹ cũng đang cân nhắc động thái trừng phạt các ngân hàng, một nguồn tin cho biết.
“Đây là một phần của xu hướng xung đột pháp luật tiềm tàng giữa các biện pháp trừng phạt của Mỹ và các biện pháp đối phó trong tương lai của Trung Quốc”, theo ông Soliman. “Điều đó đã đẩy các công ty, vốn xem Mỹ và Trung Quốc là rất quan trọng đối với hoạt động kinh doanh lâu dài của mình, vào một tình thế rất khó khăn”.